16:26 04/09/2018

Bổ sung vi chất dinh dưỡng đúng cách cho trẻ!

Ánh Linh

Vi chất dinh dưỡng bao gồm nhóm vitamin (A, B, C, D, E...) và nhóm các nguyên tố khoáng (canxi, photpho, sắt, kẽm, iod, selen, đồng...). Tuy chỉ cần một lượng rất nhỏ, nhưng nếu thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng cho cơ thể, đặc biệt là trẻ em.

Theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, vấn đề thiếu các vi chất dinh dưỡng ở trẻ em thường liên quan đến các vi chất như thiếu vitamin A, thiếu máu, thiếu sắt, tiếu i- ốt, thiếu kẽm và khẩu phần ăn chưa đáp ứng được đủ canxi. Khi bị thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng các cháu thường nhẹ cân, đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp chiều cao theo tuổi, đồng còn làm giảm khả năng miễn dịch và ảnh hưởng đến khả năng phòng chống bệnh của các cháu.
Bổ sung vi chất dinh dưỡng đúng cách cho trẻ! - Ảnh 1.

Bổ sung vi chất cho trẻ thông qua chế độ dinh dưỡng hàng ngày

Vai trò của các vi chất dinh dưỡng Một nghiên cứu tại Mỹ đã chỉ ra, khi trẻ được bổ sung đủ kẽm có thể giảm được 18% tỷ lệ các bé bị tiêu chảy, 41% các bé bị viêm phổi và giảm tỷ lệ tử vong lên đến 50%. Vitamin, chất khoáng có nhiều vai trò sinh học, tham gia các quá trình chuyển hóa trong cơ thê.̉ Chất khoáng là thành phần quan trọng cấu tạo nên cơ thể, canxi, photpho là thành phần chính của xương và răng. Chất khoáng có nhiều tác dụng trong các chức phận sinh lý và chuyển hóa của cơ thể, duy trì áp lực thẩm thấu. Ăn thiếu chất khoáng sẽ sinh ra nhiều bệnh. Vậy chúng ta bổ sung vi chất dinh dưỡng bao nhiêu là đủ? Trong một báo cáo năm 2013 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy, trẻ em Việt Nam từ 6 tháng đến 12 tuổi thiếu vi chất nghiêm trọng. Có hơn 50% trẻ em thiếu hụt các vi chất như vitamin A, B1, C, D và sắt trong khẩu phần ăn hàng ngày, điều đó cho thấy bữa ăn truyền thống chưa đáp ứng được nhu cầu của trẻ em trong giai đoạn phát triển rất nhanh. Có 3 bệnh do thiếu vi chất dinh dưỡng quan trọng đang tác động đến sức khỏe cộng đồng là bướu cổ do thiếu iod, thiếu máu dinh dưỡng do thiếu sắt và khô mắt do thiếu vitamin A. Ngoài ra, hiện nay một vấn đề cũng cần quan tâm đó là bệnh còi xương do thiếu vitamin D, vì hậu quả của thiếu vi chất này sẽ ảnh hưởng đến tầm vóc của con người.
Bổ sung vi chất dinh dưỡng đúng cách cho trẻ! - Ảnh 2.
Vi chất dinh dưỡng có nhiều trong các thức ăn nguồn gốc động vật, thực vật rất phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, rất nhiều bà mẹ do chưa hiểu biết đúng về vai trò cũng như là nhu cầu của vi chất dinh dưỡng nên đã cho trẻ uống bổ không đúng, nếu thừa cũng có nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe. PGS. TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, ví dụ như canxi trong khẩu phần ăn của các bé dưới 1 tuổi cần khoảng 400 mg canxi /ngày; các cháu từ 1-3 tuổi là 450mg, các cháu sau 10 tuổi cần đến 1000mg canxi/ngày. Canxi có nhiều trong tôm, tép, cua, cá, sữa, phomai, rau dền, rau mồng tơi... Với kẽm trẻ từ 1-3 tuổi cần 4mg/ngày, từ 3- 4 tuổi cần khoảng 5 mg/ngày, 5 tuổi cần 5,6 mg kẽm/ngày. Và 10 tuổi cần xấp xỉ 10 mg kẽm/ ngày. Thực phẩm có nhiều kẽm gồm: lòng đỏ trứng gà, so, trai, hến, lươn, ốc, củ cải, đậu tương (đậu nành)... Bổ sung vi chất dinh dưỡng chủ động và an toàn Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Thu Hậu, Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP HCM cho biết vì các cơ quan của trẻ chưa hoàn thiện nên nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng cần đa dạng hơn, nhiều hơn người trưởng thành. Cha mẹ cần lựa chọn thực phẩm phù hợp với nhu cầu của trẻ mỗi ngày. Hiểu chưa đúng các chất có trong thực phẩm có thể khiến mẹ mắc sai lầm khi chọn lựa.
Bổ sung vi chất dinh dưỡng đúng cách cho trẻ! - Ảnh 3.

