08:27 04/07/2012

Các ngành tiêu thụ dầu mỏ sắp “lâm nạn”?

Hoàng Trọng Bình

Những tin tức từ "chảo lửa" Trung Đông cho thấy Iran sẽ không nhượng bộ trước đòn trừng phạt kinh tế của Mỹ và phương Tây

Trong suốt quý 2 vừa qua, giá dầu thô thế giới đã giảm hơn 20% do các nhà đầu tư quốc tế lo ngại về triển vọng tiêu thụ mặt hàng năng lượng này.
Trong suốt quý 2 vừa qua, giá dầu thô thế giới đã giảm hơn 20% do các nhà đầu tư quốc tế lo ngại về triển vọng tiêu thụ mặt hàng năng lượng này.
Nguy cơ thiếu hụt nguồn cung dầu lửa lại trở nên hiện hữu khi những tin tức nóng hổi mới nhất từ "chảo lửa" Trung Đông cho thấy Iran sẽ quyết tâm không nhượng bộ trước đòn trừng phạt kinh tế của Mỹ và phương Tây. Và trong một thực tế như vậy, giá dầu thế giới có khả năng sẽ lại tăng vọt.

Trong suốt quý 2 vừa qua, giá dầu thô thế giới đã giảm hơn 20% do các nhà đầu tư quốc tế lo ngại về triển vọng tiêu thụ mặt hàng năng lượng này. Tình hình kinh tế giảm sút của Trung Quốc, Mỹ và bão nợ công dai dẳng ở châu Âu đã khiến bức tranh năng lượng thế giới trở nên ảm đạm hơn. Nhiều chuyên gia phân tích dự báo giá dầu có thể phá các đáy mới trong quý 3.

Thêm vào đó, việc Iran chấp thuận ngồi vào bàn đàm phán với Nhóm P5+1 (5 cường quốc thuộc Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và Đức) cùng những tiến triển tích cực sau mỗi vòng thương thảo, cũng góp phần làm suy kiệt những tính toán đẩy giá dầu tăng cao.

Tuy nhiên, chỉ riêng phiên cuối tuần trước, khi Liên minh châu Âu đồng thuận giải cứu ngân hàng, nguy cơ bão nợ công tác động lan tràn ra các thị trường tài chính thế giới được ngăn chặn, dầu thô đã có phiên bứt phá mạnh mẽ hơn 9%. Và trong đêm hôm qua (3/7), đứng trước nguy cơ địa chính trị từ nước Cộng hòa Hồi giáo Iran, giá dầu thô đã tăng mạnh được 4,7%.

Nếu trừ đi mức giảm 1,4% trong phiên giao dịch đầu tuần (2/7) xuất phát từ thực trạng yếu kém của nền kinh tế Mỹ, thì trong vòng 3 phiên liên tiếp vừa qua, giá dầu thô quốc tế đã bật tăng được hơn 12%. Đây là một mức tăng ấn tượng sau nhiều ngày giá dầu liên tiếp đi xuống với biên độ chậm hơn.

Theo giới phân tích, giá dầu thô thế giới hiện đang có khá nhiều trợ lực đáng nể. Trước hết là việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có khả năng sẽ hạ lãi suất cơ bản xuống mức thấp hơn nhằm hỗ trợ thỏa thuận giải cứu ngân hàng khu vực được Liên minh châu Âu nhất trí cuối tuần trước. Hầu hết các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của hãng tin Reuters đều tin ECB sẽ hạ lãi suất trong ngày 5/7.

Song, tỷ lệ phản đối chương trình mua trái phiếu trong nội bộ Ngân hàng Trung ương châu Âu vẫn còn cao. Trước đó, định chế tài chính này đã nới lỏng các quy định thế chấp để các ngân hàng Tây Ban Nha có thể dễ dàng tiếp cận được tới nguồn vốn của ECB.

Sự biến động của lợi suất trái phiếu chính phủ các nước châu Âu cũng có thể sẽ tác động xấu tới thị trường năng lượng. Dự tính, Tây Ban Nha sẽ tổ chức đấu giá số trái phiếu kỳ hạn 3 năm, 4 năm và 10 năm vào ngày 5/7. Đây được xem là phép thử quan trọng khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Tây Ban Nha sắp chạm 7%. Pháp cũng sẽ chào bán từ 7 - 8 tỷ Euro trái phiếu dài hạn vào ngày 5/7.

Sau Quốc khánh Mỹ ngày 4/7, nhà đầu tư sẽ tiếp nhận một loạt số liệu về nền kinh tế đầu tàu, bao gồm số người lần đầu nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp, báo cáo việc làm lĩnh vực tư nhân của ADP và chỉ số lĩnh vực dịch vụ của Mỹ và báo cáo tổng quan về tình hình việc làm cùng tỷ lệ thất nghiệp tháng 6 của bộ lao động nước này.

Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất lúc này là tình hình địa chính trị tại Iran. Hôm qua, Iran và Nhóm P5+1 đã bắt đầu vòng đàm phán hạt nhân mới ở cấp chuyên gia kỹ thuật tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Theo giới phân tích, với những căng thẳng hiện nay, vòng đàm phán này khó mà đạt được tiến triển và nhiều khả năng lại rơi vào bế tắc tương tự như vòng đàm phán tại Moscow (Nga) hồi tháng 6.

