Buồn hay vui khi doanh nghiệp ngoại đạo lãi “khủng” nhờ đầu tư chứng khoán?
Khi Covid-19 được khống chế, hoạt động xã hội trở về trạng thái bình thường mới, nếu những doanh nghiệp ngoại đạo không quay lại hoạt động sản xuất mà chỉ “nhăm nhe” đầu tư chứng khoán sẽ không mang lại hiệu quả bền vững cho chính doanh nghiệp và cả nền kinh tế...
Thị trường chứng khoán sôi động suốt từ đầu năm 2021 đến nay đã mang lại khoản lợi nhuận không hề nhỏ cho các công ty chứng khoán, doanh nghiêp bảo hiểm, ngân hàng và thậm chí cả những doanh nghiệp ngoại đạo không trong lĩnh vực tài chính.
LÃI LỚN NHỜ ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
Công ty cổ phần Công viên nước Đầm Sen (DSN), báo cáo tài chính quý 3/2021, gần như không có doanh thu khi chỉ kiếm được 420 triệu đồng trong suốt 3 tháng. Không có doanh thu, nhưng Đầm Sen vẫn phải chi trả đầy đủ các loại chi phí cố định như bảo dưỡng, bảo trì, chi phí thuê đất, bảo hiểm xã hội và lương của người lao động, dẫn đến DSN lỗ gộp 4,12 tỷ đồng trong quý 3.
Theo giải trình của DSN, do thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động vui chơi giải trí tại Công ty đã đóng cửa tạm ngưng phục vụ kinh doanh từ ngày 04/05/2021 đến nay, khiến doanh thu thuần của DSN chỉ đạt được 420 triệu đồng, giảm gần 36 tỷ đồng, tương đương mức giảm 99% so cùng kỳ.
Trong khi đó, dù tạm dừng hoạt động thì các khoản chi phí cố định như bảo dưỡng, bảo trì, chi phí thuê đất, bảo hiểm xã hội và lương của người lao động… vẫn phải thanh toán đầy đủ nên DSN lỗ gộp hơn 4 tỷ đồng khi doanh thu không đủ bù đắp giá vốn hơn 4 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, Đầm Sen vẫn báo lãi trước thuế 14,7 tỷ đồng và lãi sau thuế 12,6 tỷ đồng. Nguyên nhân là do công ty có khoản lãi hơn 18 tỷ đồng từ bán cổ phiếu của Ngân hàng Việt Á. Từ hồi đầu quý 3, Đầm Sen sở hữu 2,12 triệu cổ phiếu của VietABank và đến cuối quý chỉ còn nắm 878 nghìn cổ phiếu. Như vậy, công ty đã bán ra khoảng 1,24 triệu cổ phiếu. Giá gốc của số cổ phiếu này chỉ là 3.340 đồng trong khi thị giá trên sàn chứng khoán của cổ phiếu VietABank hiện nay khoảng 17.000 đồng.
Lũy kế 9 tháng, Đầm Sen đạt doanh thu 24,2 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế là 19,8 và 16,9 tỷ đồng, giảm 28%.
Điều này diễn ra tương tự tại Công ty cổ phần Sam Holdings (mã SAM) - một doanh nghiệp chuyên sản xuất, mua bán các loại cáp, vật liệu viễn thông, vật liệu dân dụng với sản phẩm là dây đồng, ống nhựa các loại và kinh doanh bất động sản, sân golf….
Trong quý 3, SAM ghi nhận 381,2 tỷ đồng doanh thu thuần giảm 27%; lãi gộp 7,2 tỷ đồng, giảm 79% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, nhờ doanh thu từ hoạt động tài chính đạt 98,6 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ, nên sau khi trừ các khoản chi phí và thuế, Công ty lãi ròng 48 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ.
Tại thời điểm cuối tháng 9, chứng khoán kinh doanh của SAM ghi nhận hơn 193 tỷ đồng, gấp gần 3 lần hồi đầu năm. Trong đó, SAM đang đầu tư các mã cổ phiếu lớn như VHM, FPT, HSG, HPG, HCM và 3 cổ phiếu ngành ngân hàng là ACB, CTG, STB (đầu năm không ghi nhận các khoản đầu tư này).
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, SAM ghi nhận doanh thu thuần 1.280,6 tỷ đồng, lãi sau thuế 61,5 tỷ đồng (tăng 26% so với cùng kỳ năm 2020). Riêng mảng chứng khoán kinh doanh ghi nhận hơn 193 tỷ đồng.
Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT) mới đây cũng công bố kết quả kinh doanh quý 1 niên độ tài chính 2021-2022 (01/07/2021 - 30/06/2022) với lãi ròng 195 tỷ đồng, tăng 98% so cùng kỳ. Kết quả đi lên phần nhiều nhờ khoản thu tài chính cao bất thường 346 tỷ đồng. Theo thuyết minh của SBT, khoản thu tài chính cao bất thường 346 tỷ đồng phần lớn do Công ty lãi kinh doanh hợp đồng tương lai đến 241 tỷ đồng (cùng kỳ không có khoản này).
