07:50 25/01/2024

Các tỉnh Bắc Trung Bộ chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại

Nguyễn Thuấn

Những ngày qua đợt rét đậm, rét hại tràn về các tỉnh Bắc Trung Bộ đã ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Vì vậy, các tỉnh đã chủ động triển khai nhiều biện pháp ứng phó...

Khu vực miền núi các tỉnh Bắc Trung Bộ do nhiệt độ xuống thấp, người dân 'mặc áo', đốt lửa sưởi ấm cho gia súc
Khu vực miền núi các tỉnh Bắc Trung Bộ do nhiệt độ xuống thấp, người dân 'mặc áo', đốt lửa sưởi ấm cho gia súc

Tại tỉnh Thanh Hóa, khu vực biên giới như Mường Lát, Lang Chánh, Quan Sơn, Thường Xuân… thời tiết chuyển rét đậm, có nơi nhiệt độ xuống 4 độ C. Nhiệt độ thấp, rừng núi, nhiều nơi sương mù dày, khiến cho việc đi lại, sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Để đảm bảo sức khỏe cho các em học sinh trên địa bàn, một số trường, cơ sở giáo dục đào tạo đã cho học sinh nghỉ học do nhiệt độ xuống thấp.

Để kịp thời ứng phó với các tình huống diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai, nhất là rét đậm, rét hại, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành công điện khẩn chỉ đạo nhiều biện pháp ứng phó với tình hình thời tiết bất thường.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Giám đốc các sở, Trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cấp bách phòng, chống rét đậm, rét hại cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương chỉ đạo, tập trung nguồn lực thực hiện các biện pháp phòng, chống, rét đậm, rét hại cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản đặc biệt là đàn gia súc, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là và bị động trong việc phòng, chống rét đậm, rét hại cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản trên địa bàn quản lý. Thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, thiên tai trên địa bàn để thông tin kịp thời cho người dân biết, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản.

UBND các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền, hướng dẫn người dân vào những ngày giá rét không chăn thả và không bắt gia súc làm việc, đặc biệt những ngày nhiệt độ dưới 12 độ C cần thực hiện nghiêm việc nuôi nhốt gia súc tại chuồng; áp dụng chế độ chăn thả muộn, về sớm; hướng dẫn các hộ chăn nuôi dự trữ thức ăn cho vật nuôi, tăng cường chế độ chăm sóc để nâng cao sức đề kháng phòng chống dịch bệnh và tăng sức chống chịu với giá rét; giữ khô nền chuồng, che chắn tránh gió lùa, làm áo khoác giữ kín, giữ ấm, tạo nguồn nhiệt (đốt trấu, củi…) sưởi ấm cho gia súc. Đồng thời thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm theo quy định.

Tại tỉnh Nghệ An, những ngày qua, do không khí lạnh mạnh liên tục tăng cường và bổ sung khiến nền nhiệt độ tại địa bàn vùng núi cao phía Tây, có nơi, có thời điểm xuống dưới 5 độ C, trong khi địa phương có tổng đàn gia súc lớn nhất nhì cả nước, chăn nuôi chủ yếu dựa vào đồng cỏ tự nhiên, rừng núi. Giá rét khiến phần lớn các hộ chăn nuôi gặp khó khăn.

Trước việc dự báo thời tiết có diễn biến phức tạp, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã có công văn về việc chỉ đạo phòng chống rét đậm, rét hại cho học sinh. Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo. Trong đó, chú trọng việc thường xuyên nhắc nhở cha mẹ mặc đủ ấm cho trẻ mầm non, học sinh mặc đủ ấm cho bản thân. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến học sinh ở trường nội trú, bán trú từ việc đảm bảo thực phẩm sạch, an toàn, phù hợp với điều kiện thời tiết rét, lạnh.

Tại Hà Tĩnh, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản xuất vụ Xuân 2024 đến ngày 22/1/2024, tổng diện tích gieo, cấy lúa toàn tỉnh đạt 56,6% kế hoạch.

Để bảo vệ an toàn sản xuất, tập trung chăm sóc cây trồng, vật nuôi, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các cơ quan đơn vị chủ động theo dõi sát tình hình giá rét có phương án phòng chống kịp thời, hiệu quả. Đối với diện tích lúa đã gieo cấy, các địa phương, ngành chức năng cần thường xuyên kiểm tra, đánh giá, có biện pháp phòng, chống rét cho lúa kịp thời; số diện tích chưa bắc mạ, gieo thẳng tăng cường kiểm tra, giám sát và chỉ đạo chặt chẽ thời điểm ngâm ủ, né tránh thời điểm xuống giống gặp rét.

Các địa phương, ngành chức năng theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, tránh tình trạng để nông dân xuống giống vào thời gian thời tiết rét đậm, rét hại; chủ động và sẵn sàng các phương án phòng, chống rét kịp thời; chuẩn bị đủ mạ và nguồn giống lúa dự phòng đảm bảo chất lượng để chủ động khắc phục khi cần thiết, đảm bảo kế hoạch.

Tại tỉnh Quảng Bình, để chủ động ứng phó với không khí lạnh mạnh và thời tiết nguy hiểm trên biển, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh này yêu cầu các sở, ngành liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thông báo cho thuyền trưởng, chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết, chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người, tài sản; khuyến cáo tàu thuyền nhỏ, bơ nan không nên ra khơi trong thời gian biển động mạnh, gió lớn; duy trì thông tin liên lạc thường xuyên với chủ phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền...

Đồng thời, các đơn vị, địa phương theo dõi sát diễn biến thời tiết, thông tin kịp thời đến người dân; chủ động triển khai biện pháp đảm bảo an toàn cho người, nhất là người già, trẻ nhỏ, học sinh. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân che chắn chuồng trại, thực hiện biện pháp giữ ấm, chủ động dự trữ thức ăn đảm bảo phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi. Triển khai biện pháp bảo đảm an toàn cho sản xuất lúa, rau màu, cây trồng khác, chủ động tiêu thoát nước cho từng diện tích mới gieo trồng; chủ động tổ chức đoàn công tác chuyên môn xuống cơ sở để kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn người dân biện pháp phòng tránh rét phù hợp, hiệu quả.