22:37 18/03/2024

Các nước châu Âu thiếu 61 tỷ USD ngân sách quốc phòng NATO mỗi năm

An Huy

Các nước châu Âu là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cần chi thêm 56 tỷ euro, tương đương gần 61 tỷ USD, mỗi năm để đáp ứng mục tiêu ngân sách quốc phòng của liên minh này...

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg - Ảnh: Bloomberg.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg - Ảnh: Bloomberg.

Tuy nhiên, sự thiếu hụt ngân sách phòng thủ NATO của các quốc gia châu Âu đã giảm một nửa trong vòng 1 thập kỷ trở lại đây - theo một nghiên cứu mà Viện Ifo của Đức thực hiện cho tờ báo Financial Times.

Nghiên cứu trên cho thấy nhiều trong số các quốc gia EU có mức độ thiếu hụt lớn nhất về ngân sách quốc phòng của NATO - như Italy, Tây Ban Nha và Bỉ - cũng chính là những nước có mức nợ công và thâm hụt ngân sách cao nhất ở châu Âu. Mục tiêu mà NATO đề ra là mỗi nước thành viên phải chi 2% tổng sản phẩm trong nước (GDP) hàng năm cho quốc phòng.

2/3 NGÂN SÁCH NATO LÀ TIỀN CỦA MỸ

Việc thúc đẩy NATO - liên minh với 32 thành viên do Mỹ đứng đầu - tăng cường chi tiêu quốc phòng nhằm ứng phó với cuộc chiến tranh Nga-Ukraine đang gây áp lực lên ngân sách của các quốc gia châu Âu vào đúng thời điểm khu vực này đương đầu với tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp và nhiều nước đang thắt chặt chi tiêu. Các nhà kinh tế cho rằng tình trạng này sẽ khiến những nước tụt hậu về chi tiêu quốc phòng càng khó thu hẹp khoảng cách hơn.

Theo Ifo, xét về giá trị tuyệt đối, Đức là nước EU có sự thiếu hụt lớn nhất về ngân sách quốc phòng trong NATO. Năm ngoái, quốc gia này đã chi ít hơn 14 tỷ euro so với mức cần thiết để đáp ứng mục tiêu. Dù vậy, Berlin đã giảm một nửa sự thiếu hụt trong thập kỷ qua nếu tính theo lạm phát, đồng thời có kế hoạch lấp đầy hoàn toàn chỗ trống này trong năm nay.

Các quốc gia EU có mức độ thiếu hụt lớn tiếp theo xét về giá trị tuyệt đối là Tây Ban Nha - thiếu 11 tỷ euro, Italy - thiếu 10,8 tỷ euro, và Bỉ - thiếu 4,6 tỷ euro. Ba nước này nằm trong số 6 nước EU có mức nợ công trên 100% GDP vào năm ngoái. Italy đồng thời cũng là một trong những nước có mức thâm hụt ngân sách cao nhất trong khối ở mức 7,2% GDP và chi phí lãi vay của nước này có thể sẽ tăng trên mức 9% thu ngân sách trong năm nay.

Nhà kinh tế Marcel Schlepper của Ifo nhận định: “Các quốc gia có mức nợ cao và chi phí lãi vay cao không có nhiều dư địa để vay nợ thêm. Vì vậy, cách thực sự duy nhất để tăng chi tiêu quốc phòng là cắt giảm chi tiêu ở các lĩnh vực khác. Điều này không hề dễ dàng, chẳng hạn khi Đức cố gắng cắt giảm trợ cấp cho dầu diesel nông nghiệp, nông dân nước này đã biểu tình phản đối”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller mới đây thừa nhận đã có “sự cải thiện” trong nỗ lực của EU nhằm đưa tất cả các thành viên NATO đạt ngưỡng chi 2% GDP cho quốc phòng - điều mà Washington đã muốn châu Âu làm từ lâu.

Đây là một vấn đề mà cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần mang ra để chỉ trích các đối tác châu Âu trong nhiệm kỳ cầm quyền trước đây của ông. Trong chiến dịch tái tranh cử năm nay, ông Trump cũng đã đề cập đến chuyện ngân sách NATO, khiến các nước châu Âu trong khối lo ngại về tương lai của liên minh nếu ông trúng cử thêm một nhiệm kỳ nữa. Hồi tháng 2, ông Trump nói Nga có thể làm “bất kỳ điều gì họ muốn” đối với những nước NATO không chi đủ cho quốc phòng.

Năm ngoái, 2/3 trong tổng số 1,2 nghìn tỷ euro chi tiêu quốc phòng của NATO là tiền của Mỹ. Mức chi này của Mỹ nhiều hơn gấp đôi con số 361 tỷ euro mà các thành viên EU, Anh và Na Uy cộng lại.

