Bộ Y tế tiếp tục hứa "gỡ khó" quy định về sử dụng muối i - ốt
Yêu cầu "muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i - ốt "đã gây nhiều khó khăn cho ngành chế biến thực phẩm
Sáng 4/7, tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2018, một lần nữa các doanh nghiệp lại kiến nghị bỏ quy định "muối i- ốt phải được sử dụng trong quá trình chế biến thực phẩm" tại nghị định 09/2016.
Đây là vấn đề đã được doanh nghiệp liên tục kiến nghị trong suốt hơn môt năm qua, đích thân Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã lắng nghe và có ý kiến chỉ đạo.
Cụ thể, điểm a khoản 1 điều 6 Nghị định 09/2016 nêu: muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường I-ốt. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp thì quy định này gây nhiều khó khăn cho ngành chế biến thực phẩm, bởi I-ốt dễ bị ô xy hóa, dễ bị bay hơi trong quá trình chế biến, ảnh hưởng đến màu sắc, mùi vị, cảm quan của sản phẩm, tác động bất lợi đến sản xuất, kinh doanh.
Tại cuộc đối thoại của Bộ Y tế với doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sau khi lắng nghe các bên đã có ý kiến đề nghị Bộ Y tế phải xem xét, có giải pháp xử lý vấn đề này.
Tuy nhiên, hành động sau đó của Bộ Y tế dường như chưa tháo gỡ được khó khăn cho doanh nghiệp.
Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam, trong bản kiến nghị tại VBF sáng 4/7 nêu rõ yêu cầu "muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i - ốt "đã gây nên nhiều khó khăn, thách thức cho ngành chế biến thực phẩm.
EuroCham quan ngại về các khó khăn liên quan đến kỹ thuật, việc lưu giữ, mất mát và thay đổi tính chất cảm quan của sản phẩm cuối cùng khi có muối i - ốt trong các sản phẩm chế biến công nghiệp.
Bản kiến nghị phản ánh, muối i - ốt là một chất ô xy hoá và có thể thay đổi các đặc tính cảm quan của thực phẩm cuối cùng, cũng có thể hoàn toàn mất đi trong quá trình chế biến thực phẩm, tuỳ thuộc vào loại sản phẩm, quy trình chế biến, độ ẩm, nhiệt độ và bảo quản.
Theo EuroCham, một số quốc gia như Nhật Bản, Úc, từ chối nhập các thực phẩm có thành phần là muối i - ốt. Một số thực phẩm (như sữa công thức cho trẻ nhỏ) được bổ sung i - ốt và muối riêng biệt theo kỹ thuật đặc biệt để đảm bảo giữ lại hàm lượng muối trong sản phẩm cuối cùng thay vì tăng cường muối i - ốt trực tiếp trong sản phẩm vì chất lượng của các sản phẩm đó sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.
EuroCham khẳng định: "không có quốc gia nào trên thế giới dùng muối i -ốt để chế biến sữa công thức".
Bản kiến nghị cũng cho biết, ngày 27/10/2017 Bộ Y tế đã có công văn chỉ đạo "không kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm có sử dụng muối i - ốt". Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm vẫn không được hướng dẫn rõ ràng là có được dùng muối không chứa i - ốt trong sản xuất thực phẩm đóng gói sẵn hay không.
Từ những bất cập trên, EuroCham đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi nghị định 09/2016 theo hướng loại bỏ cụm từ muối i- ốt phải được sử dụng trong quá trình chế biến thực phẩm.
Quan điểm của EuroCham là chính sách tăng cường i - ốt chỉ nên áp dụng đối với muối ăn để đạt được dinh dưỡng i - ốt tối ưu cho người dân đồng thời tiết kiệm chi phí cho ngành công nghiệp thực phẩm.
Hồi âm kiến nghị nói trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, Bộ Y tế đang đánh giá, nghiên cứu dựa trên các bằng chứng khoa học và khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về vấn đề này.
Ông Cường khẳng định Bộ Y tế sẽ làm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và dự kiến trình (sửa đổi nghị định 09) vào quý 3 năm nay.