09:37 10/07/2008

Các “câu lạc bộ 1 tỷ USD”

Dương Ngọc

Hiện nước ta đã có “câu lạc bộ 1 tỷ USD”. Đó không chỉ là câu lạc bộ các mặt hàng xuất khẩu mà còn có câu lạc bộ khác

7 tỉnh và thành phố đứng đầu về lượng vốn đầu tư FDI đã thu hút 27,537 tỷ USD vốn đăng ký mới.
7 tỉnh và thành phố đứng đầu về lượng vốn đầu tư FDI đã thu hút 27,537 tỷ USD vốn đăng ký mới.
Đến nay nước ta đã có một loại “câu lạc bộ 1 tỷ USD”. Đó không chỉ là câu lạc bộ các mặt hàng xuất khẩu, mà còn có nhiều loại câu lạc bộ khác.

Đó là câu lạc bộ các nước và vùng lãnh thổ có lượng vốn đầu tư trực tiếp trên 1 tỷ USD, câu lạc bộ các địa bàn có vốn đầu tư trực tiếp trên 1 tỷ USD, câu lạc bộ các công ty niêm yết có giá trị vốn hoá đạt trên 1 tỷ USD...

Mới qua 6 tháng, các câu lạc bộ trên đã có những thành viên đáng chú ý. Xin nêu danh sách và có một vài thông tin, bình luận sơ bộ.

Những “quả đấm” xuất khẩu chủ lực

Chỉ với 8 thành viên đã đạt 19,134 tỷ USD, chiếm 64,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. So với cùng kim ngạch xuất khẩu của 8 thành viên này đã tăng 33,3%, cao hơn tốc độ tăng chung (31,8%), với mức tăng 4,952 tỷ USD, bằng 69,1% mức tăng của tổng kim ngạch xuất khẩu (7,165 tỷ USD).

Điều đó chứng tỏ, “câu lạc bộ 1 tỷ USD” đã có vị trí rất quan trọng, những “quả đấm” chủ lực trong làng xuất khẩu Việt Nam.

Dầu thô là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất (chiếm 18,9% tổng kim ngạch xuất khẩu). So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch tăng 49% (hay tăng 1,842 tỷ USD, lớn nhất trong các thành viên). Mặt hàng này có giá tăng rất cao, lên đến 69,5%, đã làm tăng 2,296 tỷ USD.

Rất tiếc là trong khi giá tăng rất cao như trên, thì lượng xuất khẩu mới đạt 6,723 tỷ tấn, giảm 12,1% hay giảm 925 nghìn tấn so với cùng kỳ năm trước. Có tin vui mới là giá dầu thô thế giới đã lên tới trên dưới 145 USD/thùng, đang nhắm tới mốc 150 USD/thùng.

Một tin vui khác là trong thời gian từ nay đến cuối năm sẽ đưa thêm 5 mỏ mới vào khai thác (Sư Tử Vàng, Cá Ngừ Vàng, Phương Đông, Sông Đốc, Bunga Orkid); phấn đấu đạt kế hoạch 2008 và đưa sản lượng lên 17 triệu tấn vào năm 2009.

Dệt may là mặt hàng có kim ngạch lớn thứ hai (chiếm 13,7%). So với năm trước tăng 17,7%, tuy tăng thấp hơn tốc độ chung, nhưng mức tăng tuyệt đối lại đóng góp khá (614 triệu USD, chiếm 8,6% tổng mức tăng).

Trong đó, thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ (2,43 tỷ USD, chiếm 59,6%), tiếp đến là EU (790 triệu USD), Nhật Bản (360 triệu USD)... Để đạt mục tiêu cả năm 9,5 tỷ USD, 6 tháng còn lại phải đạt 5,423 tỷ USD, mỗi tháng phải đạt 904 triệu USD.

Đây là mức cao hơn 6 tháng đầu năm (680 triệu USD), cần phải có quyết tâm cao hơn và tận dụng thời gian tăng cao vào các tháng 9, 10, 11 để xuất khẩu hàng dệt may.

Giày dép là mặt hàng có kim ngạch lớn thứ ba (chiếm 7,7%). So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu giày dép tăng 16,9%, thấp hơn tốc độ chung, nhưng đóng góp 329 triệu USD vào mức tăng chung, (đứng thứ 4 về mức tăng so với cùng kỳ sau dầu thô, gạo, giày dép).

