22:10 10/12/2021

Cần đánh giá kỹ 2 dự án khác biệt trong đề xuất thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho TP. Cần Thơ

Quang Trung

Theo dự thảo cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ, Chính phủ đề xuất 2 dự án quan trọng là Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Sông Hậu và Khu liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ...

Toàn cảnh phiên họp - Ảnh: Quochoi.vn
Toàn cảnh phiên họp - Ảnh: Quochoi.vn

Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, tại phiên họp thứ 6 ngày 10/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất ý kiến cho rằng việc cho phép áp dụng thí điểm này là cần thiết. 

Trong đó, 2 nội dung được bàn luận sâu về dự thảo này là Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Sông Hậu và Khu liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ.

KHÁC BIỆT SO VỚI CƠ CHẾ ĐẶC THÙ CỦA CÁC ĐỊA PHƯƠNG KHÁC

Về hai nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết đây là các điểm mới so với Tờ trình trước đó của Chính phủ và cũng là quy định khác biệt so với các cơ chế đặc thù đã áp dụng đối với một số địa phương, có liên quan đến nhiều đạo luật, bao gồm Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Hải quan, Luật Đất đai… Tất cả đều thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường - Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường - Ảnh: Quochoi.vn

"Do vậy, đề nghị Chính phủ đối chiếu, rà soát thận trọng. Đối với những vấn đề khác luật cần báo cáo cụ thể để Quốc hội xem xét, quyết định, đồng thời cần quy định chi tiết trong Dự thảo Nghị quyết để bảo đảm tính tuân thủ về thẩm quyền, tạo căn cứ cho tổ chức thực hiện", ông Nguyễn Phú Cường nêu rõ.

Với khu liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ, ông Cường đánh giá cơ chế ưu đãi áp dụng đối với Khu liên kết chưa được quy định cụ thể. Bên cạnh đó, tiêu chí lựa chọn các doanh nghiệp đầu tư tại Khu liên kết là chưa rõ ràng.

"Điều kiện để được hưởng ưu đãi, phạm vi ưu đãi chưa được quy định trong Dự thảo, dẫn đến việc dẫn chiếu theo Điều 20 của Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành (Nghị định 31/2021/NĐ-CP và Quyết định 29/2021/QĐ-TTg) là chưa ăn khớp, khó thực hiện", ông chỉ ra. 

Ngoài ra, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách, việc giao Thủ tướng quyết định cụ thể các nội dung như trong Tờ trình của Chính phủ là chưa hợp lý vì nhiều vấn đề sẽ không thuộc thẩm quyền.

TẠO ĐỘT PHÁ HỢP LÝ, CHẤP NHẬN ĐƯỢC

Cho ý kiến về hai nội dung trên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Sông Hậu là cơ chế ưu đãi đối với một dự án cụ thể, là chính sách mang tính thời điểm, nhưng lại có tính chất ổn định để sau khi tổng kết có thể áp dụng lâu dài, là bước đột phá hợp lý, chấp nhận được.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp - Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp - Ảnh: Quochoi.vn

Còn về chính sách Khu liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ, ông Mẫn phân tích, vùng đồng bằng sông Cửu Long đóng góp 50% sản lượng gạo, 65% thủy hải sản và 70% rau quả cả nước, kim ngạch xuất khẩu nông sản hằng năm đạt 18 tỷ USD. Tuy nhiên, toàn vùng hiện nay chưa có trung tâm logistics cấp II theo quy hoạch tại Cần Thơ, chủ yếu chỉ dừng lại ở hệ thống kho trong các cảng biển, kho lạnh riêng lẻ, chưa đáp ứng được yêu cầu tập kết và cung ứng hàng xuất khẩu mang quy mô vùng.

Bên cạnh đó, ông cũng chỉ ra rằng tỷ lệ chế biến sản phẩm nông nghiệp của vùng là chưa cao, nhất là trái cây.

"Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là nguyên liệu thô, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng thấp. Do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 trong 2 năm qua, các sản phẩm nông nghiệp của vùng không tiêu thụ được nên sản phẩm quá lứa, quá thời gian thu hoạch, bị hư hỏng, ứ đọng, gây thiệt hại lớn cho người dân và doanh nghiệp", ông Mẫn chỉ ra.

Trên cơ sở phân tích trên, Phó Chủ tịch Quốc hội nhận định, việc hình thành trung tâm liên kết là cần thiết để tạo hệ thống logistics liên hoàn, tận dụng được ưu thế hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ, cảng biển, đường hàng không và giải quyết các vấn đề bất cập đã nêu.

"Chính sách đặc thù Khu liên kết được hưởng mức ưu đãi đặc biệt cần được quan tâm hơn nữa", ông Mẫn nêu rõ.

LÀM RÕ ƯU ĐÃI CHO NHÀ ĐẦU TƯ

Cũng cho ý kiến về khu liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị làm rõ nội hàm, có thể dùng từ “trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham gia ý kiến tại phiên họp - Ảnh: Quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham gia ý kiến tại phiên họp - Ảnh: Quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ đồng tình với những ưu đãi về thủ tục hải quan, thủ tục về thuế, thời hạn nộp thuế… Tuy nhiên, ông nhấn mạnh nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào trung tâm này cần thống nhất có ưu đãi cao hơn để đủ hấp dẫn, nhất là nhà đầu tư về chế biến nông sản.

"Với những doanh nghiệp đặc biệt lớn có vốn 30.000 tỷ đồng trở lên, nên chăng các doanh nghiệp này được hưởng một số ưu đãi như tiền thuê đất, ưu đãi thuế doanh nghiệp… và được quy định cụ thể trong Dự thảo Nghị quyết thì sẽ thuyết phục hơn", Chủ tịch Quốc hội cho ý kiến.

Theo ông, những doanh nghiệp đầu tư vào trung tâm này có thể hưởng thuế suất ưu đãi ngoài các thuận lợi về hải quan, có cơ chế ưu đãi hơn để đủ hấp dẫn nhà đầu tư. Do đó, ông đề nghị cần làm rõ cơ chế ưu đãi hơn là gì, tạo thuận lợi thương mại thế nào, cần làm rõ lợi ích của dự án này, quy mô và phạm vi của dự án thu hút được bao nhiêu doanh nghiệp đầu tư vào, hàng năm sản xuất, chế biến bao nhiêu nông sản, làm gia tăng giá trị bao nhiêu...

Về dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Sông Hậu, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần quy định cụ thể toàn bộ chính sách ưu đãi thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vào trong Dự thảo Nghị quyết. Ông cũng đề nghị cần tính toán kỹ huy động nguồn lực thế nào.

Liên quan đến nội dung này, một số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần đánh giá kỹ tác động môi trường, có giải pháp khắc phục tác động tiêu cực, tránh tình trạng sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống người dân như đã xảy ra đối với một số dự án trước đây. Đồng thời cần làm rõ tính kết nối của địa bàn thực hiện Dự án là Cần Thơ với các địa bàn có sông Hậu đi qua để phát huy tối đa hiệu quả, bảo đảm tính hợp lý.

Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, thống nhất hồ sơ Dự thảo Nghị quyết đủ điều kiện trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường. Ngoài ra, toàn bộ thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung chương trình xây dựng pháp luật đối với Nghị quyết này để bổ sung chương trình xây dựng pháp luật năm 2021.