“Bộ trưởng trẻ phiếu cao ngất cũng không phải tốt”
Chương trình làm nhân sự tại kỳ họp thứ 11 của Quốc hội đã kết thúc, nhưng dư âm của các cuộc bỏ phiếu dường như vẫn còn thời sự
Chiều 11/4, chương trình làm nhân sự tại kỳ họp thứ 11 của Quốc hội đã kết thúc.
Nhưng dư âm của các cuộc bỏ phiếu - đặc biệt là phê chuẩn 18 vị tân bộ trưởng, trưởng ngành dường như vẫn còn khá thời sự. Nhất là khi nhìn vào tỷ lệ phiếu thuận với một số vị bộ trưởng, trưởng ngành trẻ hơn lại thấp hơn khá nhiều một số vị khác, thậm chí cách nhau đến hơn 30%.
Nhưng dư âm của các cuộc bỏ phiếu - đặc biệt là phê chuẩn 18 vị tân bộ trưởng, trưởng ngành dường như vẫn còn khá thời sự. Nhất là khi nhìn vào tỷ lệ phiếu thuận với một số vị bộ trưởng, trưởng ngành trẻ hơn lại thấp hơn khá nhiều một số vị khác, thậm chí cách nhau đến hơn 30%.
Nhưng, theo một số vị đại biểu thì kết quả này khá phù hợp.
Vì, nói như Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định, ông Nguyễn Anh Sơn thì vị nào đã thể hiện tốt trong hoạt động của mình, đại biểu Quốc hội biết được nhiều thì được đánh giá kỹ.
Còn vị nào mới, trẻ, thông tin về hiệu quả hoạt động đến đại biểu Quốc hội chưa nhiều, cũng có thể có những thông tin không thuận nên gây ấn tượng không tốt với đại biểu nên làm thay đổi đánh giá.
“Nếu những đồng chí trẻ, phiếu cao ngất thì lại không phải điều tốt. Cử tri sẽ nói, các đại biểu nắm thông tin như thế nào mà lại đánh giá cao thế. Với tỷ lệ phiếu như vậy thì khá phù hợp”, ông Sơn nhìn nhận.
Kết quả phiếu phê chuẩn bộ trưởng thấp nhất là trên 60% tổng số đại biểu đồng ý, phần đa là dao động từ trên 70% đến trên 80%, chỉ vài vị trên 90% được ông Sơn nhìn nhận là sát hơn tất cả đều 90% như đã từng xảy ra.
Vị đại biểu đoàn Nam Định cho rằng, Quốc hội bỏ phiếu phê chuẩn các thành viên Chính phủ vào cuối nhiệm kỳ cũng có cái hay. Bởi các vị đại biểu sau 5 năm đã có kinh nghiệm hoạt động nghị trường, qua đó có điều kiện để đánh giá, để cảm nhận đầy đủ hơn về nhân sự được đề xuất.
Điều này không giống kỳ họp thứ nhất của nhiệm kỳ mới bỏ phiếu phê chuẩn, khi 2/3 tổng số đại biểu lần đầu tiên bước vào nghị trường thì làm sao nắm được thông tin về nhân sự được đề nghị phê chuẩn, ông Sơn so sánh.
5 năm ngồi nghị trường quan sát các lĩnh vực bỏ phiếu phê chuẩn khá sát thực tiễn, đại biểu Sơn nhấn lại.
Bình luận về “sức trẻ” trong Chính phủ sau khi được kiện toàn, Trưởng đoàn Nam Định cho rằng tuổi bình quân không phải trẻ, so với các nhiệm kỳ trước.
“Dù có một vài nhân sự khá trẻ như tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ở tuổi 46. Nhưng tôi nghĩ như vậy chưa phải là trẻ, có những nước Thủ tướng chỉ ngoài 30 tuổi, chúng ta thì có đặc điểm riêng”, ông Sơn nói.
Theo ông, những trường hợp tuổi trẻ hơn, nhất là trước kia chưa hoạt động sâu trong lĩnh vực được phân công mà được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo thì các đại biểu cũng rất cân nhắc, nên lá phiếu có người đồng ý, không đồng ý.
Và tỷ lệ phiếu như vừa qua rất tốt cho những vị được phê chuẩn, phải cố gắng rất nhiều.
“Giờ phiếu cao ngất ngưởng có khi lại không tốt”, ông Sơn bình luận.
“Cử tri mong muốn, lĩnh vực nào cũng tìm được người xuất sắc nhất. Lá phiếu của đại biểu Quốc hội không phải một chiều, có sự đánh giá, cân nhắc để có kết quả cuối cùng này. Có lẽ tôi nghĩ rằng, người dân thấy thế là phù hợp”, đại biểu Nam Định trao đổi với báo chí.
Cũng như nhiều vị đại biểu khác, ông Sơn mong muốn Chính phủ sau khi được kiện toàn là Chính phủ mạnh mẽ, gắn bó với dân, là Chính phủ phục vụ nhân dân để vượt qua thách thức trong giai đoạn mới, cả về kinh tế - xã hội. Và những khó khăn của nhiệm kỳ trước thì sẽ được giải quyết rốt ráo hơn.
Muốn vậy, các vị bộ trưởng cần có quyền hạn đủ để thực hiện trọng trách của mình. Mặt khác, bản thân các “tư lệnh” ngành cũng phải thể hiện quyết tâm trong việc giải quyết những nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của mình.
Thực tế có chuyện “tư lệnh” ngành nói không được toàn quyền, nhưng cũng có chuyện tư lệnh ngành không dám quyết, cũng đủ can đảm quyết, cái gì cũng chờ Chính phủ quyết, trông chờ Chính phủ cho phép, ông Sơn nhìn nhận.
Đại biểu đoàn Nam Định cũng tỏ rõ quan điểm ủng hộ làm sao để các tư lệnh ngành có nhiều quyền hạn hơn, dần dần phải bỏ quan niệm gần như cố hữu: bao cấp cả tư duy, bao cấp cả quyền lực, cái gì cũng xin, suy nghĩ cũng phải xem suy nghĩ trên như thế nào, cái gì cũng chờ chỉ đạo.
“Chính phủ nên cân nhắc tư lệnh ngành có toàn quyền và chịu trách nhiệm. Tư lệnh ngành cũng phải vươn lên để đủ khả năng quyết đáp những gì thuộc trách nhiệm của mình mà không phải xin ý kiến. Tất nhiên cái gì thuộc đường lối của Đảng thì phải chấp hành. Nhưng đã trao quyền thì phải đủ khả năng thực hiện quyền đó. Mong lĩnh vực nào cũng có những đồng chí tư lệnh ngành mạnh mẽ”, đại biểu Nguyễn Anh Sơn bày tỏ.