Thuỷ sản là mặt hàng có kim ngạch lớn thứ tư (chiếm 6,4%). So với cùng kỳ năm trước tăng 14%, thấp chưa bằng một nửa tốc độ chung. Nguyên nhân chủ yếu là do gặp khó khăn về vốn đầu tư, vốn mua nguyên liệu chế biến và dịch bệnh làm cho sản lượng tăng không cao; giá xăng dầu đắt, nên việc đánh bắt hải sản gặp khó khăn.

Tuy nhiên, đây là mặt hàng thu hút nhiều lao động, ít phụ thuộc vào nguyên liệu phụ liệu nhập khẩu và do có quy mô khá, nên tuy tốc độ tăng không cao, nhưng kim ngạch tuyệt đối tăng khá (232 triệu USD).

Gạo năm nay vượt lên là mặt hàng có kim ngạch lớn thứ 5 trong câu lạc bộ, tuy chỉ tăng 5,8% về lượng, nhưng do giá tăng khá cao (88,1%), nên đã tăng tới 99% hay tăng 751 triệu USD so với cùng kỳ, mức tăng lớn thứ hai sau dầu thô.

Tới đây, do lúa đông xuân được mùa lớn nhất từ trước tới nay, lại được giá, nông dân phấn khởi mở rộng diện tích lúa hè thu, lúa vụ ba, lúa mùa, nên khả năng lượng gạo xuất khẩu sẽ bằng hoặc cao hơn năm ngoái và với giá tăng cao sẽ lần đầu tiên đạt kim ngạch vượt qua mốc 2,5 tỷ USD.

Rất tiếc rằng lúc giá quốc tế ở mức cao nhất (trên 1.000 USD/tấn) thì giá trong nước cũng vọt lên cao do những tin đồn thất thiệt, buộc phải tạm dừng xuất khẩu để bảo đảm an ninh, lương thực trong nước, nên đã không tận dụng được thời cơ lúc giá cao, nay giá quốc tế thấp xuống trong khi giá mua ở trong nước lại cao lên.

Sản phẩm gỗ đã mấy năm liền đạt quy mô khá, tốc độ tăng cao. Sáu tháng đầu năm nay mặc dù có những thông tin tác động không tốt, nhưng vẫn tăng khá (tăng 20,4% hay tăng 231 triệu USD. Khả năng cả năm sẽ có thể đạt xấp xỉ 3 tỷ USD.

Điện tử, máy tính tăng rất cao (tăng 32,4%, hay tăng 303 triệu USD).

Cà phê tuy bị giảm 31,7% về lượng (tức là giảm 265 nghìn tấn), nhưng do giá tăng tới 40,4%, nên kim ngạch chỉ bị giảm 4,1% (hay giảm 50 triệu USD).

Thêm nhiều địa phương thu hút FDI trên 1 tỷ USD

Tại 7 tỉnh và thành phố đứng đầu về danh sách thu hút vốn đầu tư FDI, lượng vốn đăng ký mới trong 6 tháng đầu năm đã lên đến 27,537 tỷ USD, bằng 89% tổng số vốn đăng ký mới của cả nước.

Tại các địa bàn này cũng có những dự án có quy mô vốn lớn nhất từ trước tới nay.

Một số nơi những năm trước có ít vốn đầu tư nước ngoài, bước vào năm nay đã vượt lên dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, như Hà Tĩnh, Thanh Hoá... hứa hẹn sự khởi sắc của những địa bàn này.

Chỉ với 7 nước và vùng lãnh thổ có vốn đăng ký mới, đã đạt 28,711 tỷ USD, bằng 92,8% tổng số.

Danh sách “câu lạc bộ” các nước và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trên 1 tỷ USD đến 6 tháng này có thêm một nước mới là Canada, đưa tổng số thành viên lên con số 18 và thứ tự cũng có sự thay đổi đáng kể.

Vùng lãnh thổ Đài Loan từ thứ 3 đến cuối năm trước nay lên số 1 với 19,409 tỷ USD. Nhật Bản từ thứ 5 lên thứ 2 với 16,472 tỷ USD. Singapore từ thứ 2 xuống thứ 3 với 16,180 tỷ USD. Hàn Quốc từ thứ 1 xuống thứ 4 với 14,330 tỷ USD.