Bộ trưởng Giao thông: Nhiều nhà đầu tư quan tâm đến sân bay
Việc tư nhân đầu tư vào sân bay, nhà ga không còn mới tại Việt Nam
Thảo luận về việc tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để sớm triển khai dự án sân bay Long Thành chiều 8/6, nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại về khả năng huy động vốn cho dự án này.
Giải trình sau khi lắng nghe 20 ý kiến, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa cho biết sẽ tiếp thu toàn bộ các ý kiến, và với trách nhiệm của Bộ trực tiếp lập dự án, cùng tỉnh Đồng Nai được Chính phủ giao làm báo cáo dự án di dân tái định cư sẽ tiếp tục hoàn thiện, bổ sung trong báo cáo giải trình thời gian tới.
Theo Bộ trưởng, đây là dự án hết sức quan trọng, được đưa vào từ năm 2005 nhưng đến kỳ họp cuối của Quốc hội khoá 13 mới thông qua được.
Do tính quan trọng và phức tạp của dự án, Nghị quyết 94 của Quốc hội khoá 13 đã đưa ra nhiều điều khoản yêu cầu phải có báo cáo nghiên cứu khả thi trước khi phê duyệt, đồng thời yêu cầu hàng năm báo cáo trước Quốc hội về tình hình thực hiện dự án.
Riêng về nội dung giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng Nghĩa cho biết trong báo cáo thường kỳ báo cáo Quốc hội, Chính phủ đã nêu rõ các kiến nghị về cơ chế đặc thù cho việc di dân, tái định cư để thực hiện dự án sân bay Long Thành.
Về chủ trương thực hiện dự án sân bay Long Thành, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh là do xuất phát từ nhu cầu của ngành hàng không, khi sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay đã vượt quá công suất (32,5 triệu khách/năm so với 28 triệu khách/năm).
“Với tinh thần khẩn trương khắc phục tình trạng này, Bộ Giao thông Vận tải được sự đồng thuận lớn của Bộ Quốc phòng và Tp.HCM đã đồng thời triển khai một loạt các dự án”, Bộ trưởng Nghĩa thông tin.
Đề cập riêng về dự án nâng cấp và quy hoạch lại sân bay Tân Sơn Nhất, thời gian qua đã có rất nhiều phương án, nhưng Bộ trưởng cho hay, riêng phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Bắc là hoàn toàn không khả thi với nhiều lý do: chi phí giải phóng mặt bằng, khả năng ô nhiễm tiếng ồn và rất nhiều thứ khác...
Vì thế, theo Bộ trưởng, phương án khả thi và tiết kiệm nhất được lựa chọn là xây dựng thêm một nhà ga T4 với công suất từ 10-15 triệu hành khách.
Cùng với đó, đường lăn, sân đậu đang quyết tâm xong trước Tết năm 2018. Về nhà ga, với tiến độ quyết tâm là 2019 sẽ xong nhà ga, nhưng đến khoảng năm 2022 thì lại đạt công suất tối đa, tức là sân bay Tân Sơn Nhất vẫn không thể đảm đương mức tăng trưởng hiện nay.
“Vì thế, sân bay Long Thành nếu được xây đúng như dự kiến sẽ là một nhu cầu hết sức cấp bách”, Bộ trưởng Nghĩa nhấn mạnh, và mong các đại biểu ủng hộ để sớm thực hiện dự án này.
Về nguồn vốn, Bộ trưởng giải trình, hiện nay trong Nghị quyết 94 của Quốc hội nói huy động nhiều nguồn vốn: ngân sách nhà nước, ODA, vốn các nhà đầu tư, cổ phần hoá doanh nghiệp. Nhưng trong giai đoạn giải phóng mặt bằng thì không thể thể huy động vốn ODA hay vốn của tư nhân, mà chỉ có thể lấy từ vốn ngân sách.
Tiếp đến, một dự án cần tiến hành nữa là đường sắt dài 43 km từ sân bay Tân Sơn Nhất đến sân bay Long Thành, vì đây là cơ hội lớn cho Tp.HCM, Đồng Nai, Bình Dương trong quá trình phát triển.
Vẫn theo Bộ trưởng, việc tư nhân đầu tư vào sân bay, nhà ga không còn mới tại Việt Nam, và dự án sân bay Long Thành đang được các nhà đầu tư hết sức quan tâm.
“Chúng ta có nhà ga quốc tế Đà Nẵng phục vụ APEC hoàn toàn do tư nhân đầu tư, sân bay Nha Trang đang được đầu tư, nhà ga T4 của sân bay Tân Sơn Nhất hiện cũng đã có 3-4 nhà đầu tư. Ta cũng đã có sân bay Vân Đồn là sân bay được đầu tư toàn bộ bằng vốn của tư nhân, vì thế, sân bay Long Thành của chúng ta hướng sẽ được đầu tư theo hình thức PPP”, Bộ trưởng Nghĩa nói.
Ông Nghĩa cũng nhấn mạnh, với trần nợ công hiện nay, để đầu tư cho sân bay Long Thành bằng vốn Nhà nước là hết sức khó khăn, còn nếu để các nhà đầu tư vào đầu tư, thì phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
“Thời gian tới, chúng tôi cùng Đồng Nai sẽ có báo cáo cụ thể hơn với các đại biểu Quốc hội, trong báo cáo đó sẽ nêu cụ thể hơn về cách thức huy động nguồn vốn để thực hiện dự án này, còn đây mới chỉ là giai đoạn xin chủ trương”, Bộ trưởng phát biểu.