Bộ trưởng Y tế: Bức tranh dịch Covid-19 vẫn "nặng nề"
"Tất cả chúng ta không được lơ là, mất cảnh giác mà tập trung tối đa cho công tác phòng chống dịch. Trong năm 2021, phòng chống dịch vẫn là nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên đầu tiên. Bức tranh dịch Covid-19 chưa có gì sáng hơn, vẫn nặng nề"
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh tại Hội nghị Y tế toàn quốc diễn ra ngày 6/1.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói rằng hơn một năm qua, Việt Nam đã khống chế và kiểm soát dịch Covid-19 thành công, được bạn bè thế giới ghi nhận và đánh giá cao.
Theo Bộ trưởng, trong lịch sử ngành Y tế chưa bao giờ có một đại dịch có sự tham gia tích cực của toàn bộ hệ thống, toàn dân như trong thời gian qua. Các lực lượng tiền phương như đội ngũ y bác sỹ, lực lượng quân đội, công an đã không quản ngại nguy hiểm, khó khăn, hy sinh quên mình trên tuyến đầu phòng, chống dịch.
Bộ trưởng cũng đặc biệt nhấn mạnh đến sự hỗ trợ to lớn của lực lượng cắm chốt biên giới, từ Tết Canh tý đến nay, cả nước duy trì 1.600 điểm chốt ở vùng biên, với gần 10.000 chiến sĩ cắm chốt. "Có những chiến sĩ 6 tháng chưa được về nhà, đây là hình ảnh toàn quân tham gia công tác phòng chống dịch", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Nhìn lại những điểm sáng trong lĩnh vực khoa học công nghệ năm qua, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam là 1 trong 4 nước đầu tiên giải trình tự gen của virus SARS-CoV-2, 1 trong 5 nước sản xuất sinh phẩm chẩn đoán, chủ động sản xuất máy thở đã giúp chúng ta hoàn toàn sử dụng được máy thở trong nước.
Việt Nam cũng đã là một trong rất ít nước của khu vực đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người vaccine phòng chống Covid-19.
Mặc dù vậy, Bộ trưởng cho rằng, chặng đường trước mắt là hết sức cam go với mục tiêu là bảo vệ cho nhân dân trước hết là cái Tết an lành, làm sao sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường là điều mong mỏi của ngành Y tế.
"Tất cả chúng ta không được lơ là, mất cảnh giác mà tập trung tối đa cho công tác phòng chống dịch. Trong năm 2021, chúng ta xác định phòng chống dịch vẫn là nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên đầu tiên. Bức tranh dịch Covid-19 chưa có gì sáng hơn, vẫn nặng nề", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định.
Theo Bộ trưởng, năm 2020 cũng là một năm cải cách mạnh mẽ và có nhiều điểm nhấn của ngành Y tế trên nhiều lĩnh vực từ khám chữa bệnh, dự phòng, dân số, khoa học công nghệ và chuyển đổi số y tế.
Về lĩnh vực khám chữa bệnh, chỉ trong 45 ngày, ngành đã kết nối thành công 1.000 điểm khám chữa bệnh từ xa. Hiện đã có hơn 1.500 điểm cầu kết nối, đề án đã phát huy hiệu qủa, cứu sống nhiều bệnh nhân ở cơ sở.
Ngành Y tế cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, tất cả các cơ sở y tế trong cả nước, kể cả y tế cơ sở đều kết nối khám chữa bệnh từ xa.
Ngành Y tế cũng là một trong hai Bộ đưa 100% dịch vụ công cấp 4 lên môi trường mạng kết nối với Cổng Dịch vụ và cổng quốc gia...
Đối với những nhiệm vụ đặt ra trong năm 2021, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết trong quý 1/2021, Bộ Y tế sẽ cố gắng trình Chính phủ Nghị định của Chính phủ về vấn đề xã hội hoá, liên doanh liên kết, làm sao để "một đồng đầu tư của Nhà nước cấp ra thì sẽ huy động được nhiều đồng đầu tư của tư nhân".
Cùng với đó, ngành Y tế dự kiến trình sửa đổi hai bộ luật quan trọng là Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi và Luật Khám chữa bệnh, lập quy hoạch tổng thể, tiếp tục cắt giảm mạnh mẽ thủ tục hành chính, cam kết cắt giảm 30% thủ tục hành chính trong năm tới.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng kiến nghị tăng đầu tư cho y tế, tập trung vào y tế dự phòng, y tế cơ sở; tăng huy động từ xã hội với các hình phù hợp như thuê toàn bộ dịch vụ công nghệ thông tin nhằm tiết kiệm nhân lực, thời gian của cán bộ y tế dành cho hoạt động chuyên môn nhiều hơn thay vì hoạt động hành chính.
Đồng thời, cũng cần có đổi mới tài chính, không giao dự toán quỹ bảo hiểm y tế để chuyển sang hình thức phù hợp.
Ngành Y tế cũng sẽ thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, nghiên cứu sản xuất vaccine, thuốc chữa bệnh và trang thiết bị y tế.
Bộ Y tế cũng kiến nghị cần giải quyết dứt điểm nợ đọng quỹ bảo hiểm y tế từ năm 2017 trở lại đây, có chế độ chính sách đãi ngộ cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng theo chuyên khoa và vùng khó khăn vì khó thu hút nguồn nhân lực cho các lĩnh vực này.