Chuyển đổi số y tế: "Không đặt mục tiêu số lượng mà hướng tới phục vụ người dân tốt hơn"
Chuyển đổi số trong ngành Y tế không đặt mục tiêu về số lượng mà hướng tới phục vụ người dân được tiếp cận các dịch vụ tiện ích và chất lượng hơn
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh tại phiên toàn thể Hội nghị chuyển đổi số y tế quốc gia ngày 30/12.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, năm 2020 dù gặp thách thức do dịch Covid-19 nhưng ngành Y tế vẫn nỗ lực chuyển đổi số, với mục tiêu quan trọng nhất là phục vụ người dân được tiếp cận tất cả các dịch vụ y tế tiện ích hơn, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
"Chúng tôi không đặt mục tiêu về số lượng mà hướng tới phục vụ người dân tốt hơn, tiếp cận dịch vụ tiện ích, chất lượng hơn", Bộ trưởng Y tế nói.
Bộ trưởng cho biết, cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế đã hoàn thành 100% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia nhưng không vì thế mà hài lòng.
"Trong thời gian tới, ngành Y tế cam kết cắt giảm tiếp 30% thủ tục hành chính để tạo điều kiện tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp dù yêu cầu của Chính phủ là cắt giảm 20%", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Một lĩnh vực quan trọng khác là công khai y tế, Bộ trưởng thừa nhận lâu nay vẫn còn nhiều điều tiếng liên quan đến giá thuốc, giá trang thiết bị...Trên cơ sở đó, Bộ đã khai trương Cổng công khai y tế vào tháng 11 vừa qua, lần đầu tiên công khai tất cả dịch vụ ngành Y tế cung ứng cho người dân.
"Chúng tôi đã đưa công khai trên 62.000 dược phẩm, giá bán lẻ của các nhà thuốc, hiện đã có hơn 50% các nhà thuốc công khai giá bán lẻ trên thị trường. Cùng với đó, hơn 17.000 trang thiết bị, vật tư y tế đã được công khai, tránh những mua bán lòng vòng, thổi giá, cũng đã công khai hơn 93.000 kết quả đấu thầu của tất cả các đơn vị. Tới đây chúng tôi cũng yêu cầu tất cả các sở y tế trên toàn quốc công khai giá dịch vụ y tế", Bộ trưởng Y tế thông tin.
Cùng với đó, Bộ cũng sẽ từng bước công khai tất cả điểm bán lẻ dược phẩm, giá thực phẩm chức năng cũng như tất cả dịch vụ ngành Y tế cung cấp để tạo ra môi trường lành mạnh đối với tất cả các đơn vị.
Đối với hoạt động phòng chống Covid-19, nhiều ứng dụng, phần mềm đã ra đời. Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới ứng dụng tờ khai y tế điện tử, ứng dụng truy vết Bluezone, bản đồ an toàn Covid-19…"Đến nay, Việt Nam là một trong những nước chống dịch Covid-19 thành công nhất với chi phí thấp và hiệu quả", Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.
Đáng chú ý, trong đại dịch Covid-19, chỉ sau 45 ngày, Việt Nam đã khai trương 1.000 điểm khám chữa bệnh từ xa, hết năm nay sẽ có 1.500 điểm giúp người dân được tiếp cận dịch vụ y tế tuyến trên có chất lượng ngay tại tuyến dưới.
"Có nơi chưa từng mổ sọ não bao giờ, nếu chuyển lên tuyến trên phải mất 6 giờ, như vậy bệnh nhân sẽ tử vong trên đường, nhưng nhờ có khám chữa bệnh từ xa, bác sỹ tuyến trên hướng dẫn, bệnh nhân được mổ ngay tại tuyến dưới, sau 2 tuần rất khoẻ mạnh", Bộ trưởng nói.
