09:48 28/12/2020

Bức tranh kinh tế toàn cầu sau một năm đại dịch Covid-19 hoành hành

An Huy

Đại dịch Covid-19 đã đẩy kinh tế thế giới vào một trong những cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử

Ảnh minh họa - Ảnh: Getty/CNBC.
Ảnh minh họa - Ảnh: Getty/CNBC.

Đại dịch Covid-19 đã đẩy kinh tế thế giới vào một trong những cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử và chưa rõ đến bao giờ mới có thể hồi phục hoàn toàn.

Những bước tiến gần đây về vaccine Covid-19 đã làm sáng hơn triển vọng kinh tế toàn cầu, nhưng một số chuyên gia cho rằng việc vaccine được triển khai chậm ở các nước đang phát triển có thể cản trở việc các hoạt động kinh tế quay trở lại mức trước đại dịch. Ngay cả ở những nền kinh tế phát triển như châu Âu, việc tái áp các biện pháp phong tỏa để ứng phó với làn sóng virus mới cũng có thể đẩy lùi sự hồi phục kinh tế.

"Có vaccine là một sự trợ lực cho nền kinh tế, nhưng phải tới 2022 việc này mới thực sự phát huy tác dụng", một báo cáo của Citigroup hồi đầu tháng 12 nhận định. Tuy nhiên, các chuyên gia của ngân hàng Mỹ này cũng nói sẽ có "sự cải thiện rõ ràng" trong tăng trưởng toàn cầu 2021, một phần vì "không khó để mọi thứ trở nên tốt hơn so với năm 2020".

Dưới đây là 5 biểu đồ về tình trạng hiện nay của nền kinh tế toàn cầu, do trang CNBC đưa ra:

HOẠT ĐỘNG KINH TẾ GIẢM MẠNH

Tốc độ lây lan chóng mặt của Covid-19 đã buộc nhiều quốc gia phải phong tỏa trong nhiều tháng của năm nay, dẫn tới các hoạt động kinh tế giảm mạnh. Tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP), thước đo rộng nhất của hoạt động kinh tế, vì vậy đã giảm xuống mức thấp kỷ lục ở nhiều nền kinh tế.

Bức tranh kinh tế toàn cầu sau một năm đại dịch Covid-19 hoành hành - Ảnh 1.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế toàn cầu suy giảm 4,4% trong năm nay và có thể tăng trưởng 5,2% trong năm 2021. Trong báo cáo đưa ra hồi tháng 10, IMF nói kinh tế thế giới đã bắt đầu hồi phục, nhưng cảnh báo rằng hành trình trở lại ngưỡng sản lượng của trước đại dịch sẽ là một quá trình "dài, không đều, và bấp bênh".

HẠN CHẾ ĐI LẠI CHƯA ĐƯỢC DỠ BỎ

Một trong những đặc điểm chính của các biện pháp chống Covid-19 trên toàn cầu là đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần biên giới, khiến phần lớn hoạt động đi lại trên toàn cầu tê liệt. Đến ngày 1/11, hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại, theo Tổ chức Du lịch (UNWTO) thuộc Liên hiệp quốc.

Bức tranh kinh tế toàn cầu sau một năm đại dịch Covid-19 hoành hành - Ảnh 2.

Tuy nhiên, nhiều hạn chế tiếp tục được áp dụng để hạn chế di chuyển qua biên giới, bao gồm: Chỉ mở cửa biên giới cho những du khách thuộc một số quốc tịch hoặc từ một số điểm xuất phát cụ thể; yêu cầu du khách phải có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 trước khi nhập cảnh; yêu cầu du khách phải cách ly sau khi nhập cảnh.

MẤT MÁT VIỆC LÀM GIA TĂNG

Một hậu quả lớn từ sự sụt giảm kinh tế do đại dịch Covid-19 là tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh trên phạm vi toàn cầu.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nói rằng tại một số quốc gia, ảnh hưởng ban đầu của Covid-19 lên thị trường việc làm "lớn gấp 10 lần so với những gì quan sát được trong những tháng đầu tiên của khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Bức tranh kinh tế toàn cầu sau một năm đại dịch Covid-19 hoành hành - Ảnh 3.

"Những người lao động dễ thương tổn phải hứng chịu tác động nặng nề nhất. Nhóm lao động thu nhập thấp là lực lượng chính đảm bảo duy trì những dịch vụ thiết yếu trong thời gian phong tỏa, và đối mặt rủi ro lớn bị nhiễm virus trong quá trình làm việc", OECD viết trong báo cáo. "Họ cũng là đối tượng đối mặt khả năng mất việc làm cao hơn và giảm thu nhập nhiều hơn".

NỢ CHÍNH PHỦ TĂNG VỌT

Các chính phủ phải tăng chi tiêu để bảo vệ việc làm và hỗ trợ người lao động. Theo ước tính mà IMF đưa ra hồi tháng 10, các biện pháp tài khóa để chống lại cú sốc kinh tế mà Covid-19 gây ra đã tiêu tốn 12 nghìn tỷ USD.

Mức chi tiêu khổng lồ này đã đẩy nợ công toàn cầu lên mức cao chưa từng thấy, nhưng các chính phủ được IMF khuyến cáo không vội rút các biện pháp kích cầu bằng tài khóa.

Bức tranh kinh tế toàn cầu sau một năm đại dịch Covid-19 hoành hành - Ảnh 4.

"Trong lúc còn nhiều lao động thất nghiệp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chật vật, và khoảng 80-90 triệu người có thể rơi vào cảnh nghèo cùng cực trong năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch ngay cả sau khi được hỗ trợ, còn quá sớm để các chính phủ dừng các biện pháp kích cầu", IMF viết.

CÁC NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG VÀO CUỘC

Không chỉ các chính phủ nới lỏng tài khóa, mà các ngân hàng trung ương cũng mạnh tay nới lỏng chính sách tiền tệ để cứu tăng trưởng kinh tế, thông qua bơm tiền và hạ lãi suất về mức siêu thấp.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ngân hàng trung ương mà chính sách có ảnh hưởng toàn cầu, đã hạ lãi suất về gần 0 và cam kết sẽ chưa nâng lãi suất trở lại chừng nào lạm phát chưa vượt ngưỡng mục tiêu 2%. Lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang ở ngưỡng âm 0,25% và lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) hiện là âm 0,1%.

Bức tranh kinh tế toàn cầu sau một năm đại dịch Covid-19 hoành hành - Ảnh 5.

 Lãi suất thấp giúp các chính phủ kiểm soát tốt hơn khối nợ công tăng mạnh, trong khi lượng tiền mà các ngân hàng trung ương bơm vào nền kinh tế thông qua việc mua tài sản giúp cung cấp thanh khoản dồi dào. Chiến lược kết hợp lãi suất thấp với bơm tiền cũng được ngân hàng trung ương nhiều nền kinh tế mới nổi học theo để vực dậy tăng trưởng.