17:19 11/05/2023

Bốn tháng, thu ngân sách ngành thuế quản lý đạt gần 580.000 đồng, nhiều địa phương "hụt hơi"

Ánh Tuyết

Lũy kế 4 tháng đầu năm, thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý đạt gần 580.000 tỷ đồng, tăng vỏn vẹn 0,7% so với cùng kỳ. Ngành thuế đặt ra 10 nhiệm vụ trọng tâm trong tháng tới, trong đó đẩy mạnh dùng công nghệ để truy vết gian lận, chống thất thu các lĩnh vực tiềm năng...

Một số địa phương có tiến độ thu rất chậm dưới 30% dự toán như: Cao Bằng, Phú Yên, Lào Cai, Quảng Trị, Thái Bình...
Một số địa phương có tiến độ thu rất chậm dưới 30% dự toán như: Cao Bằng, Phú Yên, Lào Cai, Quảng Trị, Thái Bình...

Thông tin tại Hội nghị giao ban đánh giá tình hình thực hiện chương trình công tác thuế tháng 4, kế hoạch triển khai nhiệm vụ và chương trình công tác thuế tháng 5, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước tháng 4 do cơ quan thuế quản lý ước đạt 136.191 tỷ đồng, đạt 9,9% so với dự toán pháp lệnh, bằng 82,3% so với cùng kỳ.

Lũy kế 4 tháng đầu năm, thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý ước đạt 578.035 tỷ đồng, bằng 42,1% so với dự toán pháp lệnh, bằng 100,7% so với cùng kỳ năm 2022.

7 KHOẢN THU GIẢM MẠNH, 21 TỈNH THU ĐẠT THẤP 

Cụ thể, thông tin từ Tổng cục Thuế, trong tháng 4, thu từ dầu thô ước đạt 4.555 tỷ đồng, bằng 10,8% so với dự toán, bằng 67,6% so với cùng kỳ, trên cơ sở giá dầu thô bình quân ước đạt 86,4 USD/thùng, bằng 123,4% so với giá dự toán, bằng 71,2% so với cùng kỳ, còn sản lượng ước đạt 700 ngàn tấn, bằng 8,8% dự toán, bằng 92,1% so với sản lượng cùng kỳ.

Thu nội địa ước đạt 131.636 tỷ đồng, bằng 9,9% so với dự toán pháp lệnh, chỉ bằng 82,9% so với cùng kỳ.

Cũng theo Tổng cục Thuế, có 12/20 khoản thu, sắc thuế đạt khá so với dự toán (đạt trên 38%); có 8/20 khoản thu đạt dưới mức 38%. Cùng với đó, có 13/20 khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng thu so với cùng kỳ.

 

Tuy nhiên, có 7/20 khoản thu, sắc thuế thu thấp hơn cùng kỳ năm 2022. Chẳng hạn, thuế bảo vệ môi trường ước bằng 49,7%; lệ phí trước bạ ước bằng 78,7%; thu tiền sử dụng đất ước bằng 45,7%; thu tiền cho thuê đất, thuê mặt nước ước bằng 48,8%.

(Tổng cục Thuế).

Phân theo địa phương, theo thông tin từ Tổng cục Thuế, có 25/63 địa phương có tiến độ thực hiện dự toán khá (trên 38%); có 17/63 địa phương đảm bảo tiến độ thu (33-38%);

“Có 21/63 địa phương có tiến độ thu đạt thấp dưới 33%, trong đó, có một số địa phương có tiến độ thu rất chậm dưới 30% dự toán như: Cao Bằng, Phú Yên, Lào Cai, Quảng Trị, Thái Bình, Tuyên Quang, Ninh Bình, Lai Châu, Hà Giang...”, Tổng cục Thuế nêu rõ.

Chẳng hạn, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến hết tháng 4 chỉ đạt 2.168 tỷ đồng, bằng 25,4% dự toán trung ương giao, bằng 18,1% dự toán uỷ ban nhân dân tỉnh giao và sụt giảm 30% cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm sâu 44%, thu nội địa giảm gần 30%...

Về công tác thanh kiểm tra, chống thất thu thuế, tính đến tháng 4, toàn ngành thực hiện được 9.753 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 12,2% kế hoạch năm 2023 và bằng 111,5% so với cùng kỳ năm 2022; kiểm tra được 102.933 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế bằng 69,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Dù toàn ngành mới thực hiện được hơn 10% kế hoạch thanh kiểm tra năm nay nhưng tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra cao đột biến, bằng 225,4% so với cùng kỳ năm 2022, tương ứng 15.124 tỷ đồng. Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 2.397 tỷ đồng.

ĐẨY MẠNH TRUY VẾT GIAN LẬN, KHÔNG BỎ SÓT NGUỒN THU

Đáng chú ý, tiếp đà ứng dụng công nghệ để truy lùng gian lận và chống thất thu các lĩnh vực dễ bỏ sót nguồn thu, những tháng đầu năm, Tổng cục Thuế đẩy mạnh áp dụng phân tích dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI) để quản lý thuế, quản lý hóa đơn góp phần kiểm soát, phát hiện nhanh người nộp thuế gian lận hóa đơn.

