19:49 14/06/2012

Bộ trưởng Bộ Công an: “Có nguy cơ chiến tranh mạng”

Nguyên Hà

Đại biểu Quốc hội và Bộ trưởng Bộ Công an cùng quan ngại về sự gia tăng của một số loại tội phạm mới

Bộ trưởng Trần Đại Quang trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 14/6 - Ảnh: HL.
Bộ trưởng Trần Đại Quang trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 14/6 - Ảnh: HL.
“Theo những thông tin mà chúng tôi có được, thì có thể đưa ra một nhận xét là nguy cơ một cuộc chiến tranh mạng đối với nước ta là có thể xảy ra”, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang trả lời chất vấn trước Quốc hội, chiều 14/6.

Bộ trưởng Quang cũng chia sẻ với mối lo về nhiều loại tội phạm mới có chiều hướng gia tăng được đặt ra ở nhiều chất vấn của đại biểu.

Cần có Luật An ninh thông tin

Nêu thực tế trong những năm gần đây vấn đề an ninh mạng, an ninh thông tin đã trở thành “vấn đề mang tính chất toàn cầu, gây nhiều thiệt hại, tổn thất lớn cho kinh tế, xã hội, an ninh thế giới, thậm chí có người nói đây là cuộc chiến tranh”, đại biểu Huỳnh Thành Đạt muốn biết ý kiến Bộ trưởng về việc này và kế hoạch để ứng phó, phòng vệ hiệu quả nhất.

Bộ trưởng Quang nói, tình hình tội phạm mạng trên thế giới diễn biến hết sức phức tạp, còn ở Việt Nam các “thế lực thù địch” cũng đã sử dụng các mạng xã hội, các trang web, blog cá nhân để tuyên truyền, xuyên tạc vu cáo, kích động gây mất an ninh trật tự và thậm chí tuyên truyền những kịch bản về “cách mạng sắc màu” như ở Bắc Phi, Trung Đông, để kích động gây mất an ninh trật tự và chống lại chính quyền.

“Theo những thông tin mà chúng tôi có được thì chúng tôi có thể đưa ra một nhận xét là nguy cơ một cuộc chiến tranh mạng đối với nước ta là có thể xảy ra do các thế lực thù địch triệt để lợi dụng những thành tựu công nghệ thông tin để chống phá Việt Nam và bản thân hệ thống mạng thông tin của chúng ta vẫn còn có những sơ hở”, Bộ trưởng giải đáp băn khoăn của đại biểu.

Thông tin tham khảo được Bộ trưởng cung cấp thêm là các hãng bảo mật trên thế giới cho rằng Việt Nam là một trong 5 nước đứng đầu về tỷ lệ phát tán thư rác, xếp thứ 12 thế giới về mức độ đe dọa bị tấn công bằng mã độc và đứng thứ 33 về hệ thống máy chủ bị lợi dụng lừa đảo trực tuyến, xếp thứ 45 về mức độ đe dọa máy tính bị nhiễm phần mềm điều khiển của tin tặc.

Để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm mạng, Bộ trưởng cho biết giải pháp phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường quản lý Nhà nước về an toàn an ninh thông tin, thanh tra, kiểm tra để xử lý các vi phạm trên lĩnh vực Internet và quản lý hạ tầng thông tin

Dự báo sắp tới tội phạm mạng và vấn đề đảm bảo an ninh an toàn thông tin sẽ còn diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Quang cho biết sẽ kiến nghị với Chính phủ sửa đổi Nghị định 97 về quản lý các dịch vụ Internet theo hướng chặt chẽ, không để các đối tượng lợi dụng vào các hoạt động xâm hại an ninh trật tự. Đồng thời, cũng kiến nghị Quốc hội sớm đưa vào chương trình xây dựng Luật An ninh thông tin để làm cơ sở hành lang pháp lý cho việc triển khai công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin và đấu tranh phòng chống tội phạm mạng trong thời gian sắp tới.

Đã phát hiện thương nhân nước ngoài lừa đảo

Quan ngại việc thương nhân nước ngoài hoạt động thương mại ở Việt Nam nhưng đa số dùng hộ chiếu du lịch và đã có dấu hiệu lừa đảo như giật nợ, bỏ trốn, kể cả thu mua hoa quả non giá cao chưa rõ mục đích, đại biểu Nguyễn Thị Khá chất vấn trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công an trong việc quản lý các đối tượng này.

“Mục đích của họ là gì? Thao túng, lũng đoạn thị trường, lừa đảo hay lý do chính trị nào khác? Bộ trưởng có giải pháp gì? Trách nhiệm đến đâu trong vấn đề này để giúp người nông dân yên tâm sản xuất ổn định an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội ở địa phương?”, đại biểu Khá đặt ra hàng loạt câu hỏi.

Thừa nhận thực tế đại biểu nêu, Bộ trưởng cho biết lực lượng công an cũng cũng phát hiện một số người nước ngoài lợi dụng đi du lịch nhưng thực chất vào Việt Nam làm ăn. Một số làm ở các công trường, nhà máy, xí nghiệp dưới danh nghĩa là lao động đơn giản nhưng không có hợp đồng, vì lý do 3 tháng trở lên mới có hợp đồng lao động.

Nhưng đáng chú ý, theo Bộ trưởng Quang là có một số thương nhân người nước ngoài vào các vùng miền Tây Nam Bộ để thu mua hải sản sau đó xuất ra nước ngoài đã lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của đồng bào, đưa ra giá mua cao hơn một sau đó ghi nợ, rồi lừa đảo trốn luôn. “Vấn đề này chúng tôi đã phát hiện và xử lý một số trường hợp”, ông cho biết.

“Nhận xét có phải họ vào đây để thao túng thị trường để phá hoại ta về kinh tế hay không thì đây cũng là gợi ý của đại biểu để chúng tôi suy nghĩ. Nhưng với tài liệu hiện có, chúng tôi thấy rằng chưa đủ cơ sở để kết luận những vấn đề đó mà chủ yếu để thu mua, rồi gom hàng cũng có tính chất lừa đảo để trục lợi mang tính chất cá nhân”, Bộ trưởng trả lời.

Bộ trưởng Quang cũng lưu ý một loại tội phạm mới nảy sinh trong những năm gần đây đặc biệt năm 2011 và 6 tháng đầu năm nay đó là tội phạm sử dụng công nghệ cao, trộm cắp tiền trong tài khoản, sử dụng thẻ tín dụng giả, trộm cắp cước viễn thông, đánh bạc, cá độ qua internet. Năm 2011 phát hiện xử lý 128 vụ, 6 tháng đầu năm nay phát hiện và xử lý 111 vụ.

Cũng theo Bộ trưởng năm 2011 đã phát hiện bắt giữ xử lý 440 đối tượng và 6 tháng đầu năm nay đã bắt và xử lý 165 đối tượng là người nước ngoài ở Việt Nam. Ngoài ra tội phạm tham nhũng cũng gia tăng, trong 6 tháng đầu năm nay lực lượng công an đã thụ lý điều tra 243 vụ, 559 bị can, trong đó khởi tố mới 115 vụ, 212 bị can tăng 12 vụ (11,7%) và 32 bị can (17,8%) so với cùng kỳ năm 2011.