10:16 09/09/2008

Brazil kỳ vọng thành nước xuất khẩu dầu lớn

Trung Việt

Brazil đang có kế hoạch đầu tư 7 tỷ USD để mở rộng thăm dò, khai thác dầu, sau khi phát hiện 3 mỏ dầu lớn

Tại một cơ sở sản xuất dầu của tập đoàn dầu khí nhà nước Brazil Petrobras - Ảnh: Business Week.
Tại một cơ sở sản xuất dầu của tập đoàn dầu khí nhà nước Brazil Petrobras - Ảnh: Business Week.
Brazil đang có kế hoạch đầu tư 7 tỷ USD để mở rộng thăm dò, khai thác dầu, sau khi phát hiện 3 mỏ dầu lớn  ở Đại Tây Dương với tổng trữ lượng ước tính lên tới 55 tỷ thùng, gấp 4 lần trữ lượng dầu đã được kiểm chứng, tương đương với các quốc gia thành viên OPEC như Nigeria hay Venezuela.

Chủ tịch Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras của Brazil, Sergio Gabrielli vừa cho biết, nước ông sẽ tăng gấp đôi sản lượng dầu khí vào năm 2012 và vươn lên đứng thứ 10 thế giới về xuất khẩu dầu, từ vị trí thứ 17 hiện nay.

Sánh vai các cường quốc dầu mỏ

Riêng việc phát hiện mỏ dầu Tupi, lớn nhất trong ba mỏ nói trên, cũng có khả năng đưa Brazil trở thành một trong mười nước đứng đầu thế giới về sản xuất dầu mỏ. Theo Chủ tịch Petrobas Sergio Gabrielli, với mỏ Tupi, Brazil có khả năng đứng thứ tám thế giới về trữ lượng dầu mỏ và khí đốt. Mỏ dầu Tupi  có trữ lượng từ 5 đến 8 tỷ thùng, bằng 40% trữ lượng dầu mỏ hiện nay của Brazil.

Kết quả phân tích cho thấy trữ lượng khí đốt và dầu thô nhẹ ở đây rất cao, chất lượng thuộc hàng tốt nhất, ít tốn kém trong việc tinh lọc. Mỏ Tupi nằm ở độ sâu hơn 7.000 m so với mặt nước biển (trong đó có 2.140 m nước, hơn 3.000 m đất đá và một lớp muối dày khoảng 2.000 m). Việc khai thác thương mại tại mỏ Tupi có thể sẽ bắt đầu sau khoảng 5 năm nữa. Một dự án thí điểm sẽ bắt đầu vào năm 2010 hoặc 2011, nhằm  nâng sản lượng dầu tại đây lên 100 nghìn thùng/ngày.

Việc khai thác ở mỏ Tupi sẽ là một thách thức lớn, tuy nhiên Petrobas được đánh giá là một trong những công ty hàng đầu về khai thác dầu mỏ trên thế giới, có đủ khả năng khai thác mỏ này. Theo các nhà phân tích, với phát hiện mới về mỏ dầu Tupi, Petrobas có thể sẽ vượt các hãng dầu lửa lớn như Shell và Chevron, và chỉ xếp sau Exxon và BP về trữ lượng dầu lửa.

Brazil trở thành nước xuất khẩu dầu mỏ từ năm 2006. Hầu hết dầu mỏ của Brazil là dầu thô nặng và nằm sâu dưới lòng đại dương, tuy vậy, trữ lượng và sản lượng dầu mỏ những năm gần đây của nước này vẫn tăng gần gấp đôi so với 10 năm trước. Toàn bộ trữ lượng dầu mỏ của Brazil (đã được kiểm chứng) hiện nay là khoảng 12 tỷ thùng, sản lượng đủ đáp ứng nhu cầu về xăng dầu trong nước, nhưng Brazil vẫn phải nhập thêm dầu thô nhẹ để trộn với dầu thô nặng của mình trong quá trình tinh lọc.

Tiếp tục đầu tư mở rộng, thăm dò, khai thác

Cùng với việc phát hiện các mỏ dầu lớn, Brazil đang có kế hoạch tiếp tục đầu tư để mở rộng hoạt động thăm dò, khai thác và tăng sản lượng dầu khí trong tương lai. Chủ tịch Tập đoàn Petrobras, Sergio Gabrielli vừa cho biết, sẽ tăng gấp đôi sản lượng dầu khí vào năm 2012 và trong khoảng thời gian này Petrobras sẽ đầu tư tới 7 tỷ USD để mở rộng hoạt động thăm dò và khai thác dầu, trong đó 85% số vốn của Brazil.

Tuy nhiên, số vốn đầu tư này không phục vụ các hoạt động khai thác tại mỏ dầu Tupi ngoài khơi bờ biển phía nam nước này. Ông Gabrielli cho biết, để có thể hút dầu lên khỏi mặt nước tại mỏ dầu trên, Brazil sẽ phải đầu tư rất nhiều tiền.

Ngoài việc tăng đầu tư thăm dò, khai thác dầu, mới đây, Petrobras cũng cho biết sẽ xây dựng thêm 5 nhà máy lọc dầu mới trong giai đoạn 2009-2017, với số vốn lên tới hơn 112 tỷ USD. Với kế hoạch mở rộng hoạt động khai thác và sản xuất dầu khí trong tương lai, Petrobras dự kiến sẽ tạo thêm công ăn việc làm cho khoảng 228.000 lao động trực tiếp và 688.000 lao động gián tiếp. Lợi nhuận của ngành dầu khí sẽ tương đương khoảng 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Brazil trong những năm tới.

Với triển vọng xuất khẩu dầu rất lớn của Brazil, thông qua Iran, OPEC vừa đánh tiếng mời nước này gia nhập Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Khoáng sản và Năng lượng Brazil, Edison Lobao, ngày 3/9 thông báo quốc gia Nam Mỹ này đã từ chối lời mời của Iran gia nhập OPEC.

Bộ trưởng Lobao cho biết, lời mời trên đã được Đại sứ Iran tại Brazil chuyển tới Chính phủ Brazil trong một cuộc gặp giữa hai ông cách đây hai tuần. Tuy nhiên, sau khi xem xét đề nghị này, Chính phủ Brazil đã quyết định từ chối, vì cho rằng hiện tại chưa phải là thời điểm thích hợp để gia nhập OPEC.