21:08 09/11/2017

"Bơm" ròng khoảng 130 nghìn tỷ tiền cung ứng

Thùy Duyên

Lượng tiền cung ứng từ đầu năm đến nay, giai đoạn Ngân hàng Nhà nước mua vào lượng lớn ngoại tệ

Tính đến hết tháng 10/2017, tín dụng (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) ước tăng khoảng 13,5% so với cuối năm 2016.
Tính đến hết tháng 10/2017, tín dụng (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) ước tăng khoảng 13,5% so với cuối năm 2016.

Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia vừa công bố báo cáo kinh tế tổng quan 10 tháng đầu năm, với những dữ liệu cụ thể trong hoạt động ngân hàng.

Cập nhật từ báo cáo, tín dụng 10 tháng đầu năm nay tăng trưởng tích cực; tính đến hết tháng 10/2017, tín dụng (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) ước tăng khoảng 13,5% so với cuối năm 2016.

Tỷ trọng tín dụng trung dài hạn giảm trong khi tỷ trọng tín dụng ngắn hạn tăng. Tín dụng trung và dài hạn ước chiếm 53,7% tổng tín dụng (cuối năm 2016 chiếm 55,1%). Tín dụng ngắn hạn ước chiếm 46,3% tổng tín dụng (cuối năm 2016 là 44,9%).

Tín dụng bằng ngoại tệ tăng cao hơn cùng kỳ năm 2016 chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu tăng cao so với cùng kỳ năm 2016. Tín dụng bằng ngoại tệ tính đến cuối tháng 10 ước tăng 11,5% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 4,4%).

Cơ cấu tín dụng theo ngành nghề kinh tế có chuyển biến tích cực. Tỷ trọng tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp chiếm khoảng 9,9% (10 tháng năm 2016 là 8,3%). Tỷ trọng tín dụng vào hoạt động kinh doanh bất động sản và xây dựng giảm xuống còn 15,5% (năm 2016 là 17,1%).

Khớp với một dòng chảy đang thể hiện rõ trong hoạt động của các ngân hàng thương mại, dữ liệu thống kê cho thấy tín dụng tiêu dùng tiếp tục đà tăng mạnh kể từ đầu năm 2017. Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, diễn biến này phù hợp với những xu hướng gia tăng cầu tiêu dùng của nền kinh tế. Cụ thể, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng tăng khoảng 58,6% so với cuối năm 2016.

Báo cáo trên cho biết, trong 10 tháng đầu năm nay, thanh khoản hệ thống ổn định do Ngân hàng Nhà nước mua được lượng lớn ngoại tệ, và cung ứng tiền ròng khoảng 130 nghìn tỷ đồng từ đầu năm đến nay.

Về huy động vốn, 10 tháng đầu năm 2017 tuy giảm so với cùng năm trước nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng khá, ước tăng 12% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm trước tăng 14,7%). Trong đó, tiền gửi khách hàng ước tăng 11,5% so với cuối năm 2016; phát hành giấy tờ có giá ước tăng 24,4%. Huy động ngoại tệ tăng 3,7%, chiếm khoảng 10,1% tổng huy động. Huy động vốn bằng VND ước tăng 13%, chiếm 89,9% tổng huy động.

Tỷ lệ tín dụng/huy động (LDR) bình quân của hệ thống giảm nhẹ so với tháng trước, đạt khoảng 86,75% (giảm khoảng 0,21 điểm phần trăm so với tháng 9/2017).