06:00 24/08/2021

Cá tra “vật vã ’’ giữa sóng dữ Covid

ThS.Trần Trọng Triết

Đại dịch Covid-19 bùng phát nhanh ở TP.HCM, lan xuống khu vực ĐBSCL và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều ngành nghề, trong đó có ngành hàng cá tra của người dân và doanh nghiệp...

Lượng công nhân làm việc tại nhà máy chế biến được duy trì ở mức 35-45%.
Lượng công nhân làm việc tại nhà máy chế biến được duy trì ở mức 35-45%.

Hoạt động sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá tra bị đảo lộn và gặp không ít khó khăn khiến giá cá nguyên liệu đã giảm từ 500-1.000 đồng/kg so với trước, ảnh hưởng đến người nuôi và doanh nghiệp.

 GIÁ CÁ TRA GIẢM SÂU, NGƯỜI NUÔI LỖ NẶNG

Sau hơn 1 tháng các địa phương vùng ĐBSCL thực hiện giãn cách xã hội và doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”; “1 cung đường, 2 địa điểm”, hoạt động sản xuất, chế biến, xuất cá tra cũng bị đảo lộn và gặp không ít khó khăn. Hiện nay, nhiều ao nuôi cá tra đã bắt đầu thu hoạch nhưng giá cá nguyên liệu đã giảm từ 500-1.000 đồng/kg so với trước.

Các chuyên gia cho rằng đúng  vào thời điểm thị trường tiêu thụ đầu ra có nhiều khả quan, tích cực, dịch Covid-19 lại cản trở kế hoạch nuôi, kinh doanh, xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp cá tra trong hai quý cuối năm.

Cho cá tra nuôi hầm ăn. 
Cho cá tra nuôi hầm ăn. 

Theo Sở NN&PTNT Đồng Tháp - địa phương có diện tích và sản lượng nuôi cá tra lớn nhất cả nước, tính tới ngày 8/8/2021, tổng diện tích nuôi cá tra của tỉnh đạt hơn 1.600ha; diện tích thu hoạch gần 553ha, sản lượng thu hoạch trên 223 nghìn tấn.

Tới giữa tháng 8/2021, giá cá tra nguyên liệu giảm xuống còn 20.500-21.500 đồng/kg. Chi phí trung bình để sản xuất 1kg cá nguyên liệu khoảng 22.500 đồng/kg, với mức giá này người nuôi lỗ 900-1.400 đồng/kg.

Trong thời gian giãn cách, tại Đồng Tháp, việc vận chuyển vật tư nông nghiệp phục vụ nuôi trồng thủy sản đến vùng nuôi (thức ăn, thuốc thú y, thủy sản,…) đảm bảo thông suốt và phương tiện vận chuyển đảm bảo thực hiện đúng theo quy định.

Tuy nhiên, vẫn còn một số trở ngại như: thời hạn của giấy xác nhận kết quả test nhanh quá ngắn gây tốn chi phí và thời gian cho doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp cá tra Đồng Tháp cho biết, khó khăn lớn nhất của các nhà máy chế biến các tra là thực hiện “3 tại chỗ” vì phát sinh quá nhiều chi phí, công và lương người lao động tăng, vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa gặp nhiều khó khăn; người lao động không muốn làm “3 tại chỗ” vì xa nhà.

Các doanh nghiệp giảm công suất chế biến hoặc đóng cửa. Nhiều doanh nghiệp đề xuất thực hiện linh hoạt “3 tại chỗ” hay “1 cung đường, 2 điểm đến” và doanh nghiệp được chịu trách nhiệm kiểm tra sức khỏe, test Covid-19 trước khi vào làm việc tại nhà máy đối với công nhân và người lao động.

 
Theo thống kê, tại TP. Cần Thơ, giá thành nuôi cá tra xuất khẩu ở mức 22.000-23.000 đồng/kg, nhưng cá tra nguyên liệu chỉ bán được giá 21.000-21.500 đồng/kg trở lại nên người nuôi bị lỗ vốn.

