Các nhóm máu đều có thể chuyển thành nhóm máu O?
Các nhà khoa học đã tiến rất gần đến kết quả chuyển đổi các nhóm máu sang nhóm máu O. Nếu thành công, đây sẽ là bước đột phá y học có thể cứu sống hàng ngàn mạng người.

Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học British Columbia (Canada) đã phát hiện ra một loại enzyme trong ruột có thể loại bỏ các loại đường (có vai trò tạo nên kháng nguyên A và B) ra khỏi hồng cầu để trở thành nhóm máu O (nhóm máu không có kháng nguyên), nhờ đó có nhiều khả năng thành công trong việc chuyển các nhóm máu A, B và AB về nhóm phổ thông là O, cho phép tất cả các bệnh nhân có thể được truyền máu một cách an toàn.Con người có bốn nhóm máu chính: A, B, AB và O. Nhóm máu A và B có những kháng nguyên riêng biệt vì vậy chỉ có thể hiến tặng máu cho những ai cùng nhóm máu có kháng nguyên giống nhau. Chẳng hạn, người có nhóm máu A chỉ có thể hiến tặng máu cho những người có cùng nhóm A hay AB. Nếu người có nhóm máu A hiến tặng cho người có nhóm B, thì hệ miễn dịch của người nhận sẽ "tấn công" lại các tế bào mới nhận này. Tuy nhiên, nhóm máu O không có kháng nguyên nào nên người có nhóm máu O có thể hiến tặng máu cho được tất cả mọi người. Vì vậy, nhóm máu này luôn luôn thiếu.


Bước tiếp theo là cần phải thử nghiệm việc chuyển đổi enzyme trong lâm sàng để kiểm tra xem có bất kể tác dụng phụ nào trong quá trình này không. Nếu không có tác dụng phụ, việc truyền máu sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều, nhiều bệnh nhân sẽ được cứu mạng từ phát minh này.Năm 1982, các nhà khoa học đã lần đầu tiên chứng minh được con người có thể chuyển đổi nhóm máu B thành nhóm máu O nhờ sử dụng enzyme từ hạt cà phê xanh. Tuy nhiên, quy trình này đòi hỏi một lượng lớn enzyme khiến cho việc triển khai trên quy mô lớn là rất khó khăn. Và với phương pháp này của Withers và đồng nghiệp thì tốc độ chuyển đổi nhóm máu A, B thành nhóm máu O nhanh hơn các phương pháp trước đó đến 30 lần.Hiện tại, nhóm nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục kiểm tra lại, hoàn thiện hơn phương pháp của mình. Sau đó, họ sẽ tiếp tục cho triển khai thí nghiệm lâm sàng, điều này giúp ngăn chặn những tác dụng phụ không mong muốn trong tiến trình chuyển đổi và tiếp nhận máu.
Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn khẳng định, máu tốt nhất cho người bệnh vẫn là từ những người hiến máu tình nguyện, thường xuyên cho người bệnh. Theo Tổ chức Chữ Thập Đỏ, tại Mỹ cứ 2 giây lại có 1 người cần truyền máu. Vì thế mà các tổ chức về sức khỏe vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiến máu.
