09:50 28/05/2007

Bùng nhùng thủ tục lập doanh nghiệp

Thủ tục gia nhập thị trường của các doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp ở nước ta vẫn còn phức tạp và tốn kém

Ở Hà Nội, mỗi năm có khoảng 9.000 doanh nghiệp đăng ký mới và cũng khoảng chừng ấy doanh nghiệp thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh - Ảnh: VT.
Ở Hà Nội, mỗi năm có khoảng 9.000 doanh nghiệp đăng ký mới và cũng khoảng chừng ấy doanh nghiệp thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh - Ảnh: VT.
Thủ tục gia nhập thị trường của các doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp ở nước ta vẫn còn phức tạp và tốn kém.

Nguyên nhân chủ yếu là do sự phối hợp chưa hiệu quả của các cơ quan chức năng. Điển hình là những vướng mắc xung quanh con dấu thành lập doanh nghiệp.

"3 trong 1" vẫn chưa thông

Ông Vũ Duy Thái - Chủ tịch Hiệp hội Công thương Hà Nội, nêu: "Một trong những bất cập mà doanh nghiệp lâu nay gặp phải là để hoàn thành thủ tục thành lập doanh nghiệp thông thường phải mất khoảng 50 ngày, trải qua 11 thủ tục với chi phí bằng 50% thu nhập bình quân đầu người, trong đó ba thủ tục kéo dài thời gian nhất là cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (15 ngày), khắc dấu (14 ngày) và đăng ký mã số thuế và mua hoá đơn (15 ngày nữa).

Hệ quả là doanh nghiệp vẫn phải chuẩn bị quá nhiều bộ hồ sơ, phải cung cấp rất nhiều thông tin lặp đi lặp lại cho các cơ quan khác nhau, và mất rất nhiều thời gian vì phải thực hiện hết thủ tục này mới được làm thủ tục khác. Mặt khác, hầu hết các thủ tục đăng ký kinh doanh vẫn được thực hiện một cách thủ công tại trụ sở của cơ quan chức năng, cũng gây nhiều phiền hà cho doanh nghiệp.

Từ khi Luật Doanh nghiệp mới có hiệu lực, các sở kế hoạch và đầu tư tại các địa phương đã áp dụng mô hình "một cửa liên thông" cho 3 thủ tục: đăng ký kinh doanh, khắc dấu và đăng ký mã số thuế với mục đích đơn giản hoá thủ tục thành lập doanh nghiệp, rút ngắn thời gian cấp đăng ký kinh doanh, mã số thuế và cấp phép khắc dấu với thời hạn là 15 ngày. Song theo phản ánh của các doanh nghiệp, do năng lực và phương tiện của các cơ quan đăng ký kinh doanh còn yếu nên kết quả của cách làm này chưa được như mong đợi.

Ông Thái nêu dẫn chứng: "Đối với việc khắc dấu doanh nghiệp vẫn còn có thể cải tiến thêm. Chẳng hạn: Dòng chữ vành ngoài của con dấu cấp cho doanh nghiệp thuộc cấp tỉnh, thành phố quản lý, nhưng lại ghi theo địa phương (quận, huyện) khiến mỗi khi doanh nghiệp di chuyển từ quận này sang quận khác lại phải làm thủ tục khắc lại con dấu.

Ông thống kê: Có doanh nghiệp từ năm 2000 đến nay đã thay đổi đăng ký kinh doanh tới 10 lần.  Hà Nội, mỗi năm có khoảng 9.000 doanh nghiệp đăng ký mới và cũng khoảng chừng ấy doanh nghiệp thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, nếu mỗi lần thay đổi lại làm lại từng ấy thủ tục gia nhập doanh nghiệp thì sẽ là tốn kém vô cùng.

Doanh nghiệp có 2 con dấu - quản lý thế nào?

Theo luật gia Vũ Xuân Tiền (Giám đốc Công ty Tư vấn VFAM VN), khoản 2, Điều 36 Luật Doanh nghiệp quy định: "Trong trường hợp cần thiết, được sự đồng ý của cơ quan cấp dấu, doanh nghiệp có thể có con dấu thứ hai".

Đây là một điểm mới tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu có 2 dấu hoạt động, tuy nhiên do chưa có hướng dẫn cụ thể trong thông tư hướng dẫn thi hành Luật doanh nghiệp, nên quy định cũng chưa đi vào cuộc sống.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh -Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đồng tình với quan điểm phải có sự hướng dẫn rất cụ thể bằng một thông tư về vấn đề này, quy định rõ trong trường hợp nào doanh nghiệp có 2 dấu, doanh nghiệp phải được chấp thuận của cơ quan công an hay một cơ quan chức năng được giao cấp dấu, đồng thời doanh nghiệp phải giải trình được sự cần thiết có 2 dấu như phạm vi hoạt động rộng (thậm chí ở ngoài lãnh thổ). Hai dấu phải có giá trị ngang nhau và được bảo hộ trên toàn quốc.