Tương tự, tại TP. Cần Thơ, giá nhiều loại cá nuôi cũng giảm dưới giá thành sản xuất, khiến người nuôi lỗ nặng, doanh nghiệp xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng.

Tính tới hết tháng 7/2021, diện tích thả nuôi cá tra của TP. Cần Thơ là hơn 548 ha, đạt 74% so với kế hoạch cả năm là 736ha. Hiện nay, nguồn cung cá tra cho xuất khẩu đang dồi dào nhưng nhà máy chế biến cũng ngưng hoặc tạm ngưng mua nguyên liệu. Điều này dẫn tới giá cá giảm so với tháng trước đó.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 lan rộng nên việc nuôi cá, vận chuyển nguyên liệu, sản phẩm xuất khẩu bị ảnh hưởng, nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra ngưng hoạt động hoặc giảm công suất nên giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh xuống thấp.

Theo bà Tạ Hà, chuyên gia thị trường của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), kể từ quý 2/2021, nhu cầu nhập khẩu cá tra tại nhiều thị trường như: Mỹ, Brazil, Mexico, Thái Lan, Canada, Colombia, Nga, UAE… bắt đầu tăng trở lại. Điều này tiếp thêm năng lượng và niềm hi vọng cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL trong hai quý cuối năm.

Trong khi dịch Covid-19 lan rộng từ TP.HCM xuống các tỉnh miền Tây trong thời gian ngắn, dù đã tính toán trước kịch bản để sẵn sàng ứng phó, song nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra không tránh khỏi bị động và ảnh hưởng nghiêm trọng.

Thực tế cho thấy, chỉ khi doanh nghiệp chế biến cá tra khôi phục lại sản xuất, tăng công suất trở lại bình thường thì giá cá tra nguyên liệu mới có thể tăng lên.

 NGUY CƠ THIẾU HỤT NGUYÊN LIỆU

Theo VASEP, khi dịch Covid-19 bùng phát nhanh ở TP.HCM và lan xuống ĐBSCL, việc nuôi cá, vận chuyển nguyên liệu tới nhà máy, các nhà máy chế biến cũng gặp rất nhiều khó khăn. Điều này có thể ảnh hưởng theo chuỗi tới tất cả các mắt xích cá tra và giá nguyên liệu trong thời gian tới, tác động đến kim ngạch xuất khẩu cá tra là điều khó tránh khỏi.

Với những nhà máy được phép hoạt động, số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ chiếm 30%-50%, số còn lại phải nghỉ việc hoặc nghỉ không lương.

Tình trạng này khiến cho công suất sản xuất trung bình đã giảm chỉ còn 40%-50% so với trước đây. Hiện nay, cả người nuôi lẫn doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đều đang “ngồi trên đống lửa” vì lo lắng giá nguyên liệu cá tra dự kiến sẽ có biến động lớn ảnh hưởng đến xuất khẩu.

Theo VASEP, toàn vùng ĐBSCL có khoảng 120 cơ sở sản xuất giống cá tra, với gần 3.000ha ương dưỡng cá tra giống cùng với vùng nuôi có lượng nguyên liệu dồi dào phục vụ cho xuất khẩu.

Tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2021, giá nguyên liệu vật tư đã tăng 3-4 đợt, các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho hoạt động của nhà máy chế biến cũng tăng từ 5%-25%.

Đồng  thời giá thức ăn thủy sản cũng tăng từ 15%-20%, chưa kể cước vận tải biển tăng từ 5-7 lần...đó là những yếu tố cấu thành thúc đẩy giá trị cá tra xuất khẩu tăng thêm.

 
Rủi ro của ngành cá tra trong đại dịch là rất lớn, bởi chi phí sản xuất tăng cao, trong khi giá bán sản phẩm tăng không đáng kể.

