Thu ngân sách nội địa giảm mạnh, hai khoản giảm 50% so với cùng kỳ
Theo Bộ Tài chính, tính đến cuối tháng 4, có 4 khoản thu nội địa tiến độ đạt thấp so với dự toán. Trong đó, hai khoản thu giảm sâu nhất so với cùng kỳ đó là thu thuế bảo vệ môi trường giảm 50,3% và các khoản thu về nhà, đất giảm 53,4%...
Báo cáo từ Bộ Tài chính cho thấy tính đến hết tháng 4, thu nội địa ước đạt 40,4% dự toán và giảm 2% so với cùng kỳ, ước đạt 538,8 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên khi so sánh với cùng kỳ, "không kể thuế thu nhập doanh nghiệp, thu cổ tức, lợi nhuận còn lại, thu chênh lệch thu/chi của Ngân hàng Nhà nước thì số thu nội địa 4 tháng bằng khoảng 88,7% so với cùng kỳ năm 2022", Bộ Tài chính thông tin.
NHIỀU KHOẢN THU NỘI ĐỊA GIẢM TRÊN 50% CÙNG KỲ
Cũng theo Bộ Tài chính, trong thu nội địa, có 8/12 khoản thu đảm bảo tiến độ dự toán (ước đạt trên 34% dự toán). Trong đó, thu từ 3 khu vực kinh tế chiếm tỷ trọng lớn, lên đến 53,3% dự toán thu nội địa, ước đạt 42% dự toán, tăng 2,4% so cùng kỳ. Tuy nhiên, nếu loại trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, số thu của 3 khu vực này giảm 8,5% so cùng kỳ.
Cùng với đó, một số khoản thu khác đạt tiến độ thu tốt như: thuế thu nhập cá nhân ước đạt 42,4% dự toán, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết ước đạt 49,2% dự toán.
Có 4 khoản thu tiến độ đạt thấp so dự toán là thu thuế bảo vệ môi trường ước đạt 16,8% dự toán; các loại phí, lệ phí ước đạt 32,2% dự toán; các khoản thu về nhà đất đạt 20,9% và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản ước đạt 25% dự toán.
Đáng quan ngại, theo Bộ Tài chính, có 4 khoản thu tiến độ đạt thấp so dự toán là thu thuế bảo vệ môi trường ước đạt 16,8% dự toán do việc thực hiện chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn, dầu hỏa, nhiên liệu bay theo Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 và thực hiện giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn, dầu hỏa, nhiên liệu bay từ 1/1/2023 theo Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 ngày 30/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo đó, thu thuế bảo vệ môi trường đến cuối tháng 4 mới bằng 49,7% so cùng kỳ, tương ứng giảm trên 50% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, các loại phí, lệ phí ước đạt 32,2% dự toán, bằng 91,4% so cùng kỳ. Các khoản thu về nhà, đất chiếm 13,3% dự toán thu nội địa mới ước đạt 20,9% dự toán, bằng 46,6% so cùng kỳ, tương ứng sụt giảm 53,4%. Còn thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản dù tăng 8,7% so cùng kỳ nhưng cũng chỉ mới ước đạt 25% dự toán.
Về số thu trên địa bàn, Bộ Tài chính ước tính có 25/63 địa phương thực hiện thu nội địa 4 tháng đạt trên 38% dự toán; 16/63 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ. Trong khi đó, có tới 47 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.
Những năm gần đây, tỷ trọng thu nội địa tăng dần tỷ trọng từ nguồn thu trong nước theo đúng định hướng Chiến lược cải cách hệ thống thuế, để bù đắp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu sụt giảm do tham gia hội nhập quốc tế ngày càng sâu và sự biến động của giá dầu thế giới.
Do tỷ trọng thu nội địa đến năm 2023 lên tới trên 82%, với vai trò vô cùng quan trọng, do đó, việc thu nội địa luỹ kế 4 tháng giảm nhẹ so với cùng kỳ khiến thu ngân sách nhà nước chứng kiến dấu hiện giảm tốc.
Theo ghi nhận của Bộ Tài chính, số thu ngân sách hàng tháng đang có xu hướng giảm. Theo đó, thu tháng 1 đạt 14,7%; tháng 2 đạt 7,7%; tháng 3 đạt 8,9%; ước thực hiện tháng 4 đạt 8,6% dự toán.
Tựu trung, thu ngân sách nhà nước tháng 4 ước đạt 139,1 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thu 4 tháng đạt ước đạt 645,4 nghìn tỷ đồng, bằng 39,8% dự toán, bằng 95% so cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thu ngân sách trung ương ước đạt khoảng 42,9% dự toán; thu ngân sách địa phương ước đạt khoảng 36,3% dự toán.
Về tiến độ các khoản thu quan trọng, đến cuối tháng 4, thu nội địa ước đạt 40,4% dự toán, thu từ dầu thô ước đạt 52,2% dự toán dự toán; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 35,4% dự toán.
TRÊN 65.000 TỶ ĐỒNG VỐN ĐẦU TƯ CÔNG CHƯA PHÂN BỔ
Cũng theo Bộ Tài chính, chi cân đối ngân sách nhà nước tháng 4 ước đạt 135,3 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi 4 tháng đạt 500,3 nghìn tỷ đồng, bằng 24,1% dự toán, tăng 6,1% so cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt khoảng 110,6 nghìn tỷ đồng, bằng 15,2% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 15,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 15,6% so cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tỷ lệ giải ngân đạt 18,48% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Riêng về chi đầu tư phát triển, tổng số kế hoạch vốn năm 2023 Thủ tướng Chính phủ đã giao khoảng 707 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổng hợp đến thời điểm báo cáo, các địa phương đã giao kế hoạch vốn đầu tư của địa phương tăng thêm từ các nguồn tăng thu, kết dư ngân sách địa phương… khoảng 47,52 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.
“Qua tổng hợp vẫn còn 65,48 nghìn tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư chưa phân bổ chi tiết, trong đó, 11,03 nghìn tỷ đồng của 25 bộ, cơ quan trung ương; 54,39 nghìn tỷ đồng của 34 địa phương”, Bộ Tài chính thông tin.
Còn chi trả nợ lãi ước đạt gần 34 nghìn tỷ đồng, bằng 33% dự toán, giảm 3,3%; chi thường xuyên ước đạt 355,4 nghìn tỷ đồng, bằng 30,3% dự toán, tăng 4,5% so cùng kỳ năm 2022.
Bộ Tài chính đánh giá các nhiệm vụ chi ngân sách trong 4 tháng đầu năm được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí phòng, chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đã thực hiện xuất cấp 18,3 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm.
Cũng theo Bộ Tài chính, cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Tính đến hết tháng 4/2023, đã thực hiện phát hành gần 139,7 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn bình quân 12,26 năm, lãi suất bình quân 3,93%/năm.