23:10 25/02/2024

Sau 200 năm trung lập, Thuỵ Điển cuối cùng đã gia nhập NATO

An Huy

Việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO chỉ trong vòng 1 năm qua là một trong những hệ quả địa chính trị lớn nhất từ ​​cuộc chiến Nga-Ukraine...

Thủ tướng Hungary Viktor Orban (trái) và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tại Budapest hôm 23/2 - Ảnh: Reuters.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban (trái) và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tại Budapest hôm 23/2 - Ảnh: Reuters.

Thụy Điển đã vượt qua trở ngại cuối cùng trên hành trình đi tới địa vị thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong bối cảnh cuộc chiến tranh Nga-Ukraine vẽ lại bản đồ địa chính trị châu Âu và thế giới.

Ngày 26/2, Quốc hội Hungary đã bỏ phiếu thông qua đơn xin gia nhập NATO của Stockholm. Động thái này mở rộng cánh cửa đón Thuỵ Điển trở thành cái tên thứ 32 trong danh sách thành viên của liên minh quân sự. Theo dự kiến, việc Thuỵ Điển gia nhập NATO có thể được chính thức phê chuẩn vào ngày thứ Sáu tuần này.

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tuyên bố tại một cuộc họp báo: “Hôm nay là một ngày lịch sử”, đồng thời lưu ý rằng  đến hiện tại, tất cả nghị viện các nước thành viên NATO đều đã bỏ phiếu ủng hộ việc Thuỵ Điển gia nhập liên minh.  “Thụy Điển sẵn sàng gánh vác trách nhiệm của mình đối với an ninh châu Âu-Đại Tây Dương”, ông Kristersson nói, đồng thời nhấn mạnh rằng việc tham gia NATO đồng nghĩa nước này “bỏ lại phía sau 200 năm trung lập và phi liên kết quân sự”.

Việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO chỉ trong vòng 1 năm qua là một trong những hệ quả địa chính trị lớn nhất từ ​​cuộc chiến Nga-Ukraine. “Tư cách thành viên của Thụy Điển sẽ giúp tất cả chúng ta mạnh mẽ và an toàn hơn” - Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói về việc quốc gia vùng Scandinavia này lựa chọn chấm dứt hai thế kỷ trung lập để tìm đến cam kết phòng thủ tập thể của khối liên kết quân sự giữa hai bờ Đại Tây Dương.

Sự gia nhập của hai quốc gia Bắc Âu này mang lại cho NATO quyền kiểm soát gần như toàn bộ Biển Baltic ngoại trừ vùng Kaliningrad của Nga. Đảo Gotland của Thụy Điển là một trong những vị trí quan trọng nhất trong khu vực và là trung tâm cho mọi hoạt động phòng thủ của 3 quốc gia vùng Baltic trước bất kỳ cuộc tấn công nào có thể đến từ phía Nga.

Hai thành viên mới vào NATO cũng làm thay đổi sườn phía Đông của NATO bằng cách tăng gấp đôi biên giới của liên minh với Nga, do biên giới phía Đông dài 1.340 km của Phần Lan.

Thuỵ Điển và các nước châu Âu khác đã tăng cường cảnh báo về khả năng Nga thực hiện các cuộc tấn công vào các quốc gia khác ngoài Ukraine và thách thức điều khoản phòng thủ chung của NATO. Tháng 1 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Phòng thủ dân sự Thuỵ Điển Carl-Oskar Bohlin nói rằng “chiến tranh có thể xảy ra ở Thuỵ Điển”.

Hungary là rào cản cuối cùng trong nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển sau khi Stockholm vượt qua sự phản đối lâu dài từ phía Thổ Nhĩ Kỳ. Giới chức Thụy Điển đã ngày càng thất vọng với cả hai nước này vì đã ngăn cản quá trình gia nhập NATO của Stockholm. Nếu không có sự cản trở của Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ, Thuỵ Điển đã trở thành quốc gia vào NATO nhanh nhất từ trước đến nay.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ phản đối Thuỵ Điển gia nhập NATO tập trung vào sự ủng hộ trong lịch sử của Thụy Điển đối với người dân tộc Kurd, trong đó Ankara yêu cầu nước này có hành động cứng rắn hơn đối với các nhóm ly khai. Cuối cùng, Ankara đã chấp thuận cho Thuỵ Điển gia nhập NATO vào tháng trước, và chỉ vài ngày sau đó Mỹ đồng ý bán loạt máy bay chiến đấu F-16 trị giá 23 tỷ USD cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, sự phản đối của Hungary khiến Thụy Điển ngạc nhiên hơn vì các bộ trưởng ở Budapest đã nhiều lần đảm bảo với những người đồng cấp ở Stockholm rằng Hungary sẽ không phải là thành viên NATO cuối cùng phê chuẩn việc Thuỵ Điển gia nhập khối. Lý do khiến Hungary phản đối Thuỵ Điển vào NATO là cáo buộc Thụy Điển không tôn trọng các tiêu chuẩn dân chủ của nước này.

“Chúng ta ủng hộ Thuỵ Điển gia nhập NATO”, Thủ tướng Hungary Viktor Orban nói với Quốc hội ở Budapest trước cuộc bỏ phiếu. “Các thành viên NATO bảo vệ lẫn nhau trong trường hợp bị tấn công từ bên ngoài. Không có cam kết nào lớn hơn cam kết này, nên điều quan trọng là trước hết chúng ta cần giải quyết các bất đồng”.

Mặc dù ông Orban thừa nhận vẫn còn những khác biệt, Hungary đã nhượng bộ trước sức ép lớn từ Mỹ, NATO và các đồng minh khác. Trong một sự ám chỉ đến áp lực này, ông Orban nói với Quốc hội về “sự can thiệp từ bên ngoài… gây cản trở cho giải pháp của vấn đề”.

Hôm thứ Sáu, ông Orban đã có một cuộc gặp với ông Kristersson tại Budapest về vấn đề phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Thuỵ Điển. Tại cuộc gặp, phía Hungary nhất trí mua 4 chiến đấu cơ Saab Gripen mới từ Thuỵ Điển, nâng số máy bay chiến đấu loại này trong phi đội của Hungary lên 18 chiếc.

“Hợp tác quân sự Thuỵ Điển-Hungary và việc Thuỵ Điển gia nhập NATO giúp tăng cường an ninh của Hungary. Bởi vậy, tôi đề nghị các nghị sỹ Hungary phê chuẩn để Thuỵ Điển vào NATO”, ông Orban nói.