09:17 30/07/2014

Bộ trưởng Thăng: “Ai cũng biết mà thanh tra không biết?”

Đinh Tịnh

Bộ trưởng Giao thông Vận tải ra “đề bài” trong cuộc họp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam

Bộ trưởng Đinh La Thăng.
Bộ trưởng Đinh La Thăng.
Các công trình giao thông trên cả nước vẫn chưa có hồ sơ riêng. Đây là lĩnh vực chi phí nhiều tiền của quốc gia, vì thế, cần phải kê khai thông tin minh bạch. Còn với kiểm soát tải trọng xe, tại sao ban ngày, hàng trăm xe quá tải nằm nghỉ bên đường nhưng chỉ trong một đêm, các xe này “biến” đi đâu? Có tiêu cực ở đây không, trách nhiệm thuộc về ai?

Đó là những “đề bài” mà Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đặt ra trong cuộc họp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Tổng cục cùng thanh tra Bộ Giao thông Vận tải phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm soát tải trọng xe. Tổng cục đã lập 63 trạm cân lưu động, 2 trạm cân cố định. Nhờ đó, trong 4 tháng qua, đã kiểm tra phát hiện được hơn 180 nghìn lượt xe, trong đó tới 32 ngàn xe quá tải (trung bình cứ 6 xe có 1 xe quá tải).

Không thể “hòa cả làng”


Đánh giá về kết quả kiểm soát tải trọng xe, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, trong 7 tháng đầu năm, Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải cùng các cơ quan Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã làm được rất nhiều việc. Tuy nhiên, cần phải thay đổi trong tư duy kiểm soát tải trọng xe.

“Chúng ta có một lực lượng thanh tra mạnh, sao không vào tận gốc để “truy” xe quá tải, mà chỉ thích ra mặt đường. Sao ta không xử lý các ông chủ, doanh nghiệp vận tải mà chỉ bắt lái xe? Mà bắt lái xe chỉ được 1, còn nếu đình chỉ doanh nghiệp sẽ hạn chế 100 xe quá tải ra đường. Vì thế, cần phải thay đổi cách làm”.

Dù đánh giá rất cao những nỗ lực của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nhưng Bộ trưởng Đinh La Thăng khá bức xúc khi cho rằng: “Sao xe chở quá tải từ Bắc vào Nam vẫn lọt hàng chục trạm cân? Vậy mà không thanh tra nào bị kiểm điểm? Mặt khác, ban ngày có hàng trăm xe quá tải đỗ, nhưng đêm đến, không biết các xe này biến đi đâu? Nhưng ai cũng biết việc đó, mà các anh thanh tra không biết? Trách nhiệm thanh tra ở đâu, xử ai chưa?”  

Tại hội nghị, ông Thăng cho xem tin nhắn vừa nhận có nội dung: “Trạm cân của bác rất rẻ, chỉ cần 500.000 là qua thôi”.

Bộ trưởng Thăng rất gay gắt, yêu cầu Thanh tra Bộ và Tổng cục Đường bộ Việt Nam vào cuộc ngay. Không thể để trạm cân cứ “đánh” vào những doanh nghiệp làm tốt mà phạt, còn những kẻ vi phạm luật lại nhởn nhơ, “đi đêm”.

“Làm gì có chuyện xe quá tải qua trạm mà không có sự thông đồng. Phải làm nghiêm, không thể có vùng cấm, không được kiêng dè”, ông nói.

“Phải bám cầu, bám đường”

Cũng trong hội nghị, ông Nguyễn Văn Huyện kiến nghị nguồn vốn cho công tác bảo trì còn thiếu. Đồng thời, xin cấp bổ sung 200 tỷ đồng để sửa chữa cầu yếu trên các tuyến quốc lộ và cắm biển tải trọng.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Thăng không đồng tình. Ông nói, quan trọng là liệu cơm, gắp mắm. “Dự án nào cần trước, phải làm trước. Các anh nên nhớ, từ khi có quỹ bảo trì đường bộ tiền cho duy tu, bảo trì đã cao gấp nhiều lần so với trước”.

Bộ trưởng cho biết, sẽ giao Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường làm trưởng ban chỉ đạo, đánh giá tài sản, quản lý đường bộ (dự kiến trong quý 1/2015 phải hoàn thành sơ bộ).

Bộ trưởng nhấn mạnh, mỗi cây cầu, mỗi con đường sẽ có hồ sơ như một “bệnh nhân”, phải có đặc điểm riêng (ai là người thi công, đặc điểm gì, yếu chỗ nào) để “bốc thuốc”. Hoặc có thể “thổi còi” ngay nếu làm sai kỹ thuật.

Về đấu thầu các dự án bảo trì đường bộ, cần phải đổi mới, đấu thầu công khai minh bạch. Đồng thời, phải nâng cao công tác hậu kiểm sau duy tu, nếu đường chưa đạt yêu cầu, có thể đào đường kiểm tra tận gốc. Bên cạnh đó, cũng cần tiếp tục rà soát hệ thống biển báo giao thông, tránh để tình trạng, ngay khi vào đường cao tốc lại cắm biển 40 km.