Một số doanh nghiệp khác dù không trực tiếp kinh doanh chứng khoán song cũng ghi nhận khoản lãi tăng kỷ lục nhờ đầu tư tài chính trong bối cảnh Covid-19 gây tác động tiêu cực lên ngành sản xuất, dịch vụ. Tổng công ty Thủy sản Việt Nam - Công ty cổ phần (mã SEA) là một trong những doanh nghiệp như vậy.
Báo cáo tài chính công ty mẹ quý 3 ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm gần 50% so với quý III/2020, xuống 22,1 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp giảm 32,5%, chỉ còn 7,8 tỷ đồng.
Tuy nhiên, SEA ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính chủ yếu là cổ tức và lợi nhuận được chia 160 tỷ đồng, tăng mạnh 3 lần so với con số của cùng kỳ năm ngoái. Đóng góp lớn nhất là việc SEA nhận cổ tức từ công ty liên kết - Công ty cổ phần Việt Pháp sản xuất thức ăn gia súc với giá trị 156 tỷ đồng. Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế đạt 162 tỷ đồng, gấp 15,5 lần cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, SEA đạt doanh thu 130,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 196 tỷ đồng, tăng lần lượt 10,3% và 22,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Công ty cổ phần EVN Quốc tế (EIC) vốn dĩ hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, truyền tải và phân phối điện…, đạt 8,7 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý III/2021, tăng 8,8% so với quý III/2020. Trừ chi phí vốn, Công ty lãi gộp 2,3 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh bán hàng và cung cấp dịch vụ.
Tuy nhiên, EIC ghi nhận khoản doanh thu tài chính hơn 105 tỷ đồng, tăng gần 70 tỷ đồng so với cùng kỳ, chủ yếu do nhận khoản cổ tức từ việc đầu tư dự án Thủy điện Hạ Sê San 2 tại Campuchia với giá trị 4,5 triệu USD, trừ phí chuyển tiền về nước, Công ty được nhận 3,87 triệu USD, tương đương 88,7 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân giúp EIC lãi sau thuế kỷ lục là 91,1 tỷ đồng, tăng 175% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, doanh nghiệp đạt 92,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 173% so với cùng kỳ năm ngoái.
TRÁI ĐẮNG ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
Thị trường chứng khoán sôi động suốt từ đầu năm 2021 đến nay đã mang lại khoản lợi nhuận không hề nhỏ cho các công ty chứng khoán, doanh nghiêp bảo hiểm, ngân hàng và điều đó được xem là hoạt động bình thường của các công ty trong lĩnh vực tài chính.
Với các doanh nghiệp ngoại đạo, tận dụng thị trường chứng khoán để kiếm lời trong bối cảnh sản xuất bị đình trệ do những lần giãn cách xã hội kéo dài theo Chỉ thị 15,16 cũng được xem là bước đi nhanh nhạy, kịp thời để giúp công ty trụ vững qua mùa bão Covid-19.
Tuy nhiên, khi Covid-19 được khống chế, hoạt động xã hội trở về trạng thái bình thường mới, nếu những doanh nghiệp này không quay lại hoạt động sản xuất, tập trung vào lĩnh vực chính yếu mà chỉ "nhăm nhe" đầu tư chứng khoán sẽ không mang lại hiệu quả bền vững, giá trị gia tăng cho chính doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Thực tế cho thấy, đã có những doanh nghiệp nhận trái đắng vì đẩy mạnh đầu tư chứng khoán trong thời gian gần đây. Đơn cử như Công ty CP MHC. Thay vì tập trung vào ngành nghề cốt lõi là vận tải, kho bãi, hoạt động của công ty này lại gần như xoay quanh câu chuyện đầu tư tài chính và kinh doanh chứng khoán.
Doanh thu bán hàng và dịch vụ quý 3/2021 MHC ghi nhận 4 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số 4,5 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế âm 41,2 tỷ đồng trong khi năm ngoái có lãi đến 63 tỷ đồng. Nguyên nhân do doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ giảm, sự biến động này chủ yếu phát sinh từ hoạt động đầu tư tài chính, kinh doanh chứng khoán. Theo đó, doanh thu hoạt động tài chính ghi nhận hơn 41 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ trong khi đó, chi phí tài chính tăng vọt lên hơn 87 tỷ đồng.
Tính đến 30/09/2021, khoản mục chứng khoán kinh doanh của MHC ghi nhận hơn 641 tỷ đồng, tăng 58% so với hồi đầu năm. Trong đó, MHC đang nắm giữ cổ phiếu tại CTCP Tập đoàn Gelex (HOSE: GEX) và cổ phiếu của Tổng CTCP Tư vấn thiết kế giao thông vận tải.
Đáng chú ý, MHC ghi nhận thêm khoản trái phiếu tại CTCP Đầu tư nước sạch và môi trường Eco&More (300 tỷ đồng) trong khi đầu năm không ghi nhận khoản này. Bên cạnh đó, MHC không còn đầu tư trái phiếu tại CTCP Mua bán nợ Thế hệ mới.