Lựa chọn thực phẩm phù hợp là một trong những cách bổ sung vitamin cho bé

Khi bổ sung vitamin cho trẻ, các mẹ cần lưu ý rằng, phần lớn vitamin dễ mất đi trong quá trình sơ chế, nấu nướng. Nấu nướng không đúng cách có thể khiến vitamin C hao hụt 50%; vitamin B1 giảm 30%; 20% carotene. Để hạn chế hao hụt chất dinh dưỡng, các mẹ có thể nghiền và xay nhỏ thức ăn sau khi nấu chín, không nên nghiền xay trước khi nấu. Khi nấu, mẹ nên giảm lượng nước, hấp tốt hơn luộc, nướng tốt hơn rán... Đối với chất béo (lipid), khi đun lâu ở nhiệt độ cao, axit béo không no sẽ bị ôxy hóa làm mất tác dụng dinh dưỡng. Hạn chế sử dụng dạng dầu giàu chất béo không no (dầu trộn salad) cho mục đích xào, chiên rán vì dạng dầu này sẽ bị biến tính do nhiệt. Các chất khoáng (canxi, photpho, kali, natri, magiê...) trong quá trình nấu có thể biến đổi về số lượng do chúng hòa tan vào nước. Nên ăn cả cái và nước sẽ tốt hơn. 
Bổ sung vi chất dinh dưỡng đúng cách cho trẻ! - Ảnh 4.

Nguồn thực phẩm đa dạng mang lại những vi chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể

Phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, chủ động và an toàn nhất là thông qua nguồn thực phẩm để bổ sung vitamin và các khoáng chất trong từng bữa ăn, các nhà dinh dưỡng đã khuyến cáo bữa ăn cần đa dạng, phối hợp nhiều loại từ 4 nhóm thực phẩm và thường xuyên thay đổi ngay từ khi trẻ nhỏ mới bắt đầu ăn bổ sung (ăn dặm). Khuyến khích các bà mẹ cho con bú ngay sau sinh để trẻ bú được sữa non vì trong sữa non, hàm lượng vitamin A cao, giúp trẻ khỏe, tăng sức đề kháng và chống được bệnh. Trẻ nhỏ cần được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu vì sữa mẹ là nguồn thực phẩm tự nhiên có đủ vi chất dinh dưỡng, đáp ứng được nhu cầu của trẻ. Hiện nay, để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, các bà mẹ cũng nên biết và cần lựa chọn các loại thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng như bánh qui bổ sung canxi, sắt, đường bổ sung vitamin A, bột ăn dặm bổ sung vitamin và khoáng chất...
Để bổ sung vi chất dinh dưỡng đầy đủ và đúng cách cho trẻ: - Nên cho trẻ ăn đa dạng các loại thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày. - Chú ý những vi chất quan trọng cho trẻ: vitamin A, vitamin D, vitamin C, vitamin nhóm B, canxi, sắt, đặc biệt là kẽm. - Chọn thực phẩm tươi ngon, không chế biến thức ăn quá kỹ sẽ làm mất vitamin và khoáng chất trong thực phẩm. - Bổ sung bữa ăn phụ cho trẻ qua những loại trái cây hay bánh giàu vi chất và kẽm giúp bổ sung vi chất dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ.