10:40 10/12/2008

Cách tiêu tiền mới của người giàu ở Mỹ

Kiều Oanh

Việc chi tiêu xa xỉ để thể hiện đẳng cấp ở Mỹ vào thời điểm kinh tế suy thoái hiện nay đang được xem là một nỗi hổ thẹn

Việc những người giàu ở Mỹ đang tìm cách cắt giảm hoạt động mua sắm xa xỉ và thực tế này đúng là một "cơn ác mộng" đôi với thị trường hàng hiệu toàn cầu, với doanh thu hàng năm lên tới 175 tỷ USD.
Việc những người giàu ở Mỹ đang tìm cách cắt giảm hoạt động mua sắm xa xỉ và thực tế này đúng là một "cơn ác mộng" đôi với thị trường hàng hiệu toàn cầu, với doanh thu hàng năm lên tới 175 tỷ USD.
Triệu phú viễn thông 45 tuổi người Mỹ Michael Hirtenstein có sở thích là sưu tập những ngôi nhà sang trọng. Hiện ông có trong tay 8 ngôi nhà, trong đó có căn hộ 27 triệu USD trên tầng 76 của tòa nhà Time Warner trên phố Manhattan ở New York.

Tháng 8 năm ngoái, ông khoe với báo giới dự định mua thêm một căn hộ 35 triệu USD ở tòa nhà Tribeca cũng trên con phố này. Nhưng sau đó, sự xuống dốc của kinh tế đã khiến kế hoạch này của ông tiêu tan.

Đương nhiên, triệu phú này vẫn giàu, nhưng trong tình hình hiện nay, ông phải có cách chi tiêu khác đi. “Tôi có thể mua ngay một chiếc Ferrari, nhưng tất cả bạn bè của tôi đều đang khó khăn. Tôi không muốn mua sắm tùy tiện”, triệu phú Hirtenstein nói.

Thời gian này, tầng lớp những người giàu có ở Mỹ như triệu phú Hirtenstein đang mang một cảm giác kỳ lạ: “nỗi hổ thẹn về sự sang trọng”. Nhà thiết kế thời trang lừng danh Coco Chanel từng cho rằng, sự sang trọng là “mặt đối lập của những gì khiếm nhã”, chứ không phải là mặt đối lập của sự nghèo khó. Nhưng trong thời kỳ khó khăn kinh tế hiện nay, việc phô trương lối sống xa hoa dường như đang được xem là khiếm nhã.

Bởi thế, việc những người giàu ở Mỹ đang tìm cách cắt giảm hoạt động mua sắm xa xỉ và thực tế này đúng là một "cơn ác mộng" đôi với thị trường hàng hiệu toàn cầu, với doanh thu hàng năm lên tới 175 tỷ USD.

Ngay trong mùa Giáng sinh này, “nỗi hổ thẹn về sự sang trọng” đang khiến doanh số của các hãng bán lẻ hàng cao cấp như Neiman Marcus và Saks Fifth Avenue, cũng như các hãng xe hạng sang Bentley và BMW, hay nhà bán đấu giá Sotheby’s sụt mạnh.

Theo dự báo của công ty nghiên cứu thị trường Bain & Company, nhu cầu các loại đồ hiệu cao cấp của thế giới sẽ sụt giảm tới 7% trong năm 2009 này, đánh dấu năm đầu tiên đi xuống kể từ khi công ty này bắt đầu nghiên cứu thị trường hàng cao cấp vào đầu những năm 1990.

Cùng với đó, các tờ báo và kênh truyền hình tập trung vào đối tượng người đọc, người xem là những người giàu có cũng “gặp hạn”. Doanh số quảng cáo trên các tạp chí thời trang cao cấp lớn đã sụt giảm 22% từ năm 2007 tới nay. Nhiều tạp chí trong số này như Vanity Fair, W, và Vogue, đã phải cắt giảm số lượng phát hành.

