16:51 11/04/2024

Cán cân thanh toán tổng thể thặng dư 1,3% GDP, dự trữ ngoại hối bằng 3,3 tháng nhập khấu

Phan Linh

Theo ADB, thặng dư tài khoản vãng lai lớn đã giúp cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam thặng dư khoảng 1,3% GDP trong năm 2023 so với mức thâm hụt 5,6% GDP trong năm 2022. Cùng đó, chênh lệch lớn so với lãi suất toàn cầu dẫn tới thâm hụt tài khoản vốn và tài chính khoảng 0,7% GDP trong năm 2023…

ADB  đánh  giá  dư  địa  để chính  sách tiền  tệ hỗ trợ tăng trưởng đã cạn.
ADB đánh giá dư địa để chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng đã cạn.

Tại họp báo ngày 11/4 của ADB, ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, chia sẻ thông tin về cán cân thanh toán tổng thể Việt Nam 2023 và đưa ra dự báo cho các năm tiếp theo.   

Đây là thông tin thu hút sự chú ý đặc biệt trong bối cảnh tỷ giá USD/VND chịu áp lực lớn trong những tháng đầu năm. 

Cụ thể, thặng dư thương mại của Việt Nam trong năm 2023 đạt mức kỉ lục 28 tỷ USD nhưng chủ yếu do nhập khẩu giảm nhanh hơn xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt 355,5 tỷ USD (83% GDP), giảm 4,4% so với năm 2022, trong khi nhập khẩu giảm còn 327,5 tỉ USD (76% GDP), tương đương mức giảm 8,9%. Các lô hàng điện thoại di động, máy tính và sản phẩm điện tử - chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu - giảm 3,6%. Trong khi đó, máy móc và thiết bị - chiếm 12% tổng kim ngạch xuất khẩu - giảm 5%. 

Cán cân thương mại thặng dư nhiều đã hỗ trợ thặng dư tài khoản vãng lai, ước tính đạt 5,9% trên GDP so với mức thặng dư khiêm tốn 0,3% của năm 2022. Lượng kiều hối lớn hơn cũng hỗ trợ tài khoản vãng lai. Chênh lệch lớn so với lãi suất toàn cầu dẫn tới thâm hụt tài khoản vốn và tài chính ở mức ước tính 0,7% GDP trong năm 2023.

Tuy nhiên, thặng dư tài khoản vãng lai lớn đã giúp cán cân thanh toán quốc tế tổng thể đạt thặng dư ước tính vào khoảng 1,3% GDP trong năm 2023, so với mức thâm hụt 5,6% GDP trong năm 2022. Tính tới cuối năm 2023, dự trữ ngoại hối của Vệt Nam đã tăng lên tới 3,3 tháng nhập khẩu, so với mức 2,8 tháng vào cuối năm 2022.

Trước đó, IMF cho biết dự trữ ngoại hối năm 2022 của Việt Nam đạt khoảng 86,7 tỷ USD. Còn theo dữ liệu từ Tổng cục Hải Quan, từ đầu năm đến nay, giá trị nhập khẩu hàng tháng của Việt Nam dao động trên dưới 30 tỷ USD/tháng.

Cán cân thanh toán tổng thể thặng dư 1,3% GDP,  dự trữ ngoại hối bằng 3,3 tháng nhập khấu - Ảnh 2

ADB giữ nguyên dự báo trước đó về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay bất chấp những bất ổn kéo dài từ môi trường bên ngoài. Kinh tế Việt Nam được kỳ vọng đạt mức tăng trưởng 6% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025, theo Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) được công bố hôm nay.

Sự phục hồi tương đối toàn diện trong các ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu, dịch vụ và hoạt động ổn định của ngành nông nghiệp được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho đà phục hồi của Việt Nam. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và kiều hối tích cực, thặng dư thương mại được duy trì, tiêu dùng trong nước phục hồi, kích thích tài khóa được tiếp tục với chương trình đầu tư công đáng kể được coi là chìa khóa để thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2024.

Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, nói: “Kinh tế Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng với nhịp độ vững chắc trong năm nay và năm tới, bất chấp môi trường toàn cầu còn nhiều thách thức. Tuy nhiên, những bất ổn địa chính trị toàn cầu và các hạn chế mang tính cơ cấu của kinh tế trong nước có thể ảnh hưởng đến triển vọng này. Do đó, các biện pháp chính sách trong năm 2024 sẽ cần kết hợp các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng ngắn hạn để đẩy mạnh nhu cầu trong nước với các giải pháp cải thiện cơ cấu trong dài hạn nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững.”

Cán cân thanh toán tổng thể thặng dư 1,3% GDP,  dự trữ ngoại hối bằng 3,3 tháng nhập khấu - Ảnh 3

ADB  nhận định nhu cầu toàn cầu suy yếu do phục hồi kinh tế chậm và việc trì hoãn bình thường hóa lãi suất ở Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác, cùng với những căng thẳng địa chính trị đang tiếp diễn, có thể cản trở quá trình phục hồi hoàn toàn tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024. Để thúc đẩy tăng trưởng, cần có các biện pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết những yếu kém về cơ cấu trong nước như sự phụ thuộc nhiều vào ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI, mối liên kết lỏng lẻo giữa các ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu và phần còn lại của nền kinh tế, thị trường vốn non trẻ, sự phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng ngân hàng, cũng như các rào cản pháp lý phức tạp đối với doanh nghiệp. 

Bởi vậy, các chuyên gia ADB cho rằng đầu tư công vẫn là một động lực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và cần triển khai đầu tư công một cách hiệu quả. Mặc dù Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm đẩy nhanh đầu tư công và nâng cao hiệu quả thực thi, nhưng vẫn cần có các biện pháp mang tính hệ thống hơn nhằm cải thiện các quy trình pháp lý và quy định giảm bớt rào cản cho việc thực hiện dự án hiệu quả.