10:40 27/10/2009

Các nền kinh tế đang nổi hút đầu tư

Quốc Trung

Các quỹ đầu tư chứng khoán ở các nền kinh tế đang nổi trong năm nay đã thu hút được 63,1 tỷ USD

Thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng điểm liên tục từ tháng 3/2009 trở lại đây, trong đó có đóng góp không nhỏ từ luồn vốn giá tiếp - Ảnh: Getty Imges.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng điểm liên tục từ tháng 3/2009 trở lại đây, trong đó có đóng góp không nhỏ từ luồn vốn giá tiếp - Ảnh: Getty Imges.
Công ty EPFR chuyên theo dõi vốn đầu tư tài chính đánh giá tình hình đầu tư tài chính trên thế giới có nhiều chuyển động trái chiều, theo đó luồng vốn đầu tư chứng khoán rút mạnh khỏi các nền kinh tế phát triển và chảy ồ ạt vào các nền kinh tế đang nổi.

Các quỹ đầu tư chứng khoán ở các nền kinh tế đang nổi trong năm nay đã thu hút được 63,1 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay, trong khi các nền kinh tế phát triển phải chứng kiến sự rút lui của 75,6 tỷ USD tiền vốn.

Tiềm năng phục hồi kinh tế

Thu hút vốn vào thị trường chứng khoán của nhóm BRIC, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, trong năm nay đạt 32,3 tỷ USD, tăng gần 10 tỷ USD so với năm 2006. Với 2,44 tỷ USD nhận được trong tháng 9/2009, Trung Quốc, Brazil là ngôi sao sáng nhất về thu hút vốn đầu tư ngắn hạn trong thời gian qua. Là nước sản xuất nông sản lớn nhất thế giới, thị trường chứng khoán Brazil đã được lợi từ triển vọng hồi phục mạnh của nền kinh tế Trung Quốc cũng như kinh tế toàn cầu.

Theo tờ Business Week của Mỹ, nhiều công ty đa quốc gia vẫn tăng cường đầu tư vào Nga. Một số công ty như John Deere (DE), Unilever (UN), Wal-Mark Stores (WMT) và HSBC đều mở rộng đầu tư ở Moscow trong những tháng qua. Đối với các công ty toàn cầu, nước Nga, với nguồn dự trữ dồi dào về dầu lửa, kim loại và gỗ, có một sức hút lớn đối với các công ty đa quốc gia muốn xuất khẩu hàng hóa vào thị trường tiềm năng với 140 triệu người tiêu dùng.

Thu nhập của một hộ gia đình ở Nga cao hơn thu nhập của hộ gia đình ở Brazil 30%, gấp gần 4 lần ở Trung Quốc và 10 lần ở Ấn Độ. Đồng thời, kế hoạch thúc đẩy kinh tế 280 tỷ USD của Chính phủ Nga, được hỗ trợ thêm từ nguồn thu dầu khí, đã thúc đẩy nhu cầu chi tiêu của người dân.

Trong khi đó, với việc dẫn đầu thế giới về đà phục hồi kinh tế, châu Á sẽ thu hút ngày càng nhiều nguồn vốn FDI, đặc biệt ở Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia châu Á đông dân nhất thế giới.

Indonesia cũng được coi là một địa điểm hấp dẫn về thu hút đầu tư nước ngoài vì đây là một thị trường lớn, đầy tiềm năng và chính phủ nỗ lực đẩy mạnh cải cách. Tuy nhiên, thay vì đầu tư vào các ngành kinh doanh mới, các nhà đầu tư nước ngoài tại châu Á có chiều hướng tập trung vốn vào việc sáp nhập và mua lại các công ty.

Nguy cơ bong bóng

Theo Công ty Wall Street Tools LLC tại bang Oregon của Mỹ, các loại chứng khoán tổng hợp IDX của Indonesia, EPU của Peru, GXG của Colombia và GXF của nhóm các nước Bắc Âu đang niêm yết trên thị trường giao dịch chứng khoán Mỹ, là các loại chứng khoán mà các nhà đầu tư Mỹ nên quan tâm.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cảnh báo các nhà đầu tư cần thận trọng trước nguy cơ bong bóng trên các thị trường mới nổi, mặc dù chỉ số chứng khoán hiện nay vẫn thấp hơn nhiều so với thời kỳ trước khi xảy ra khủng khoảng.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo các nền kinh tế mới nổi không nên dự trữ quá nhiều ngoại tệ do ít có bằng chứng cho thấy lượng dự trữ ngoại tệ lớn đã giúp những nền kinh tế đang nổi vượt qua khủng hoảng vốn, một trong những nguyên nhân đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong thời gian qua.

Trung Quốc đang giữ nguồn dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, trị giá hơn 2 nghìn tỷ USD. Nhiều nền kinh tế khác cũng có nguồn dự trữ khổng lồ. Dự trữ ngoại tệ của Brazil là hơn 200 tỷ USD, trong khi dự trữ ngoại tệ của Nga ước tính trên 400 tỷ USD.

Các nhà kinh tế IMF cho biết, mặc dù việc tích lũy ngoại tệ dự trữ đã được dừng lại vào đỉnh điểm cuộc khủng hoảng, nhưng trên thực tế, rất ít nước sử dụng dự trữ ngoại tệ để bảo vệ các đồng tiền hoặc làm dịu bớt tình trạng căng thẳng tài chính. Nhiều thể chế tài chính quốc tế quan ngại rằng sẽ có một đợt tăng dự trữ ngoại tệ mới sau khủng hoảng và cảnh báo rằng điều đó có thể ảnh hưởng xấu đến sự phục hồi kinh tế vốn rất mong manh.