Ngay trước thềm vòng đàm phán, nước Cộng hòa Hồi giáo đã lên tiếng cáo buộc các nước lớn đang cố tình làm chậm lại tiến trình đàm phán và cảnh báo, nếu các nước lớn vẫn từ chối quyền hạt nhân của Tehran và không thương lượng ở vị thế ngang hàng, thì đàm phán có thể sẽ tiếp tục bế tắc.

Cùng ngày, Iran đã thử thành công một số tên lửa có khả năng vươn tới Israel nhằm đáp trả các mối đe dọa tấn công quân sự chống nước này. Kênh truyền hình Press TV tiếng Anh của Iran cho biết, tên lửa Shahab 3 có tầm bắn lên tới 1.300 km - có khả năng vươn tới Israel - đã được thử nghiệm cùng với tên lửa Shahab 1, Shahab 2 và một số loại tên lửa khác.

Theo tướng Amir Ali Hajizadeh thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran, cuộc tập trận tên lửa đất đối đất mang tên "Nhà tiên tri vĩ đại 7" kéo dài 3 ngày tại sa mạc Kavir ở miền trung nước này nhằm truyền đi thông điệp rằng, Tehran sẽ đáp trả mạnh mẽ và dứt khoát trước bất kỳ kẻ thù nào. Hãng tin Fars cho biết, hôm nay 4/7, Iran sẽ thử nghiệm máy bay không người lái do nước này chế tạo.

Trước đó một ngày, hôm 2/7, Ủy ban An ninh quốc gia và Chính sách đối ngoại của Iran đã soạn thảo một dự luật kêu gọi đóng cửa eo biển Hormuz. Theo nghị sĩ Quốc hội Iran Ebrahim Agha-Mohammadi, việc đóng cửa eo biển Hormuz là để ngăn các tàu chở dầu vận chuyển dầu thô tới những nước ủng hộ lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu.

Tính đến cuối tuần trước, đã có 100 trong tổng số 290 nghị sĩ ký vào dự luật này. Theo hãng tin Reuters, đây không phải là lần đầu tiên Iran dọa đóng cửa eo biển chiến lược Hormuz, tuyến đường trung chuyển 17 triệu thùng dầu/ngày. Trước đó, năm 2011, Tehran cũng đã dọa đóng eo biển này nếu Mỹ và các nước đồng minh phương Tây siết chặt trừng phạt đối với chương trình hạt nhân của Iran.

Tuy nhiên, lời đe dọa lần này của Iran dường như nghiêm trọng hơn rất nhiều so với lần trước. Lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu nhằm vào ngành dầu mỏ của Iran có hiệu lực từ 1/7, còn lệnh trừng phạt tài chính của Mỹ nhằm vào các quốc gia, tổ chức mua dầu của Iran đã được thực thi từ hôm 28/6. Dự kiến, những đòn tấn công kinh tế này sẽ làm phương hại lớn tới lợi ích của Iran.

Trong một diễn biến khác, báo New York Times số ra ngày 3/7 đưa tin quân đội Mỹ đã củng cố lực lượng ở vùng Vịnh để ngăn chặn ý đồ đóng cửa eo biển Hormuz của Iran và sẵn sàng giáng trả trong trường hợp cần thiết. Hải quân Mỹ đã tăng gấp đôi số tàu phá thủy lôi lên 8 chiếc, triển khai máy bay tàng hình F-22 và máy bay ném bom F-15 cùng tàu ngầm và lực lượng đến các căn cứ trong khu vực.

Một quan chức cao cấp trong quân đội Mỹ lên tiếng về việc này, “thông điệp cho Iran là: Đừng nghĩ đến việc đóng cửa eo Hormuz. Chúng tôi sẽ dọn sạch sẽ thủy lôi. Cũng đừng nghĩ đến việc phái các con thuyền để quấy rối tàu bè hay ngăn cản việc vận chuyển thương mại của chúng tôi. Bởi vì chúng sẽ chỉ được tìm thấy dưới đáy Vịnh”.

Theo giới phân tích, hiện chưa rõ những đòn trả đũa qua lại giữa Mỹ, phương Tây và Iran sẽ tới đâu, nhưng điều chắc chắn là giá dầu thô thế giới sẽ thừa dịp này bật tăng mạnh trở lại. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu kém sắc như hiện nay, việc giá dầu thô vọt cao sẽ là một gánh nặng lớn cho các ngành sản xuất có nhu cầu sử dụng loại năng lượng này.

Michael Lynch, Chủ tịch Hãng nghiên cứu năng lượng và kinh tế chiến lược, cho biết, lo lắng không phải là việc Iran sẽ đánh chìm một con tàu, mà là việc mâu thuẫn kéo dài sẽ khiến các hãng bảo hiểm muốn tránh xa vùng Vịnh, làm đứt gãy các chuyến vận tải dầu mỏ từ khu vực này ra bên ngoài và từ đó phá vỡ nguồn cung dầu của thế giới.