Bốn lĩnh vực trọng tâm trong chuyển đổi số ngành tài chính giúp tăng thu ngân sách, ngăn ngừa trục lợi
Với vai trò “huyết mạch” của nền kinh tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính trong 4 lĩnh vực trọng tâm sẽ đem lại nhiều "quả ngọt", tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và mang lại sự hài lòng của người dân. Đồng thời là công cụ đắc lực cho cơ quan quản lý trong tăng thu ngân sách, phát hiện gian lận và kiểm soát chi hiệu quả...
Ngày 17/11, tại Hà Nội, Cục Tin học và Thống kê Tài chính, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) và Ngân hàng Thế giới (WB), Tập đoàn IEC đồng tổ chức hội thảo - triển lãm về tài chính số trong quản lý ngân sách nhà nước (Vietnam Digital Finance) năm 2022 (VDF-2022) với chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số và hiện đại hóa toàn diện ngành tài chính”.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đại Trí, Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính), khẳng định: "Với vai trò “huyết mạch” của nền kinh tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính sẽ là một trong những yếu tố then chốt trong công cuộc chuyển đổi số nói chung và thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực khác nói riêng".
Đáng chú ý, Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 21/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược tài chính đến năm 2030 đã mở màn cho hàng loạt các chiến lược, kế hoạch sau này, trong đó điểm nhấn là Quyết định số 1484/QĐ-BTC ngày 27/7/2022 về việc ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025, xây dựng tài chính điện tử, tài chính số dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở, hệ sinh thái tài chính số đảm bảo tính hiệu quả và an toàn thông tin toàn diện.
Tới năm 2030, phấn đấu thiết lập hệ thống tài chính số hóa hoàn toàn và nền tài chính thông minh với 4 lĩnh vực trọng tâm chính: quản lý thuế chặt chẽ, tránh trục lợi thuế và cung cấp tiện ích tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp; hải quan thông minh; kho bạc số 3 “không” (không khách hàng giao dịch, không tiền mặt, không giấy tờ); chuyển đổi số mạnh mẽ thị trường chứng khoán.
Bộ Tài chính.
Cũng theo đại diện Bộ Tài chính, trong thời gian qua, toàn ngành tài chính đã tích cực triển khai các nhiệm vụ, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực.
Qua đó đem lại nhiều kết quả tích cực, mang lại hiệu quả cho toàn xã hội góp phần rút ngắn thời gian làm thủ tục thuế, hải quan, giảm thiểu giấy tờ, thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, người dân.
"Để tiếp tục duy trì các thành tích đạt được và thực hiện các mục tiêu về chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính – ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số trong tổ chức, vận hành, quản lý và thực hiện các nhiệm vụ trên môi trường số, để cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp phù hợp với lộ trình chuyển đổi số của Chính phủ", ông Trí cho biết.
Từ đó, góp phần giảm chi phí, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, mang lại sự hài lòng của người dân, giúp người dân, doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào hoạt động của Bộ Tài chính để cùng tạo ra giá trị, lợi ích, sự hài lòng, niềm tin và đồng thuận xã hội.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Lê Việt Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm nền tảng và phân tích dữ liệu, Công ty Hệ thống thông tin FPT, cho hay trong bối cảnh nhiều loại hình kinh doanh mới nở rộ, hiện vẫn chưa có công cụ để kiểm soát thu thuế đối với các loại hình kinh doanh mới như các nền tảng kết nối Grab, Airbnb; hình thức bán hàng qua mạng xã hội, qua các sàn giao dịch điện tử; thu nhập từ các nền tảng trực tuyến như youtube…
Cùng với đó, cơ quan hải quan cũng gặp nhiều khó khăn trong xác định giá tính thuế, rủi ro trong nghiệp vụ hoàn thuế; cán bộ ngành kho bạc vẫn phải kiểm tra và xử lý thủ công hồ sơ đối với dịch vụ công cho người nộp thuế và đơn vị có quan hệ với ngân sách...
Đưa ra những đề xuất, gợi mở cho ngành tài chính giải quyết những khó khăn mới phát sinh và tăng thu ngân sách, phát hiện gian lận và kiểm soát chi hiệu quả, đại diện FPT đề xuất ngành tài chính đặt dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo ở mức độ ưu tiên cao nhất và triển khai giải pháp khai thác hiệu quả nguồn lợi từ dữ liệu.
Với những kết quả đạt được, qua 7 năm liên tiếp từ năm 2013 - 2019, Bộ Tài chính liên tục dẫn đầu trong bảng xếp hạng mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (Vietnam ICT index) khối các bộ, cơ quan ngang bộ.
Đặc biệt, theo Báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số năm 2020 và 2021 do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, Bộ Tài chính tiếp tục xếp vị trí quán quân 2 năm liên tiếp trong các bộ cung cấp dịch vụ công về mức độ chuyển đổi số. Kết quả này cho thấy, ngành tài chính đang tiên phong, chủ động triển khai lộ trình chuyển đổi số.