20:38 12/10/2023

Cần có những đánh giá vướng mắc trong điều hành giá điện, khí, than, dầu

Tuấn Dũng

Cần phải có những đánh giá về những ách tắc, vướng mắc trong điều hành giá điện, giá than, giá khí và xăng dầu vừa qua, nguyên nhân và trách nhiệm…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp. Ảnh: Quốc hội
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp. Ảnh: Quốc hội

Sáng 12/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phiên họp 27, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

HẠN CHẾ, BẤT CẬP CỦA NGÀNH NĂNG LƯỢNG

Theo báo cáo, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho biết trong giai đoạn 2016 - 2021, ngành năng lượng nước ta đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực; bám sát định hướng và đạt được nhiều mục tiêu cụ thể đề ra. Cung cấp năng lượng, đặc biệt là cung cấp điện cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phát triển kinh tế - xa hội với chất lượng ngày càng được cải thiện.

Tuy nhiên, báo cáo giám sát cũng chỉ ra một số hạn chế, bất cập. Trong đó, việc triển khai quy hoạch các phân ngành năng lượng còn nhiều hạn chế, bất cập, nhất là trong việc tổ chức thực hiện Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh đối với việc phát triển điện mặt trời, điện gió, thủy điện nhỏ. 

Việc đầu tư nguồn điện và lưới điện giai đoạn 2016 - 2021 chưa đồng bộ, đạt mục tiêu đề ra. Cơ sở hạ tầng ngành năng lượng còn nhiều bất cập.

Cần có những đánh giá vướng mắc trong điều hành giá điện, khí, than, dầu - Ảnh 1

Về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chuyển dịch năng lượng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tiêu thụ năng lượng gia tăng đáng kể, cơ cấu tiêu thụ năng lượng chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày càng được quan tâm; chuyển dịch năng lượng theo hướng công bằng, bền vững đã được chú trọng nhằm thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi năng lượng ở nước ta đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn, thay đổi tư duy, phương thức quản trị, đổi mới công nghệ, trong khi quy mô nền kinh tế nước ta còn khiêm tốn, thị trường năng lượng trong nước ngày càng phụ thuộc vào thị trường năng lượng thế giới. Tình hình trên tiếp tục ảnh hưởng và đặt ra nhiều thách thức đối với nước ta trong phát triển năng lượng, nhất là bảo đảm an ninh năng lượng trước mắt và lâu dài.

Để phát huy kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, bất cập, thích ứng kịp thời với bối cảnh trong giai đoạn mới, Đoàn giám sát kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021.

NGHỊ QUYẾT PHẢI CHỈ RA NHỮNG VẤN ĐỀ LỚN CẦN TRIỂN KHAI THỰC HIỆN TRONG GIAI ĐOẠN TỚI

Cho ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ cần phải có những đánh giá về những ách tắc, vướng mắc trong điều hành giá điện, giá than, giá khí và xăng dầu vừa qua, nguyên nhân và trách nhiệm.

Bên cạnh đó đánh giá kỹ hơn thực trạng thực hiện Quy hoạch điện VII, điều chỉnh những vướng mắc giữa quy hoạch và truyền tải điện khi để xảy ra tình trạng điện thừa nhưng không hòa được lưới điện quốc gia….

"Đây là những vấn đề cần phải chỉ rõ nguyên nhân và trách nhiệm cụ thể của các cơ quan địa phương, các đơn vị quản lý để đề xuất biện pháp trong thời gian tới, đưa ra các đề nghị với Chính phủ chỉ đạo giải quyết các vấn đề trọng tâm", Phó Chủ tịch Quốc hội cho hay.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng đề nghị xác định các giải pháp trọng tâm về kịch bản để bảo đảm an toàn năng lượng; giải pháp trọng tâm vấn đề quy hoạch tổng thể với quy hoạch phân ngành, xử lý bất cập của các quy hoạch ngành gây lãng phí lớn nguồn lực của xã hội, doanh nghiệp khi không phù hợp giữa công suất và truyền tải điện; giải pháp trọng tâm về hạ tầng năng lượng, về khoa học kỹ thuật, công nghệ năng lượng và thị trường năng lượng.

Còn Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy cho rằng đây là một chuyên đề giám sát rất khó khăn, phức tạp, rộng, đòi hỏi chuyên môn sâu và được dư luận hết sức quan tâm. Qua báo cáo của Đoàn giám sát, Thanh tra Chính phủ đề nghị Đoàn giám sát và Quốc hội cân nhắc bổ sung kiến nghị những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm, Chính phủ cũng rất quyết liệt trong việc thực hiện như: điều chỉnh cơ chế giá điện và xăng dầu, quản lý nguồn và lưới điện. Các cơ quan đã và đang vào cuộc, tập trung kiểm tra, thanh tra vấn đề này.

Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị Đoàn giám sát bổ sung vào Nghị quyết của Quốc hội kiến nghị rõ hơn vấn đề quy hoạch và thực hiện quy hoạch của các phân ngành liên quan đến năng lượng như quy hoạch về điện và xăng dầu...

Khẳng định chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” có ý nghĩa rất quan trọng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị việc ban hành Nghị quyết phải tạo ra chuyển biến khác biệt trong thực tiễn bởi một số nội dung trong báo cáo và dự thảo nghị quyết vẫn còn mang tính định tính.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh giám sát phải chỉ ra được trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, liên quan. Trọng tâm của hoạt động giám sát cần tập trung vào việc thực hiện Quy hoạch điện VII và kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII.

Việc ban hành Nghị quyết cần chỉ ra những vấn đề lớn cần triển khai thực hiện trong giai đoạn tới, trong đó có chuyển đổi năng lượng công bằng; tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, chính sách trong việc phát triển năng lượng; bổ sung các số liệu, cập nhật tình hình thực tế trong dự thảo Nghị quyết…