Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Kinh tế số phải trở thành động lực chính cho tăng trưởng nhanh và bền vững
Phần mềm Việt Nam phải là động lực tạo ra tăng trưởng kinh tế của đất nước. Kinh tế Việt Nam muốn phát triển nhanh và bền vững thì phải dựa vào kinh tế số...
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 20 năm Giải thưởng Sao Khuê, Vinh danh và trao Giải thưởng Sao Khuê 2023 do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức ngày 28/4/2023, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận xét, Giải thưởng Sao Khuê luôn bám sát cuộc sống, bám sát sự vận động, bám sát sự thay đổi của công nghiệp phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin.
TẠO SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ, THÀNH ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG CỦA NỀN KINH TẾ
Những năm gần đây, Sao Khuê đã theo sát sự chuyển đổi từ công nghệ thông tin sang công nghệ số, từ ứng dụng công nghệ thông tin sang chuyển đổi số, từ gia công sang Make in Vietnam, từ phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số, từ hệ thống công nghệ thông tin sang điện toán đám mây, từ thị trường trong nước sang thị trường nước ngoài. Đặc biệt là sự chuyển đổi từ công nghệ thông tin là công cụ hỗ trợ sang công nghệ số là công cụ sản xuất chính.
Tuy nhiên, trong 10 năm tới của phần mềm Việt Nam, của Sao Khuê sẽ là gì? Liệu chúng ta sẽ tiếp tục tôn vinh việc làm ra và đi bán các phần mềm như trước đây nữa không?
Nêu ra câu hỏi về hướng phát triển của phần mềm và Sao Khuê trong thời gian tới, người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông cho rằng “có thể sẽ vẫn tiếp tục là như vậy, nhưng mục đích sau cùng của nó phải là tạo ra sự phát triển của kinh tế số, phải trở thành động lực tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế. Là động lực để Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào giữa thế kỷ XXI”.
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Phần mềm Việt Nam phải là động lực tạo ra tăng trưởng kinh tế của đất nước. Giải thưởng Sao Khuê đã có trọng tâm là kinh tế số. Giải thưởng Sao Khuê phải tôn vinh các sản phẩm, dịch vụ và những doanh nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ số đã góp phần tạo ra tăng trưởng kinh tế số trong các ngành công nhiệp, nông nghiệp và dịch vụ”.
Kinh tế Việt Nam muốn phát triển nhanh và bền vững thì phải dựa vào kinh tế số. Kinh tế số phải trở thành động lực chính cho tăng trưởng nhanh và bền vững của Việt Nam. Kinh tế số phát triển với tốc độ 3-4 lần cao hơn tăng trưởng GDP, và sẽ chiếm tới 20-25% GDP vào năm 2025. Phát triển kinh tế số đã trở thành chiến lược quốc gia.
Theo Bộ trưởng, nói đến kinh tế số là nói đến tạo ra giá trị mới từ dữ liệu. Trong kinh tế số, dữ liệu không khác gì đất đai, vốn và lao động. Nói đến kinh tế số là nói đến công nghệ, công nghiệp và dịch vụ về điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin và công nghệ số. Đây là động lực chính cho sự phát triển của kinh tế số, mặc dù về dài hạn nó chỉ chiếm 20% kinh tế số.
Bên cạnh đó, kinh tế số là chuyển đổi số các ngành. Việc chuyển đổi số các ngành sẽ tạo ra kinh tế số của các ngành. Kinh tế số ngành sẽ chiếm tới 70-80% của kinh tế số. Chuyển đổi số các ngành, kinh tế số của các ngành phải là trọng tâm của phát triển kinh tế số.
Kinh tế số cũng là chuyển đổi số các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Đây là thành phần năng động nhất của nền kinh tế. Chuyển đổi số khu vực này sẽ tạo ra tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Nói đến kinh tế số là nói đến quản trị số, chính phủ số, đô thị thông minh…
SỨ MỆNH QUAN TRỌNG CHUYỂN ĐỔI SỐ QUỐC GIA
Tại sự kiện, đặt ra những kỳ vọng mới cho Sao Khuê, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Sáng lập VINASA, cho rằng ngành phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam đang ngày càng trưởng thành hơn, các sản phẩm dịch vụ của các doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Sao Khuê cần thể hiện vai trò liên kết mạnh mẽ trong công cuộc chuyển đổi số của đất nước.
Sau 20 năm, ngành công nghệ thông tin đã trở thành một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, đồng thời gánh vác sứ mệnh quan trọng chuyển đổi số quốc gia.
Chuyển đổi số không chỉ là hỗ trợ khách hàng ứng dụng công nghệ, chuyển đổi công nghệ để số hóa, tối ưu hóa quy trình, hoạt động, mà phải là hợp tác, kết nối với nhau, hình thành các liên minh, liên kết chuyển đổi số giữa doanh nghiệp công nghệ thông tin với tổ chức, doanh nghiệp các ngành khác.
Theo ông Bình, khi đó, dữ liệu lớn được hình thành và bài toán lớn được xác định và giải quyết. Như vậy mới nhanh chóng có những mô hình kinh tế số, doanh nghiệp số mới; mô hình quản trị số, tổ chức số mới… Đây mới là động lực mới cho sự phát triển.
Năm 2023, Giải thưởng Sao Khuê được trao cho 182 nền tảng từ 128 doanh nghiệp, trong đó có 15 nền tảng số, 22 dịch vụ giải pháp công nghệ tiên phong, 2 startup số, 38 dịch vụ, và 105 giải pháp số xuất sắc. Đặc biệt, 11 đề cử được xếp hạng Sao Khuê 5 sao và 10 đề cử xuất sắc được trao Top 10 Sao Khuê 2023.
Như vậy, trong 20 năm qua, đã có 1.546 Giải thưởng, Danh hiệu Sao Khuê đã được trao. Năm 2003, ngành phần mềm, công nghệ thông tin Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển đầu tiên với doanh thu chỉ vỏn vẹn khoảng hơn gần 500 triệu USD và khoảng 5000 người.
Sau 20 năm, ngành công nghệ thông tin đã trở thành một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, đồng thời gánh vác sứ mệnh quan trọng chuyển đổi số quốc gia. Doanh thu ngành năm 2022 đạt 148 tỷ USD, với tổng nhân lực trên 1,2 triệu người, gấp hơn 300 lần doanh thu và gấp 240 lần quy mô nhân lực.
Sao Khuê đã trở thành một kênh quảng bá, làm bệ phóng cho nhiều thương hiệu phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam cả tại thị trường trong nước và tiến ra trường quốc tế.
Top 10 giải thưởng Sao Khuê 2023:
-
ACCESSTRADE Việt Nam của Công ty TNHH INTERSPACE Việt Nam
-
Dịch vụ Phát triển Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin của NashTech
-
DIGI-XTRACT của Công ty TNHH DIGI-TEXX VIETNAM
-
Giải pháp chống giả mạo xác thực số- FPT.IDCheck của Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT;
-
Giải pháp định danh và xác minh sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip của Công ty CP Tập đoàn MK;
-
NextAMR- Sản phẩm Robot công nghiệp tự hành cho nhà xưởng/kho bãi của Công ty CP Next Robotics;
-
Stringee- Nền tảng giao tiếp cho doanh nghiệp của Công ty Cổ phần Stringee;
-
Ứng dụng căn cước công dân chip với giao dịch số tại BIDV của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam;
-
Ứng dụng VinShop của Tập đoàn One Mount;
-
Ví Trả Sau trên MoMo của Công ty CP Dịch vụ di động trực tuyến;