Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến cáo không dùng thực phẩm quanh vụ cháy nhà máy Rạng Đông
Người dân tạm thời không sử dụng các thực phẩm có nguồn gốc từ khu vực xung quanh vụ cháy cho đến khi công bố mức độ ảnh hưởng của sự cố
Liên quan đến sự cố cháy nổ tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông trên địa bàn phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Tp Hà Nội khiến người dân lo ngại nguy cơ xảy ra mất an toàn hóa chất độc hại và ô nhiễm môi trường, sáng 31/9, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chính thức có phản hồi về vấn đề này.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, đây là sự cố cháy nổ có liên quan tới an toàn hóa chất và bảo vệ môi trường, xảy ra trên địa bàn Tp. Hà Nội, thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của thành phố Hà Nội.
Ngay sau khi sự cố cháy nổ xảy ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Tổng cục Môi trường khẩn trương phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan của thành phố Hà Nội để trao đổi, nắm bắt thông tin.
Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (trực thuộc Tổng cục Môi trường) trực tiếp phối hợp, hỗ trợ Sở Tài nguyên và Môi trường Tp. Hà Nội tiến hành quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường xung quanh: không khí, nước, đất sau sự cố.
Kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí của Sở Tài nguyên và Môi trường Tp. Hà Nội trên địa bàn thành phố nói chung và khu vực xảy ra sự cố cháy nổ nói riêng (đặc biệt là sau cơn mưa các ngày 29- 30/8/2019) đều ở mức bình thường, nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia.
Theo đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND Tp Hà Nội, ngày 30/8, công ty đã báo cáo sơ bộ số liệu về sản phẩm hàng hóa, vật tư, bị thiệt hại trong vụ cháy (bóng đèn huỳnh quang, đèn tròn, đèn compact).
Hiện nay, UBND Tp.Hà Nội đang phối hợp với các chuyên gia, các nhà khoa học để tính toán, lượng hóa các nguồn, chất gây ô nhiễm có thể phát sinh từ bóng đèn huỳnh quang, đèn compact để đưa ra được mức độ, phạm vi ô nhiễm môi trường nếu có.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tham vấn ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước để hướng dẫn, hỗ trợ thành phố Hà Nội trong quá trình thực hiện.
Bộ này cũng lưu ý, hiện nay cơ quan quản lý nhà nước đang trong quá trình đánh giá phạm vi, mức độ ảnh hưởng của sự cố cháy nổ dựa trên cơ sở số liệu thực tế và căn cứ khoa học; sự cố vẫn có thể tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân.
Để bảo đảm an toàn tuyệt đối sức khỏe cho người dân, Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến cáo người dân sinh sống khu vực xung quanh công ty cần thận trọng, thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân theo khuyến cáo của ngành y tế.
Đối với các hộ dân ở gần công ty, cần tẩy rửa tường, sàn nhà và các đồ gia dụng trong gia đình, không sử dụng nước từ các bể chứa nước hở; thau rửa các bể chứa nước hở. Đặc biệt, tạm thời không sử dụng các thực phẩm có nguồn gốc từ khu vực xung quanh cho đến khi các cơ quan chức năng nhà nước công bố giới hạn về phạm vi, mức độ ảnh hưởng của sự cố cháy nổ nêu trên.
Bộ này cũng khẳng định, sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội để thực hiện tốt các biện pháp xử lý hậu quả môi trường sau sự cố, bảo đảm tính chặt chẽ, khoa học, kể cả việc tham vấn ý kiến cơ quan quốc tế để bảo đảm an toàn sức khỏe người dân và an toàn môi trường xung quanh.
Đã có kết quả xét nghiệm nhiễm độc thủy ngân
Ngày 31/8, Bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết đã có kết quả xét nghiệm nhiễm độc thủy ngân của 11 trong số 12 người (10 phóng viên, 2 người dân) tham gia chữa cháy và tác nghiệp tại vụ cháy nhà máy Rạng Đông tối 28/8.
Theo Bác sỹ Nguyên, trong số 10 phóng viên và 2 người dân tới xét nghiệm nhiễm độc thủy ngân sáng 30/8, kết quả cho thấy 11 người không có bất thường trong mẫu máu, các chỉ số xét nghiệm đều trong ngưỡng an toàn và không bị nhiễm độc thủy ngân. Còn 1 người do chưa phân tích xong nên chưa có kết quả.
Tuy nhiên, Bác sỹ Nguyên cũng cho biết, để chắc chắn hơn, mọi người có thể đi xét nghiệm thêm nước tiểu.