Tới đây, ngành Y tế sẽ tiếp tục kết nối khám chữa bệnh từ xa đối với tất cả các cơ sở y tế trên toàn quốc, kể cả cơ sở y tế tư nhân. "Chúng ta nâng cao chất lượng khám chữa bệnh nhưng phải đồng đều, công bằng giữa các vùng miền. Chỉ có khám chữa bệnh từ xa thì mới đáp ứng được vấn đề này", Bộ trưởng Y tế khẳng định.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện tuyến trên phải "kết bạn" với bệnh viện tuyến dưới, như vậy theo tính toán một bác sỹ tuyến trên phải kết bạn và hỗ trợ chuyên môn được cho 4 bác sỹ tuyến tỉnh, 4 bác sỹ tuyến huyện và 2 nhân viên y tế tuyến xã.
Một vấn đề nữa được đặt ra là trước đây, trạm y tế xã có rất nhiều sổ sách, có những trạm có tới 78 quyển sổ, thấp nhất cũng là 35, mỗi trạm y tế tốn từ 50-70% thời gian để điền vào sổ đó, cũng như sử dụng rất nhiều phần mềm. Nhưng tới đây sẽ sử dụng duy nhất một phần mềm.
Bộ trưởng cũng cho biết từ tháng 7/2021, tất cả trường hợp khám chữa bệnh ngoại trú sẽ phải có hồ sơ sức khoẻ cá nhân, bỏ hoàn toàn giấy, nếu không có sẽ không được thanh toán bảo hiểm y tế.
"Bộ Y tế đang gấp rút xây dựng nền y tế thông minh, đẩy nhanh bệnh viện không giấy. Chúng tôi cho rằng, nhân viên y tế cần dành nhiều thời gian hơn cho khám chữa bệnh chứ không phải dành thời gian cho việc điền sổ sách, cho thủ tục, giấy tờ", Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.
VIỆT NAM CÓ LỰC LƯỢNG DOANH NGHIỆP CÔNG NGHỆ SỐ HÙNG HẬU
Chia sẻ về vấn đề này tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, trong 8 lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số thì giáo dục và y tế được xếp ở vị trí đầu tiên.
Đây là 2 lĩnh vực động chạm đến nhiều người dân nhất, độ bao phủ rộng khắp, tiêu tốn nhiều ngân sách nhất, cũng là 2 lĩnh vực nền tảng của một quốc gia phát triển.
Chuyển đổi số y tế, hay y tế số, là sự phát triển tiếp theo của y tế điện tử, nhưng có tính đột phá. Y tế điện tử thì sử dụng công nghệ thông tin và trọng tâm là nâng cao hiệu quả của các nhà cung cấp dịch vụ y tế, như bệnh viện, nhưng cách thức vận hành cơ bản vẫn như cũ.
Y tế số thì dùng công nghệ số là chính và trọng tâm là tập trung vào người bệnh, thay đổi mô hình, cách thức cung cấp dịch vụ y tế.
"Bệnh nhân nay sẽ trở thành khách hàng, dữ liệu y tế vốn bị bỏ quên thì nay sẽ trở thành tài sản lớn nhất, tạo ra sự khác biệt lớn nhất trong chăm sóc sức khoẻ. Y tế vốn do Nhà nước đầu tư là chính thì nay sẽ có thêm nguồn lực là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực y tế", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh và thông tin là riêng quí 3/2020 thì vốn đổ vào đây đã gần 7 tỷ USD.
Theo Bộ trưởng, y tế số thì có thể giải được bài toán chăm sóc sức khoẻ cho mọi người, ở mọi nơi, mọi lúc và cá thể hoá, đây là mơ ước lớn nhất của nhân loại. Chuyển đổi số y tế có thể hiện thực hoá ước mơ này.
Bộ trưởng cũng khẳng định, đại dịch Covid-19 là cú hích trăm năm, nhất là đối với ngành Y tế. Năm 2020, ngành Y tế đã có những thay đổi về chuyển đổi số nhiều hơn so với hàng chục năm trước đó, nhưng hãy để những thay đổi mạnh mẽ này không dừng lại mà còn nhanh hơn.
"Bộ Y tế hãy giao nhiệm vụ cho Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách của lĩnh vực y tế. Việt Nam có một lực lượng các doanh nghiệp công nghệ số hùng hậu, với gần 60.000 doanh nghiệp và trên 1 triệu lao động, sẵn sàng giải được hầu hết các bài toán của ngành Y tế", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.