Cân nhắc nới điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp
Theo đề xuất tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo quy định của Bộ luật Lao động; hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động làm việc theo đúng quy định của Luật Viên chức sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp...

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đề xuất quy định các trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, song nhiều ý kiến cho rằng nên xem xét nới điều kiện hưởng, để đảm bảo quyền lợi của người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
ĐẢM BẢO QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI THAM GIA BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP
Về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, dự thảo Luật hiện quy định những trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp gồm: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo quy định của Bộ luật Lao động; người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động làm việc theo đúng quy định của Luật Viên chức; người lao động nghỉ việc khi đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Góp ý về dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Minh Tâm, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo quy định của Bộ luật Lao động, và người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động làm việc theo đúng quy định của Luật Viên chức thì không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Bởi lẽ, người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động với người sử dụng lao động là mối quan hệ lao động, còn việc hưởng bảo hiểm thất nghiệp là quyền lợi của người lao động có tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
“Do đó, khi người lao động mất việc, không có việc làm bởi bất kỳ lý do gì, dù là họ có đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, thì người lao động đương nhiên phải được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Họ không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp chỉ khi không tham gia hoặc không chấp hành đúng việc đóng, nộp bảo hiểm thất nghiệp. Như vậy mới khuyến khích được người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp”, đại biểu Nguyễn Minh Tâm nêu quan điểm.
Về nội dung này, tại báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng dự thảo Luật quy định theo hướng kế thừa quy định của Luật Việc làm năm 2013.
Trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, nhưng tuân thủ các quy định của pháp luật thì vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Quy định này nhằm tránh các trường hợp người lao động tự ý nghỉ việc mà không báo trước cho người sử dụng lao động, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp khi chưa tìm được nhân sự thay thế hoặc thực hiện bàn giao công việc.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Minh Tâm bày tỏ còn băn khoăn. Đại biểu dẫn chứng, theo quy định tại khoản 2 Điều 428 Bộ luật Dân sự thì “bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”.
Khoản 4 Điều 428 quy định “bên bị thiệt hại do hành vi không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng của bên kia thì được bồi thường”.
“Như vậy, khi người lao động tự ý nghỉ việc mà không báo trước cho người sử dụng lao động, làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, gây thiệt hại cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp có quyền khởi kiện và người lao động có trách nhiệm bồi thường. Do đó, tôi đề nghị cân nhắc nội dung này để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tham gia bảo hiểm thất nghiệp”, đại biểu Nguyễn Minh Tâm góp ý.
XEM XÉT ĐIỀU CHỈNH ĐIỀU KIỆN HƯỞNG
Cũng liên quan đến điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, theo Điều 40 của dự thảo Luật, bên cạnh những điều kiện để người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp như không thuộc trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp,… thì điều kiện tiên quyết để người lao động được hưởng chế độ này là phải đang đóng bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, hoặc chấm dứt làm việc để được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Cụ thể, dự thảo Luật quy định, đó là người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 12 tháng, thì phải đóng đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Thảo luận về dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa, đánh giá quy định này được hiểu là người có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, hoặc làm việc đã đóng bảo hiểm thất nghiệp, và được tổ chức Bảo hiểm xã hội xác nhận.
Điều này có thể gây khó khăn cho người nhóm người lao động làm việc tại các doanh nghiệp đang nợ bảo hiểm thất nghiệp khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, hoặc chấm dứt làm việc sẽ không có việc làm, không được trả lương, nhưng cũng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Do đó, người lao động sẽ không đáp ứng điều kiện hưởng.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, điều chỉnh điều kiện để người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp này theo hướng người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp, thay vì yêu cầu người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp vào tháng liền kề tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc hợp đồng làm việc, hoặc chấm dứt làm việc.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại Điều 40 của dự thảo Luật quy định về điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó, có điều kiện là người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, hoặc chấm dứt làm việc theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, để bảo đảm quyền lợi đối với người lao động chỉ thực hiện những công việc mùa vụ, thời hạn hợp đồng ngắn (thời hạn dưới 12 tháng), thì họ chỉ cần đóng đủ 12 tháng trở lên, trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Nội dung này được kế thừa từ quy định hiện hành, nhằm duy trì quyền lợi tốt hơn cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp không liên tục. Vì vậy, không mâu thuẫn với quy định về loại hợp đồng lao động tại Điều 20 của Bộ luật Lao động.