Cuối tháng 4 vừa qua, Tổng cục Thuế chính thức đưa vào vận hành, triển khai “Hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu và quản lý hoá đơn điện tử”. Theo đó, cơ quan thuế các cấp sẽ tập trung thực hiện rà soát, phân tích để kịp thời phát hiện các dấu hiệu rủi ro trong việc phát hành hoá đơn điện tử, giúp ngăn ngừa, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về hóa đơn chứng từ nói riêng và về thuế nói chung, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế cũng như tạo môi trường kinh doanh lành mạnh bình đẳng cho cộng đồng doanh nghiệp và người nộp thuế.

Tính đến cuối tháng 4, ngành thuế tiếp nhận và xử lý tổng số gần 3,7 tỷ hoá đơn điện tử đã được tiếp nhận và xử lý. Ngành thuế cũng rốt ráo triển khai hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Tính đến ngày 21/4 đã có 13.621 doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hoá đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền và số lượng hoá đơn điện tử từ máy tính tiền đã tiếp nhận là 3,2 triệu hóa đơn.

“Có 27/63 cục thuế đã hoàn thành triển khai hoá đơn điện tử từ máy tính tiền gồm: Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, An Giang, Bình Định, Bình Phước, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đắc Lắc, Điện Biên, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Khánh Hòa, Lai Châu, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Lào Cai, Long An, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Trị, Sơn La, Tây Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Long, Yên Bái”, Tổng cục Thuế thông tin.

Tiếp tục siết chặt công tác quản lý thuế đối với thương mại điện tử, theo Tổng cục Thuế, đã có 52 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài.

"Tổng số số thu lũy kế từ khi vận hành cổng đến nay đạt trên 7.250 tỷ đồng, riêng số thu trong năm 2023 là 3.772 tỷ đồng", Tổng cục Thuế cho biết.

10 GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM 

Trong bối cảnh thu ngân sách chịu nhiều sức ép có dấu hiệu giảm sút những tháng gần đây, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành giao 10 nhiệm vụ trọng tâm cho cơ quan thuế các cấp, để chủ động trong điều hành thu ngân sách nhà nước trong tháng 5.

Quyền Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Quyền Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Cụ thể, lãnh đạo Tổng cục Thuế đề nghị một là, bám sát và đánh giá tình hình kinh tế trong nước, thế giới; phân tích, nhận định những tác động từ những chính sách tài khóa, tiền tệ mà các nước thực hiện đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước để nhận diện đúng những rủi ro.

Hai là, tiếp tục tổ chức quản lý thuế hiệu quả đối với các nhà cung cấp nước ngoài. Rà soát, xây dựng danh sách, đôn đốc các nhà cung cấp nước ngoài chưa thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Ba là, triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2023 của cơ quan Tổng cục Thuế được phê duyệt.

Bốn là, về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tập trung hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2022 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ; đẩy mạnh kết nối chia sẻ dữ liệu để phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ để tổng hợp.

Năm là, chủ động tuyên truyền về các quy định pháp luật thuế hiện hành, các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực thuế.

Sáu là, tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, duy trì dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, hệ thống hoá đơn điện tử. 

Bảy là, tiếp tục triển khai theo tiến độ các đề án điện tử hóa như: dịch vụ nộp thuế đối với đất đai, hộ, cá nhân kinh doanh; tiếp tục triển khai khai, nộp lệ phí trước bạ điện tử đối với ô tô, xe máy; thí điểm khai thuế điện tử đối với hoạt động cho thuê nhà; Etax Mobile.

"Nghiên cứu phương án kết nối với các ngân hàng thương mại để có đầy đủ dữ liệu về người nộp thuế, đảm bảo kiểm soát đầy đủ thu nhập, nghĩa vụ thuế, tránh thất thu ngân sách nhà nước", lãnh đạo Tổng cục Thuế lưu ý.

Tám là, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền giai đoạn 1, trên cơ sở đó tiếp tục chỉ đạo cục thuế các tỉnh, thành phố tập trung triển khai thành công hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền giai đoạn tiếp theo trên toàn quốc.

Chín là, tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 và Kế hoạch cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2023- 2025 đã được phê duyệt; nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số đánh giá hoạt động quản lý thuế theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.

Mười là, triển khai giải pháp Trụ cột 1 về phân bổ quyền đánh thuế đối với thu nhập của các công ty đa quốc gia có hoạt động kinh doanh dịch vụ kinh tế số và kinh doanh trên nền tảng số; đồng thời, triển khai giải pháp Trụ cột 2, nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD nhằm tiếp tục rà soát đánh giá tác động của thuế tối thiểu toàn cầu đến Việt Nam, hoàn thiện báo cáo trình Chính phủ, trình Quốc hội để xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định.