Cần cơ chế thu hút vốn đầu tư xã hội cho các dự án hạ tầng TP.HCM
Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, nếu có các cơ chế thu hút nguồn đầu tư xã hội cho các dự án hạ tầng số, hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị sẽ phát huy được nguồn lực của xã hội rất lớn trong việc chỉnh trang đô thị…
Tại hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 06 (ngày 24/01/2022) của Bộ Chính trị về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" (Nghị quyết 06), diễn ra sáng 18/5/2022, ông Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư, cho rằng quá trình đô thị hóa là tất yếu khách quan, là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Do đó, việc quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm; văn hoá và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển.
Theo ông Thưởng, để việc quản lý đô thị được thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn cần thực hiện phân cấp và phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền các đô thị gắn với đề cao trách nhiệm, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý thống nhất của Trung ương…
Tại điểm cầu TP.HCM, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, khẳng định Nghị quyết 06 có ý nghĩa rất lớn đối với thành phố. Trong đó, đã gợi mở, tháo gỡ để giúp thành phố phát triển đô thị không chỉ cho thành phố mà còn cho cả vùng, trong mạng lưới đô thị của cả nước. Các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp có tính mới, rất thuận lợi, phù hợp với TP.HCM.
Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM, các cơ quan nghiên cứu để cụ thể hóa, thực hiện Nghị quyết 06 gắn với khẩn trương khai xây dựng quy hoạch chung TP.HCM, TP. Thủ Đức đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 theo các định hướng phát triển đô thị lớn, siêu đô thị với đa trung tâm.
Cụ thể, các trung tâm đã được hình thành từ Nghị quyết lần thứ XI của Đảng bộ TP.HCM, đó là thành phố phía Đông, Tây Bắc và phía Nam… gắn với các chức năng trung tâm như trung tâm tài chính, trung tâm thương mại dịch vụ, trung tâm chuyển đổi số, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Vấn đề cấp thiết cần quan tâm hiện nay của thành phố là tập trung phát triển hạ tầng đô thị, giao thông, hạ tầng số và đặc biệt là hạ tầng xã hội.
Do đó, ông Mãi kiến nghị cần quan tâm hình thành cơ chế đặc thù để thu hút các nhà đầu tư chiến lược phát triển đường sắt, đường thủy kết nối vùng TP.HCM và 7 tỉnh trong vùng để cùng thúc đẩy phát triển đô thị của vùng. Đề nghị sớm triển khai dự án đường sắt TP.HCM – Cần Thơ để kết nối giữa TP.HCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Sớm hình thành các cơ chế thu hút nguồn đầu tư xã hội cho các dự án hạ tầng số, hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị. Việc này sẽ phát huy được nguồn lực của xã hội rất lớn trong việc phát triển hạ tầng đô thị, khu đô thị mới cũng như trong chỉnh trang đô thị…
TP.HCM đang tập trung triển khai chương trình nhà ở đến năm 2030 với mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở nhằm giải quyết nhu cầu bức xúc trước mắt, đặc biệt sau đại dịch Covid-19 vừa qua.
Triển khai chương trình chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân đô thị; tiếp tục phát huy vai trò hoạt động của Trung tâm An sinh thành phố gắn với các chương trình giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh, đặc biệt là nhóm người yếu thế.
Về phát triển kinh tế đô thị, TP.HCM đang tập trung các giải pháp để phát triển kinh tế dịch vụ, kinh tế du lịch, kinh tế ban đêm, phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ… gắn với việc hình thành các đô thị ven sông, ven biển, cũng như đô thị gắn với công nghiệp và dịch vụ.
Thành phố đang hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị. Sau 1 năm triển khai Nghị quyết 131 của Quốc hội, bước đầu đã tạo được những thuận lợi và đạt kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn những vướng mắc, hạn chế. Kiến nghị Trung ương, Chính phủ tiếp tục có những định hướng tháo gỡ, có thêm các giải pháp để thực hiện tốt hơn mô hình chính quyền đô thị…