06:00 08/11/2022

Cần chế tài với các công ty bảo hiểm vi phạm công bố thông tin

Phan Linh

Giới phân tích cho rằng để tuân thủ việc công khai thông tin của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu và bổ sung các quy định về chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về Dự thảo thông tư hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm. Tại Điều 37 Dự thảo thông tư này đã quy định khá chi tiết về cách thức đăng tải, bảo quản, lưu giữ thông tin công khai định kỳ, thông tin công khai thường xuyên và thông tin công khai bất thường của doanh nhgiệp kinh doanh bảo hiểm.

THIẾU VẮNG CHẾ TÀI XỬ PHẠT 

Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH A&H, Đoàn luật sư TP Hà Nội đánh giá, Dự thảo thông tư do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo đã có rất nhiều quy định mới về công bố thông tin, đảm bảo được tính chặt chẽ hơn so với các quy định hiện hành.

Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Đoàn luật sư TP Hà Nội .
Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Đoàn luật sư TP Hà Nội .

"Với những quy định yêu cầu các thông tin công khai phải được đăng tải “tách bạch”, “dễ theo dõi”, “đảm bảo người sử dụng có thể tìm kiếm và tiếp cận được các dữ liệu trên trang thông tin điện tử”, “các thông tin công khai thường xuyên phải được cập nhật và truy cập được trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp bảo hiểm sẽ góp phần hạn chế tình trạng các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm cố tình né tránh, không công bố thông tin, hoặc công bố thông tin không đầy đủ, hoặc đặt ở vị trí không thuận lợi cho việc tìm kiếm,  hạn chế quyền truy cập thông tin của công chúng", vị Luật sư nhận định.

Tuy nhiên, Luật sư Nguyễn Đức Hùng lưu ý Dự thảo thông tư hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm chưa có các quy định về chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về nghĩa vụ công khai thông tin của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Đây là một “lỗ hổng” rất lớn của pháp luật, làm giảm hiệu lực, hiệu quả và tính nghiêm minh của pháp luật, có thể dẫn đến tình trạng "nhờn luật". 

 

Hiệp hội quốc tế các cơ quan giám sát bảo hiểm (IAIS) đã có khuyến nghị những thông tin tối thiểu mà doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm cần công bố, bao gồm: Thông tin chung về hoạt động kinh doanh và quản trị doanh nghiệp; tình hình và hoạt động tài chính; mức độ rủi ro và cách thức quản lý rủi ro; cơ sở, phương pháp và chính sách hoạt động kế toán. IAIS cũng khuyến khích công bố các thông tin so sánh giữa các doanh nghiệp bảo hiểm với nhau và với các công ty khác để làm nổi bật các thông tin đã được công bố.  

Để các quy định về việc công khai thông tin của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm có thể phát huy hiệu lực cao trong thực tế, giới phân tích đề xuất các cơ quan chức năng cần nghiên cứu và bổ sung các quy định về các chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm trách nhiệm công khai thông tin của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, cũng như các biện pháp khắc phục hậu quả tương ứng.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đề xuất Dự thảo quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý trong công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, tăng tính răn đe, phòng ngừa vi phạm. 

Theo các chuyên gia, kinh doanh bảo hiểm là hoạt động kinh doanh đặc biệt, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của các nhà đầu tư và khách hàng tham gia bảo hiểm, cũng như có những tác động, ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính. Do đó, đảm bảo tính công khai, minh bạch của hoạt động kinh doanh bảo hiểm là cơ sở rất quan trọng cho việc bảo vệ các quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư và khách hàng tham gia bảo hiểm, cũng như sự an toàn và lành mạnh của thị trường bảo hiểm.

Pháp luật về kinh doanh bảo hiểm của nhiều nước trên thế giới đều có các quy định về trách nhiệm công khai thông tin giữa doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm với người tham gia bảo hiểm và với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 

MỞ RỘNG PHẠM VI CÔNG BỐ THÔNG TIN 

Theo quy định tại Điều 104 Luật kinh doanh Bảo hiểm năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2010 và năm 2019, được hướng dẫn tại Điều 82 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP của Chính phủ và Điều 35 Thông tư số 50/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phải công khai toàn bộ nội dung báo cáo tài chính đã được kiểm toán của doanh nghiệp, chi nhánh kèm theo ý kiến của tổ chức kiểm toán độc lập và thông tin về sản phẩm bảo hiểm. Ngoài ra, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm là Công ty đại chúng còn phải thực hiện việc công bố thông tin theo quy định pháp luật về chứng khoán.

Tuy nhiên, các quy định này vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đầy đủ, và nhiều khi không được thực hiện một cách nhiêm minh trên thực tế. Tình trạng này từng được VnEconomy phản ánh, sau đó Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã có công văn số 1348/QLBH-PNT đốc thúc các doanh nghiệp bảo hiểm, tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài tại Việt Nam, nghiêm túc công bố công khai báo cáo tài chính...

Để đảm bảo thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển lành mạnh, bền vững, tiệm cận với các thông lệ quốc tế, Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2023) đã có rất nhiều quy định mới, mở rộng phạm vi và nâng cao hơn rất nhiều trách nhiệm công khai thông tin của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm.

Theo đó, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm (doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam) phải công khai rất nhiều các thông tin, bao gồm: Thông tin công khai định kỳ (Điều 118); Thông tin công khai thường xuyên (Điều 119) và Thông tin công khai bất thường (Điều 120).

Trong đó, bổ sung thêm nhiều thông tin mà doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phải công khai như: Báo cáo đánh giá khả năng thanh toán và quản trị rủi ro, vốn thực có và tỷ lệ an toàn vốn; thông tin về hồ sơ doanh nghiệp, thông tin quản trị doanh nghiệp, thông tin về hoạt động nghiệp vụ; quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh bảo hiểm; bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm; quyết định khởi tố đối với doanh nghiệp, người quản lý, người kiểm soát liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm; và các sự kiện ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia bảo hiểm.v.v...

Giới phân tích đánh giá các quy định mới nêu trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư, khách hàng trong việc tiếp cận thông tin về tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh, năng lực, uy tín của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, giúp họ có khả năng xem xét và lựa chọn tốt hơn.