11:25 26/03/2009

Cải cách thủ tục hành chính: "Đột phá" với Đề án 30

Xuân Thái

Thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực hiện vẫn là rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân

Ông Nguyễn Xuân Phúc.
Ông Nguyễn Xuân Phúc.
Thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực hiện vẫn là rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.

Nhằm tạo bước đột phá trong cải cách hành chính, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định triển khai đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007 - 2010, gọi tắt là Đề án 30.

Xung quanh đề án này, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Phúc - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nói:

- Việc thực hiện thành công đề án này sẽ có ý nghĩa chính trị và kinh tế to lớn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện quan hệ giữa các cơ quan hành chính nhà nước với người dân, doanh nghiệp, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong giải quyết công việc của nhân dân, góp phần phòng, chống tham nhũng hiệu quả.

Rút kinh nghiệm những hạn chế của công tác cải cách hành chính những năm vừa qua, Đề án 30 đã đặt ra những mục tiêu, kết quả rõ ràng, bước đi cụ thể, với sự phân công rất rõ về vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan trong việc triển khai.
 
Mục tiêu cuối cùng của đề án là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Xin Bộ trưởng có thể nói rõ hơn vấn đề này?

Đề án đặt mục tiêu đơn giản hóa các thủ tục hành chính phát sinh trong quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với người dân và doanh nghiệp.

Trong thời hạn 3 năm, đề án sẽ tiến hành thống kê, rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp tại tất cả các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương.

Các thủ tục hành chính này sẽ được đơn giản hóa theo 3 tiêu chí lớn là tính hợp pháp, sự cần thiết và tính hợp lý của thủ tục hành chính.

Kết quả cuối cùng của đề án là tạo lập cơ sở dữ liệu quốc gia về tất cả các thủ tục hành chính đang được thực hiện tại mọi cấp chính quyền liên quan đến người dân, doanh nghiệp và đươc công bố công khai trên mạng Internet để phục vụ nhân dân.

Đây sẽ là một cơ sở dữ liệu đầy đủ đầu tiên tại Việt Nam về thủ tục hành chính. Cũng xin nói thêm là hiện nay, theo thống kê có đến 6.500 thủ tục hành chính cần được rà soát.

Nhiều hoạt động cải cách thể chế trước đây thường được thực hiện một cách đơn lẻ, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ, mất nhiều thời gian mà hiệu quả không cao; Đề án 30 lần này chọn phương pháp tiếp cận như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Về mặt phương pháp luận, Đề án 30 chọn cách tiếp cận tổng thể, từ trên xuống nhằm xem xét toàn bộ hệ thống thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền cùng với các văn bản quy định thủ tục hành chính, cũng như các quy định có liên quan đến thủ tục hành chính.

Một điểm khác nữa so với cách làm trước đây là huy động sự tham gia của các khu vực ngoài nhà nước vào thực hiện đề án.

Theo đó, sẽ thành lập một hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính, bao gồm đại diện là các hiệp hội trong và ngoài nước, các viện nghiên cứu, đóng vai trò đại diện cho tiếng nói của người dân và doanh nghiệp trong quá trình cải cách.

Vậy đâu là những nhân tố sẽ bảo đảm sự thành công của đề án, thưa Bộ trưởng?

Con người là nhân tố quyết định. Trong thời gian 3 năm của đề án, cần có một bộ máy chuyên nghiệp đảm nhận công việc triển khai các hoạt động cụ thể.

Hiện nay, chúng tôi đã thành lập một tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, tập hợp 20 thành viên là những cán bộ có năng lực trong các lĩnh vực kinh tế và pháp lý làm chuyên trách.

Đồng thời, tại 21 bộ, cơ quan ngang bộ và 63 tỉnh thành cả nước, đã thành lập 87 tổ công tác thực hiện Đề án 31 để điều phối, tổ chức hoạt động cải cái cách thủ tục hành chính tại các bộ, địa phương.

Một nhân tố khác nữa, đó là việc áp dụng thống nhất một hệ thống tiêu chuẩn trong quá trình thực hiện đối với mọi công việc và các bên liên quan. Hiện nay, chúng tôi đã xây dựng các tiêu chí, các biểu mẫu chuẩn để áp dụng chung trong việc thống kê, rà soát các thủ tục hành chính.

Như vậy, không chỉ 87 tổ công tác vào cuộc, mà trên 10.000 đơn vị cấp xã, gần 700 cấp huyện, trên 1.300 đơn vị cấp sở ngành tỉnh thành, 300 đơn vị cấp vụ, cục, cùng đồng loạt vào cuộc.

Có thể nói, thực hiện Đề án 30 không chỉ toàn bộ hệ thống hành chính từ trung ương đến địa phương mà còn đòi hỏi sự tham gia tích cực của toàn xã hội, mà cốt lõi là người dân.

Tính đến thời điểm hiện tại, Đề án 30 đã thực hiện và gặt hái được những kết quả ban đầu như thế nào?

Ngoài 87 tổ công tác chuyên trách đã thành lập xong, và đã xây dựng được bộ tiêu chuẩn thống nhất phục vụ cho các tổ công tác, chúng tôi đã đưa vào vận hành hệ thống máy chủ và phần mềm phục vụ công tác thống kê thủ tục hành chính, một công cụ hữu hiệu trong việc triển khai đề án và là nền tảng phát triển một cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính.

Song song, tiến hành các công việc chuẩn bị cho việc “xây dựng thương hiệu” của đề án với một kế hoạch truyền thông tổng thể, nhằm thông tin thường xuyên tới các bên liên quan về tiến trình thực hiện.