Trong khâu nuôi, giá nhập nguyên liệu chế biến thức ăn tăng cao, dẫn đến giá thành nuôi hiện nay lên đến 23.000-23.500 đồng/kg, trong khi giá cá thương phẩm vẫn ở mức 21.000-21.500 đồng/kg, như vậy người nuôi sẽ lỗ từ 2.000-2.500 đồng/kg cá xuất hầm.

Ở khâu chế biến, do phải giảm công nhân tại nhà máy để phòng chống dịch, nên sản lượng thành phẩm sản xuất mỗi ngày giảm đáng kể. Trong khi đó, để vận hành được dây chuyền sản xuất thì lượng điện, nước tiêu thụ vẫn ở mức cố định.

Trong xuất khẩu, hiện nay do các quốc gia nhập khẩu tăng cường kiểm soát dịch bệnh nên việc thông quan tại các cảng đến rất chậm. Lượng hàng tồn đọng chờ thông quan lớn, vì vậy lượng container rỗng là rất hiếm.

Mặt khác, lợi dụng tình hình này, các hãng tàu biển đã tăng giá vận chuyển khiến chi phí của doanh nghiệp trong khâu bán hàng tăng cao.

Cụ thể, trong trạng thái bình thường, 1 container 40 feet xuất từ cảng Cát Lái (TP. HCM) đến cảng Rotterdam (Hà Lan) là 1.400 USD/container thì nay đã tăng lên 10.000 USD/container nhưng thị trường vẫn khan hiếm container rỗng.

Theo bà Trương Thị Lê Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp), các công ty chế biến cá tra đang rất khó khăn trong việc thu mua cá nguyên liệu do phải mua gom ở nhiều địa bàn khác nhau, trong khi nhân công thu hoạch rất khó di chuyển do các địa phương tăng cường kiểm soát dịch bệnh.

 
Trước tình hình dịch diễn biến như hiện nay, dự tính nguồn nguyên liệu cho sản xuất xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm sẽ thiếu hụt.

Chính vì vậy, trong công văn mới đây gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, VASEP khẩn thiết đề nghị ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng lao động tại các nhà máy đang áp dụng phương thức “3 tại chỗ” ở các địa phương.

VASEP cho rằng nếu tiêm ngay vaccine cho người lao động tại các nhà máy chế biến thủy sản, Việt Nam sẽ vừa giữ được thị trường, đối tác xuất khẩu, vừa duy trì được sản xuất và công ăn việc làm cho nhiều lao động, bao gồm cả nông, ngư dân khai thác biển và sản xuất nguyên liệu.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt Doãn Tới bày tỏ: “Chúng tôi duy trì sản xuất theo phương châm “3 tại chỗ” để đáp ứng đơn hàng của các nhà nhập khẩu, hạn chế tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng sản phẩm cho các tập đoàn nhập khẩu cá tra lớn trên thế giới.

Việc sản xuất theo phương châm “3 tại chỗ” là không có hiệu quả, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, giữ được khách hàng cực kỳ khó khăn”. Trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng giá trị xuất khẩu cá tra của toàn ngành đạt trên 780 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, các DN trong tỉnh xuất khẩu đạt 60.770 tấn, tương đương 147,02 triệu USD; so với cùng kỳ tăng 0,27% về sản lượng và tăng 0,63% về kim ngạch.

Nhìn lại hoạt động xuất khẩu cá tra trong 6 tháng đầu năm 2021, có thể nói kết quả tăng trưởng dương 17% so với nửa đầu năm 2020 đã thể hiện sự cố gắng nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu cá tra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới chưa phục hồi.

Chi phí tăng cao nhưng giá bán sản phẩm lại tăng không đáng kể. Cụ thể giá xuất vào thị trường EU trong 6 tháng qua vẫn xoay quanh mức 2,35 USD/kg, giá này so với năm ngoái tăng không đáng kể.