Các quy tắc tài khoá mới của EU áp dụng từ năm tới sẽ dẫn đến việc cắt giảm ngân sách nhiều hơn, khi các quốc gia thành viên trong khối tìm cách tuân thủ giới hạn 3% GDP đối với thâm hụt ngân sách hàng năm và giới hạn 60% GDP đối với nợ công. Hơn 10 quốc gia trong khối được dự báo ​​sẽ vi phạm giới hạn thâm hụt ngân sách hàng năm, và điều này có thể sẽ dẫn đến các biện pháp trừng phạt của Ủy ban châu Âu (EC).

Tuy nhiên, trong các cuộc đàm phán kết thúc vào năm ngoái, Ba Lan, các nước vùng Baltic và Italy đã vận động thành công để chi tiêu quốc phòng được “nương tay” hơn khi áp dụng các quy định mới. Vì vậy, EC sẽ coi chi tiêu quân sự là một yếu tố giảm nhẹ khi đánh giá để xử lý các quốc gia vi phạm giới hạn thâm hụt ngân sách hàng năm.

CHÂU ÂU TĂNG NGÂN SÁCH QUỐC PHÒNG “QUÁ CHẬM VÀ QUÁ MUỘN”

Một ví dụ là Ba Lan - quốc gia vào năm 2024 dự kiến ​​chi hơn 4% GDP cho quốc phòng, mức cao nhất trong số các thành viên NATO - và do đó vi phạm giới hạn tài khoá của EU. Tuy nhiên, sự vi phạm này là vì lý do quốc phòng, nên EC sẽ “nhân từ” hơn khi đánh giá về thâm hụt ngân sách của Ba Lan.

Phát biểu trước báo giới cách đây ít hôm, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng 2/3 số thành viên sẽ đạt mục tiêu ngân sách quốc phòng trong năm nay, tăng so với con số chỉ 3 nước thành viên đạt được mức này vào năm 2014 - năm mà cam kết chi 2% GDP quốc phòng được NATO thống nhất sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea.

Theo Pantheon Macro Economics, các quốc gia thuộc khu vực eurozone đang trên đà tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng từ 150 tỷ euro vào năm 2021 lên 320 tỷ euro vào năm 2026. Việc tăng chi tiêu quốc phòng như vậy được ước tính sẽ thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế  hàng năm vốn đang chậm chạp của khu vực tăng thêm từ 0,2-0,3 điểm phần trăm. Tuần vừa rồi, Na Uy trở thành thành viên NATO châu Âu mới nhất cho biết họ sẽ đáp ứng mục tiêu 2% vào năm 2024, sớm hơn một năm so với kế hoạch.

Ông Lorenzo Codogno, một cựu quan chức Bộ Tài chính Italy và hiện là một chuyên gia tư vấn kinh tế, cho biết sẽ “khó” để Italy - quốc gia có nợ trên 140% GDP vào năm ngoái - đạt được mục tiêu của NATO “nếu không có sự miễn trừ đặc biệt về quy định hoặc không có tiền hỗ trợ của EU”.

“Mối đe dọa từ Nga không được coi là đủ nguy hiểm để biện minh cho việc cắt giảm chi tiêu phúc lợi để tăng chi tiêu quốc phòng”, ông Codogno nói.

Các cuộc thăm dò của NATO cho thấy sự ủng hộ của công chúng đối với việc tăng chi tiêu quốc phòng ở một số quốc gia có mức thâm hụt ngân sách lớn nhất là rất thấp. Chỉ 28% người Italy được khảo sát cho rằng nước họ nên tăng chi tiêu quân sự, trong khi 62% muốn chi tiêu ở mức hiện có hoặc ít hơn.

Theo số liệu mới công bố tuần vừa rồi, mặc dù là nơi đặt trụ sở của NATO nhưng Bỉ có chi tiêu quốc phòng chỉ chiếm 1,21% GDP vào năm ngoái - một trong những mức thấp nhất trong liên minh. Chi tiêu quốc phòng của Tây Ban Nha không cao hơn nhiều, chỉ ở mức 1,24%, và con số của Italy là 1,47%.

Nếu không tính 7 quốc gia châu Âu cho biết có ý định đạt mục tiêu ngân sách quốc phòng tương đương 2% GDP của NATO trong năm nay, bao gồm cả thành viên mới Thụy Điển, Ifo nhận thấy mức thiếu hụt của châu Âu vẫn sẽ là 35 tỷ euro.

“Chúng ta đang đi đúng hướng, nhưng quá chậm và quá muộn”, Ngoại trưởng Ba Lan Radosław Sikorski nói hôm thứ Sáu, đồng thời chỉ ra rằng chi tiêu quốc phòng của Nga dự kiến ​​đạt 7% GDP trong năm nay. “Nền kinh tế Nga đang vận hành theo chế độ chiến tranh. Các nền kinh tế châu Âu ít nhất cần phải chuyển sang chế độ khủng hoảng”, ông nói.