12:27 25/02/2015

Bộ trưởng Thăng yêu cầu thay cả ban quản lý dự án

Song Hà

“Đây không phải là chỗ để các nhà thầu xí phần, giành việc để làm dần”, ông Thăng nói

Tiến độ cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1 đoạn qua Bình Định - Phú Yên quá chậm gây bức xúc cho cả cơ quan quản lý lẫn người dân - Ảnh: NLĐ.<br>
Tiến độ cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1 đoạn qua Bình Định - Phú Yên quá chậm gây bức xúc cho cả cơ quan quản lý lẫn người dân - Ảnh: NLĐ.<br>
Trước tình trạng tiến độ thi công dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A đoạn qua Bình Định - Phú Yên quá châm, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã chỉ đạo và yêu thay thế Ban Quản lý dự án 2 (PMU 2) và giám đốc điều hành dự án BOT Bắc Bình Định, tại cuộc họp ngày 24/2.

Sau chuyến thị sát và trực tiếp kiểm tra hiện trường thi công dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A đoạn qua Bình Định - Phú Yên trong hai ngày mùng 3 và 4 Tết Ất Mùi, ông Thăng cho hay, toàn bộ dự án nói trên đang triển khai với tiến độ rất chậm.

Theo Bộ trưởng Thăng, bên cạnh một số nguyên nhân khách quan, lý do chính khiến dự án bị chậm tiến độ là do Ban Quản lý dự án không nắm rõ việc trong quá trình triển khai, trong khi nhà đầu tư thiếu cả năng lực quản lý lẫn tài chính, các nhà thầu thi công trì trệ do không đủ máy móc và nhân lực...

“Đến thời điểm này mà Ban Quản lý dự án 2 chưa quen làm các dự án BOT dẫn đến tình trạng không chỉ đạo được các nhà đầu tư. Bây giờ công việc của dự án còn rất nhiều mà các anh chỉ nghe nhà đầu tư, nhà thầu hứa thì không thể hoàn thành tiến độ theo yêu cầu đề ra”, Bộ trưởng nói.

Trên cơ sở đó,ông quyết định điều chuyển toàn bộ công việc tại các dự án mở rộng quốc lộ 1A đoạn qua Bình Định và Phú Yên do PMU 2 thực hiện, để giao cho Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh triển khai.

Đối với hai dự án BOT Bắc Bình Định và Nam Bình Định, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu, các cơ quan chức năng rà soát lại năng lực nhà đầu tư, nếu không đáp ứng được yêu cầu về tài chính thì sẽ đưa các lực lượng khác vào làm.

Theo ông Thăng, điều quan trọng nhất là các dự án quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên sẽ phải thông xe vào cuối năm nay. Hai dự án BOT của đoạn tuyến này, nếu cần thiết sẽ dùng vốn dư trái phiếu Chính phủ để đưa vào làm.

Đáng chú ý, đối với dự án BOT Bắc Bình Định, Bộ trưởng yêu cầu thay thế ngay giám đốc điều hành của dự án này.

“Chúng tôi rất hoan nghênh các nhà đầu tư tham gia các dự án phát triển hạ tầng giao thông, nhưng đây không phải là chỗ để các ông vào làm tiền, chia chác nhau. Nếu tình trạng yếu kém còn tiếp diễn, Bộ sẵn sàng đuổi luôn nhà đầu tư BOT Bắc Bình Định ra khỏi dự án”, ông Thăng khẳng định.

Để khắc phục những bất cập và đẩy nhanh tiến độ, người đứng đầu Bộ Giao thông Vận tải chỉ định Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) và giao thẩm quyền cho Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh được phép chỉ định thầu với những đơn vị có năng lực, kinh nghiệm thi công trên đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa - Vũng Áng vào ứng cứu các gói thầu chậm tiến độ của dự án này.

Bộ trưởng cũng khẳng định, các nhà thầu trên tuyến hiện đang thi công chậm sẽ bị cắt chuyển khối lượng công việc, còn những nhà thầu yếu kém sẽ được “mời” ra khỏi dự án.

“Đây không phải là chỗ để các nhà thầu xí phần, giành việc để làm dần. Bộ sẽ giao việc cho các đơn vị vào tăng cường theo giá dự toán, không một cá nhân, đơn vị nào được phép thu phần trăm hay mặc cả với các nhà thầu này”, Bộ trưởng Thăng chỉ đạo.