Dịch bệnh xảy ra, ngoài chi phí tăng cao, thị trường xuất khẩu thu hẹp, các doanh nghiệp chế biến cá tra đang rất lo lắng. Hiện nay, nhà máy giảm lượng công nhân để chống dịch, đa phần người lao động về quê tránh dịch hoặc chuyển sang ngành nghề khác để tìm kế sinh nhai.

Vì vậy khi hết dịch, lượng lao động trở lại nhà máy sẽ có có nguy cơ thiếu hụt trầm trọng. Thời gian qua, cùng với các doanh nghiệp chế biến, tỉnh An Giang đã đề xuất Bộ NN&PTNT triển khai thực hiện chương trình giống cá tra 3 cấp nhằm tạo ra con giống khỏe, sạch bệnh, tỷ lệ sống (trong khâu nuôi thương phẩm) cao.

Chương trình là tiền đề quan trọng để giúp ngành hàng cá tra có được sản phẩm đạt chất lượng để xuất khẩu. Song, để ngành hàng cá tra phát triển ổn định và bền vững, VASEP cần củng cố khâu chế biến và xuất khẩu.

Cụ thể, tiếp tục duy trì hàm lượng ẩm trong sản phẩm phi-lê ở mức chấp nhận được để giữ vững chất lượng sản phẩm. Trong xuất khẩu cần có giá sàn xuất để tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.

Có như vậy ngành hàng cá tra mới tiếp tục phát huy thế mạnh và mang về cho đất nước mỗi năm trên 2 tỷ USD, giải quyết cho hàng triệu lao động có việc làm ổn định.

Trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 18/8/2021 góp ý dự thảo Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19, VASEP kiến nghị giảm một số chi phí cho doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh.

VASEP đưa ra một số kiến nghị ví như giảm 30% tiền điện cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong 6 tháng cuối năm 2021. Lý do là các doanh nghiệp chế biến thủy sản đóng vai trò chủ đạo, thúc đẩy và không tách rời với sản xuất của cả chuỗi thuỷ sản bao gồm lực lượng đông đảo nông dân nuôi trồng, ngư dân khai thác biển.

 
Một doanh nghiệp chế biến thủy sản gồm đủ tổ hợp cần điện để thực hiện được nhiệm vụ chế biến, đó là chế biến, cấp đông, kho bảo quản, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn đầu tư cả khâu nuôi trồng để hoàn thiện chuỗi cung ứng.

Việc hỗ trợ giảm tiền điện cho doanh nghiệp từ khâu nuôi trồng, chế biến, cấp đông , bảo quản sẽ có ý nghĩa lớn tác động đến việc phục hồi sản xuất, xuất khẩu thủy sản của cả chuỗi.

VASEP  kiến nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam chi trả lương cho người lao động đang đóng BHXH của các doanh nghiệp khi người lao động phải đi cách ly hoặc dừng sản xuất theo quy định chống dịch trong thời gian thực hiện Chỉ thị số 16.

Các doanh nghiệp cho rằng, trong bối cảnh phải ngừng sản xuất hoặc thu hẹp sản xuất, doanh nghiệp đã phải chịu rất nhiều khó khăn bao gồm cả áp lực lớn về chi phí. Trong đó có chi phí phải trả lương cho người lao động khi đi cách ly hoặc không thể tham gia sản xuất (giảm công suất khi thực hiện “3 tại chỗ”, ngừng sản xuất).

Về phí dịch vụ cảng biển, doanh nghiệp thủy sản kiến nghị, các doanh nghiệp cảng biển giảm ít nhất 50% các phí dịch vụ tại cảng (phí nâng hạ container, phí bốc dỡ, lưu kho, cắm điện,...) từ tháng 8/2021 đến hết tháng 6/2022. Về các chi phí sản xuất, đề nghị giảm ít nhất 50% phí hạ tầng của các khu công nghiệp từ tháng 8/2021 đến hết tháng 6/2022.