Sau vụ phá sản với khoản nợ 600 tỷ USD mới đây của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers, CEO Richard Fuld của tập đoàn này đã bị dư luận lên án mạnh mẽ về số lương thưởng lên tới 500 triệu USD trong thời gian làm tại tập đoàn và lối sống như một ông hoàng của ông. Được biết, ông Fuld có một ngôi nhà trị giá 21 triệu USD ở Đại lộ Park, một điền trang 25 triệu USD ở bang Connecticut, và một bộ sưu tập nghệ thuật trị giá khoảng 200 triệu USD.

Không lâu sau khi những thông tin được cho là đáng hổ thẹn này về ông Fuld bị tiết lộ, hãng bảo hiểm khổng lồ AIG vẫn chi tới 440.000 USD để tổ chức một kỳ nghỉ cho các quan chức cao cấp của tập đoàn này tại khu nghỉ dưỡng sang trọng mang tên St. Regis. Kỳ nghỉ này thậm chí được tổ chức sau khi Chính phủ Mỹ phải chi 150 tỷ USD tiền thuế của dân để cứu AIG.

Vào tháng 10 vừa qua, Tổng chưởng lý bang New York là Andrew Cuomo đã lên tiếng bày tỏ sự lo ngại về việc chi tiêu lãng phí của AIG, sau khi có thông tin về kỳ nghỉ trên. Sau đó, AIG đã ngay lập tức huỷ bỏ 160 sự kiện dự kiến tổ chức, với chi phí có thể lên tới 8 triệu USD.

Hiện nay, trên khắp Phố Wall, những người giàu  có đã mang một quan điểm hoàn toàn mới về cách chi tiêu. Tháng trước, tỷ phú Steve Schwarzman, CEO của quỹ đầu tư cổ phần tư nhân Blackstone lên tiếng bày tỏ sự hối tiếc khi đã chi tới 3 triệu USD cho sinh nhật lần thứ 60 vào tháng 2/2007. Tháng 6 năm ngoái, cổ phần của ông tại Blackstone có trị giá 8 tỷ USD, nhưng hiện chỉ còn 2- 3 tỷ USD do sự sụt giá mạnh của cổ phiếu.

CEO Edward Liddy của AIG cũng chấp nhận mức lương 1 USD/năm trong 2 năm 2008 - 2009 và không nhận một đồng tiền thưởng nào. Nhiều lãnh đạo Phố Wall khác cũng phải chấp nhận không có tiền thưởng và giảm mạnh lương trong năm nay. Bởi vậy, việc họ không còn chi tiêu mạnh tay như trước đây có lẽ cũng là điều dễ hiểu.

Có nguồn tin cho hay, tại hãng phim Disney, các nhà làm phim đang điều chỉnh lại nội dung phần kết thúc của bộ phim “Confessions of a Shopaholic” (tạm dịch: “Lời thú tội của một cô nàng thích mua sắm”) để phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay. Bộ phim này là câu chuyện về một phụ nữ trẻ tuổi bị ám ảnh bởi các loại đồ hiệu và được dự kiến sẽ ra mắt vào ngày Valentine (14/2) năm tới.

Phu nhân của Tổng thống đắc cử Mỹ Barack Obama trong một chương trình truyền hình mới đây đã mặc một bộ váy trị giá 400 USD mua từ hãng bán đồ may sẵn J. Crew thay vì một chiếc váy nhà thiết kế đắt tiền.

Với tình hình này, các hãng sản xuất và kinh doanh đồ hiệu chỉ còn nước trông chờ vào những khách hàng siêu giàu hoặc những người không thể từ bỏ thói quen chi tiêu mạnh tay.

Bên cạnh đó, các hãng cũng đẩy mạnh chiến lược giảm giá để giữ chân khách hàng. Tại một cửa hiệu của hãng Rolex ở New York, nếu không có nhu cầu mua một chiếc đồng hồ mẫu mã mới ra, khách có thể được giảm giá tới 40%.

Còn ở một cửa hiệu đồ nam Bergdorf Goodman, mức giảm giá cũng lên tới 40% cho mọi mặt hàng. Một chiếc áo len xám hiệu Brunello Cucinelli ở đây bình thường có giá 1.075 USD, hiện chỉ được bán với giá 649 USD.