14:55 21/09/2023

Cần minh bạch trong việc thu phí vỉa hè để chống tiệu cực

Hoài Niệm

Người dân có thể giám sát trực tuyến việc thu phí lòng đường, vỉa hè qua một ứng dụng trên điện thoại thông minh do Sở Giao thông vận tải TP.HCM cung cấp…

Theo ước tính của Sở GTVT TP.HCM, mỗi năm thành phố sẽ thu được trên 1.550 tỷ đồng từ việc cho thuê lòng đường, vỉa hè. Ảnh: Đ.T.
Theo ước tính của Sở GTVT TP.HCM, mỗi năm thành phố sẽ thu được trên 1.550 tỷ đồng từ việc cho thuê lòng đường, vỉa hè. Ảnh: Đ.T.

Ai giám sát việc thu phí lòng đường, vỉa hè tại TP.HCM khi việc thu phí này sẽ bắt đầu áp dụng kể từ đầu năm 2024? Làm thế nào để tránh tiêu cực khi mà địa bàn thu phí, tính chất đặc thù của công việc được dự báo sẽ gây khó khăn cho cả cơ quan chức năng và người dân địa phương?

Để trả lời thắc mắc này, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết sẽ xây dựng công cụ, phần mềm quản lý và cấp phép, thu phí vỉa hè. Người dân có thể giám sát trực tuyến qua ứng dụng để biết những khu vực nào được cấp phép, phương án sử dụng, đã đóng phí chưa?

Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã có tờ trình Uỷ ban nhân dân TP.HCM để trình Hội đồng nhân dân Thành phố đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố và dự thảo nghị quyết ban hành mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, sau đó đã ký tờ trình gửi Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, chấp thuận chủ trương trình Hội đồng nhân dân TP.HCM ban hành quy định thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố. Việc thu phí sẽ được áp dụng từ ngày 01/01/2024.

Việc triển khai thu phí như thế nào, cụ thể trong từng khu vực, địa bàn, mặt bằng ra làm sao, làm sao để tránh tiêu cực, thất thoát,… là những vấn đề được người dân thành phố quan tâm, trước khi dự thảo đề án được chính thức thông qua để triển khai thực hiện.

Việc thu phí được triển khai với nguyên tắc, chiều rộng vỉa hè phải ưu tiên dành cho người đi bộ và duy trì tối thiểu 1,5 m và hai làn ô tô cho một chiều đi đối với lòng đường, phần còn lại có thể dùng ngoài mục đích giao thông.

Trên nhiều tuyến đường ở nội thành, khách bộ hành đã bị đẩy xuống đường vì vỉa hè đã bị lấn chiếm. Ảnh: Minh Quân.
Trên nhiều tuyến đường ở nội thành, khách bộ hành đã bị đẩy xuống đường vì vỉa hè đã bị lấn chiếm. Ảnh: Minh Quân.

Mức phí chênh lệch khá cao giữa các khu vực, quận huyện, tuyến đường tùy theo khung giá đất tại khu vực đó, từ thấp nhất 20.000 đồng đến cao nhất 350.000 chỗ mỗi mét vuống lòng đường, vỉa hè trong một tháng.

Cách tính như sau: Dưới 15 ngày tính nửa tháng, trên 15 ngày tính tròn tháng. Sở Giao thông vận tải sẽ quản lý cho thuê và thu phí những tuyến đường thuộc quyền quản lý của mình, các tuyến, khu vực khác thuộc các quận, huyện sẽ do chính quyền các quận, huyện đó quản lý, cho thuê và thu phí.

Về cách thức tiến hành một trường hợp cho thuê, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM nói rõ như sau: Khi tiến hành cho thuê, đơn vị/ cơ quan quản lý sẽ kẻ vạch, chia ô, lắp biển hiệu để nhận biết khu vực vỉa hè, lòng đường này đang cho thuê kinh doanh, giữ xe. “Đây cũng là cơ sở để phân biệt vị trí kinh doanh hợp pháp hay không; nếu khu vực không được cho phép nhưng bị lấn chiếm sẽ có chế tài xử lý”, ông Lâm cho hay.

Ông Trần Quang Lâm cũng cho biết thêm là bộ phận chức năng của Sở Giao thông vận tải thành phố sẽ đề xuất thêm các cơ chế kiểm tra giám sát, chẳng hạn sẽ kiểm tra qua ứng dụng để phát hiện tiêu cực. Sở này cũng sẽ tham mưu dự thảo công văn hướng dẫn cụ thể quy trình thực hiện từ bước đề nghị của các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng đến bước cấp phép, chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.

Trên thực tế, mật độ dân số ở các quận, huyện TP.HCM chênh lệch tùy theo địa bàn tập trung dân cư; giữa các quận trong nội thành, giữa quận và huyện, giữa quận trung tâm và quận ven đô,… đều có mức độ tập trung dân cư khác nhau. Quận có dân cư đông, mức độ tập trung cư dân đông thì sự phức tạp trong khâu quản lý, gồm cả việc quản lý và cho thuê vỉa hè, lòng đường sẽ tăng lên theo tỷ lệ thuận. Mà đây là là những khu vực người dân có nhu cầu thuê mặt bằng (lòng đường, vỉa hè) cao hơn, giao thông (gồm cả khách bộ hành) phức tạp hơn, chật chội hơn,…

Ở nhiều tuyến đường, việc tổ chức dừng đậu xe có thu phí đã làm ảnh hưởng đến giao thông chung của người dân.
Ở nhiều tuyến đường, việc tổ chức dừng đậu xe có thu phí đã làm ảnh hưởng đến giao thông chung của người dân.

Theo nhận định của một số chuyên gia cũng như nhà quản lý các địa phương, trong tình hình lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, bày bán hàng rong, dừng đậu xe sai quy định diễn ra có tính hệ thống, đa dạng và phức tạp như hiện nay, việc tổ chức quy hoạch lại một phần lòng đường, vỉa hè bằng phương án cho thuê tạm có thu phí là giải pháp cần thiết và được cho là định hướng phù hợp, ít là trong ngắn và trung hạn.

Tuy nhiên, trong dài hạn thì việc chính quyền cho thuê lòng đường, vỉa hè có thu phí là kinh doanh, tổ chức các sự kiện khác thường xuyên hay không thường xuyên, là một vấn đề cần phải hết sức cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng. Việc quản lý thu phí như thế nào, thu chi ra làm sao tránh làm thất thoát ngân sách lại hạn chế làm phiền hà đến cuộc sống và an sinh của người dân, nhất là từ lâu đã phổ biến tình trạng khách bộ hành thường bị “đuổi” xuống lòng đường để đi.

Trên hết, việc cho sử dụng có thu phí một phần lòng đường, vỉa hè chỉ là một giải pháp ngắn hạn để giúp việc quản lý, quy hoạch đô thị từng bước được chuyên nghiệp hơn, bài bản hơn, tốt hơn; hay đây là một kênh tạo thêm nguồn kinh phí cho thành phố?

Bởi vì theo tính toán sơ bộ của đơn vị tiến hành, tức Sở Giao thông vận tải TP.HCM, thì nếu việc triển khai cho thuê lòng đường vỉa hè được triển khai đồng loạt trên địa bàn thành phố, dự kiến số tiền thu phí sẽ thu được là 1.552 tỷ đồng/năm; trong đó, số thu đối với lòng đường khoảng 550 tỷ đồng/năm, số thu đối với vỉa hè khoảng 972 tỷ đồng/năm.