15:19 17/12/2013

“Cái chết” của chú Kim Jong Un đã được báo trước?

Nhật Minh

Jang Song Thaek đã bị xem là một mối nguy hiểm tiềm tàng ngay từ trước khi ông Kim Jong Un chính thức lên nắm quyền

Ông Jang (ngoài cùng bên phải) trong một bức ảnh chụp chung với người anh vợ Kim Jong Il (thứ hai từ trái sang) - Ảnh: KCNA.<br>
Ông Jang (ngoài cùng bên phải) trong một bức ảnh chụp chung với người anh vợ Kim Jong Il (thứ hai từ trái sang) - Ảnh: KCNA.<br>
Theo tờ Chosun Ilbo ngày 17/12, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il được cho là từng cảnh báo con trai về Jang Song Thaek, đặc biệt là sau khi ông chuyển một phần quyền lực cho em rể vì bị đột quỵ năm 2008.

Tờ báo trên dẫn lời ông Lee Yun Keol, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ thông tin chiến lược Triều Tiên cho hay, "ông Kim Jong Il từng rất cảnh giác với quyền lực cũng như sự ủng hộ ngày càng tăng của ông Jang Song Thaek. Ông ấy đã để lại một bản di chúc, cảnh báo người con trai (Kim Jong Un, nhà lãnh đạo Triều Tiên hiện nay) về vấn đề trên".

Theo lời ông Lee, trong khoảng thời gian ngắn sau khi tiếp nhận một phần quyền lực từ anh vợ, ông Jang Song Thaek đã bổ nhiệm một loạt trợ lý thân cận vào các vị trí chủ chốt trong đảng và chính phủ. Ông này còn tranh thủ cơ hội đòi xem một loạt các báo cáo tuyệt mật mà Bộ Chính trị đảng Lao động Triều Tiên gửi riêng cho ông Kim Jong Il.

"Sau khi phát hiện được vụ việc, ông Kim Jong Il tỏ ra rất giận dữ trước hành vi của ông Jang Song Thaek. Nói một cách khác, ông Jang Song Thaek đã bị nhận định là một mối nguy hiểm tiềm tàng, ngay từ trước khi ông Kim Jong Un chính thức lên nắm quyền lãnh đạo đất nước", chuyên gia về Triều Tiên, ông Lee Yun Keol, cho biết thêm.

Trong bản di chúc bí mật, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il được cho là đã từng cảnh báo con trai mình cần phải đề phòng những kẻ "bất đồng chính kiến trong hàng ngũ" và "chuẩn bị loại trừ với những mối đe dọa", dù không trực tiếp đề cập tới tên ông Jang Song Thaek trong đó.

Giáo sư Ryu Dong Ryeol thuộc Học viện Khoa học cảnh sát Hàn Quốc cũng cho rằng, có thể nhà lãnh đạo Kim Jong Il đã nói với con trai của mình để mắt tới người chú dượng Jang Song Thaek, kể từ khi ông này có những thay đổi đáng báo động. "Ông Kim Jong Il luôn xem Jang Song Thaek là một người đầy tham vọng", Ryu Dong Ryeol nói.

Hồi giữa năm 2004, ông Jang từng biến mất suốt một thời gian dài. Tình báo Hàn Quốc cho biết, ông này bị giam lỏng do quyền lực quá lớn khiến anh vợ không hài lòng. Tuy nhiên tới tháng 1/2006, ông Jang trở lại chính trường với quyền lực lớn hơn. Ông Jang đã nhanh chóng tiến thân, lần lượt đảm trách nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền.

Tờ JoongAng Ilbo của Hàn Quốc số ra ngày 16/12 còn dẫn lời một quan chức cấp cao của nước này tiết lộ rằng, hồi năm 1996, ông Jang Song Thaek đã từng lên kế hoạch đảo chính, để lật đổ chính quyền của ông Kim Jong Il. Tham gia vào âm mưu này còn có ông Hwang Jang Yop, người từng đảm nhiệm cương vị bí thư đảng Lao động Triều Tiên.

Ông Hwang đã trốn sang Hàn Quốc vào năm 1997 và qua đời ở đó hồi ba năm trước. Theo nguồn tin, ông Hwang khai nhận rằng, ông vỡ mộng về gia đình nhà lãnh đạo Kim nên đã cùng với ông Jang Song Thaek lên kế hoạch đảo chính, bao gồm cả việc ám sát ông Kim Jong Il. Tuy nhiên, khi có dấu hiệu bị lộ tẩy, ông Hwang đã lập tức chạy trốn.

Nguồn tin còn cho biết, chính Hwang Kyong Mo, con trai ông Hwang Jang Yop, là nhân vật chủ chốt trong kế hoạch ám sát ông Kim Jong Il. Khi ông Hwang biết Bộ An ninh nhà nước phát hiện kế hoạch, ông buộc phải xin tị nạn ở sứ quán Hàn Quốc khi đang công du Trung Quốc. Ông thậm chí còn không có thời gian thông báo cho con trai mình.

Cũng liên quan tới các giả thuyết về nguyên nhân Triều Tiên xử tử ông Jang Song Thaek, trang tin NK News dẫn lời giáo sư Kang Myong Do thuộc Đại học Kyungmin Hàn Quốc tiết lộ với kênh truyền hình YTN của nước này rằng, hồi tháng 10, ông Jang đã có một chuyến đi ra nước ngoài để đưa tiền cho Kim Jong Nam, anh trai Kim Jong Un.

Chuyến đi này khiến ông Jang bị nghi ngờ đang âm mưu phế truất ông Kim Jong Un và thay thế bằng Kim Jong Nam. "Ông Kim Jong Un vốn bắt đầu để ý tới ông Jang Song Thaek kể từ năm ngoái. Ông đã phát hiện và nghĩ rằng chú dượng mình đang tìm cách đưa Kim Jong Nam lên nắm quyền. Đó là lý do vì sao ông Jang bị xử tử", ông Kang nói.

Trước đây, ông Kim Jong Nam từng được đồn đoán rộng rãi sẽ là người kế nhiệm cha mình, nhà lãnh đạo Kim Jong Il. Những tin đồn này kéo dài cho đến năm 2001, khi ông Kim Jong Nam tìm cách vào Nhật Bản bằng hộ chiếu giả để thăm khu Disneyland. Hiện, anh trai ông Kim Jong Un được cho là đang sống tại Macau, cùng với vợ và các con.

Trong phát biểu đưa ra hôm qua (16/12), Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon đã nhận định, vụ xử tử ông Jang là một diễn biến đầy bất ngờ và kịch tính, đồng thời ông cũng hy vọng sẽ không có sự gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời hối thúc giới lãnh đạo Bình Nhưỡng phối hợp thực hiện phi hạt nhân hóa trên bán đảo này.

Trong khi đó, hôm nay (17/12), Triều Tiên tiến hành kỷ niệm hai năm ngày mất của nhà lãnh đạo Kim Jong Il. Tại buổi lễ ở Bình Nhưỡng, hàng nghìn binh sỹ, sỹ quan, quan chức chính phủ đã hoan hô vang dội khi ông Kim Jong Un bước lên lễ đài. Các quan chức Bình Nhưỡng lần lượt đọc các bài phát biểu, khẳng định trung thành với ông Kim.