23:11 29/06/2021

Cẩn thận trước email/SMS kèm link mã độc, đến tận nhà khử độc, tặng khẩu trang lừa đảo mùa Covid-19

Hồng Vinh

Công an TP.HCM vừa thông báo một số thủ đoạn lừa đảo người dân nhằm đánh cắp thông tin, lừa đảo tin nhắn SMS/email kèm đường link giả; đặc biệt đến tận nhà dân tặng khẩu trang, khử khuẩn để cướp tài sản…

Công an TP.HCM vừa thông báo một số thủ đoạn lừa đảo lợi dụng lòng tin, mất cảnh giác của người dân mùa Covid-19.
Công an TP.HCM vừa thông báo một số thủ đoạn lừa đảo lợi dụng lòng tin, mất cảnh giác của người dân mùa Covid-19.

Thời gian gần đây trên địa bàn TP.HCM xuất hiện một số đối tượng giả mạo là cơ quan chức năng, người của đội khử khuẩn phòng chống dịch Covid-19, người vận động quyên góp quỹ phòng chống Covid-19 vào tận nhà dân để lừa đảo. Những đối tượng này sử dụng mọi chiêu thức nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân nhẹ dạ cả tin.

 
"Công an TP.HCM khuyến cáo: chỉ cần nhấp vào đường link và thao tác theo yêu cầu của bọn chúng như cung cấp mã OTP thì ngay lập tức, tiền trong tài khoản ngân hàng sẽ mất sạch sẽ. Khi phát hiện các trường hợp nêu trên, người dân cần báo ngay cho công an gần nhất hoặc gọi 113 để được hỗ trợ".
Công an TP. Hồ Chí Minh

Theo Công an TP.HCM, một số thủ đoạn của tội phạm thực hiện trong mùa dịch để lừa đảo người dân như: Tội phạm giả danh cơ quan chức năng điện thoại đến thông báo đang truy vết F1, F2, nhà bị cách ly,… và đề nghị cung cấp thông tin cá nhân, yêu cầu bấm vào đường link mà những người này gửi để xác nhận nhưng thực chất là lấy thông tin cá nhân rồi lừa đảo.

Nguy hiểm hơn, chúng lựa chọn nhà ít người, hoặc có người lớn tuổi, con nít, phụ nữ và đến tận nơi đóng vai lực lượng phòng dịch đi phun thuốc khử khuẩn để xịt thuốc mê, phát khẩu trang tẩm thuốc mê rồi chiếm đoạt tài sản.

Chị Hoàng Lan, một người dân ở Quận 12, TP.HCM đã từng là nạn nhân của các vụ lừa đảo nói trên, kể lại: Hai người mang đồ bảo hộ kín mít, một người mang bình phun. Gõ cửa vào nhà chị rồi nói cấp trên chỉ đạo xuống phun thuốc. Đang trưa vắng vẻ, đa phần hàng xóm nghỉ ngơi, chị đồng ý cho vào nhà phun thuốc. Sau khi phun xong, một người mặc áo bảo hộ yêu cầu đóng 1,5 triệu đồng.

Thấy chị Lan thắc mắc: “Sao đóng nhiều vậy" thì bọn họ nói nếu nay không đóng mai lên UBND Quận 12 đóng gấp 2 lần vì khu nhà chị bị tình nghi có ca nhiễm nên theo chỉ đạo Quận chúng tôi mới đi phun thuốc khử khuẩn! Nghe  vậy nên chị Lan đã đóng tiền luôn”.

Ngoài ra, bọn chúng còn giả danh chống dịch đến đề nghị đóng tiền cọc chích ngừa vaccine covid-19 sau đó chiếm đoạt tiền; thông qua mạng xã hội hoặc trực tiếp đến nhà người dân để vận động quỹ phòng chống dịch thu tiền bất chính.

Trước đó, Tổng Công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) cảnh báo về việc khách hàng sử dụng điện nhận được các cuộc gọi giả danh nhân viên điện lực yêu cầu thay đồng hồ điện, kiểm tra đường dây điện nhằm trà trộn vào nhà dân để trộm cắp tài sản cũng như thu điền bất chính…

Các thủ đoạn thông thường, chúng thường mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện và yêu cầu thực hiện xác minh tài khoản, hay đe dọa người dân bị lộ mật khẩu Internet banking, lộ mật khẩu ATM, ứng dụng chuyển tiền,… đồng thời, bọn chúng gửi đường dẫn qua thư điện tử email, tin nhắn để người dân thay đổi thông tin hoặc đăng ký tiêm vaccine. Tuy nhiên, đường dẫn này chứa virus tấn công máy tính, đánh cắp dữ liệu cá nhân.

Công an TP.HCM khuyến cáo: chỉ cần nhấp vào đường link và thao tác theo yêu cầu của bọn chúng như cung cấp mã OTP thì ngay lập tức, tiền trong tài khoản ngân hàng sẽ mất sạch sẽ. Khi phát hiện các trường hợp nêu trên, người dân cần báo ngay cho công an gần nhất hoặc gọi 113 để được hỗ trợ.

Sở Y tế TP.HCM cho biết, việc phun hóa chất được tiến hành theo chương trình kế hoạch và thông báo trước cho người dân, các cơ quan tổ chức. Hóa chất phải được kiểm định chất lượng, có nhãn mác, xuất xứ rõ ràng, phun xịt đúng liều lượng và không thu phí.

Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Công  an TP.HCM  cũng  khuyến  cáo  người dân hãy làm theo sự chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế và chính quyền địa phương. Trong thời gian này cần hết sức cẩn thận với bệnh dịch, cũng như cảnh giác cao với những đối tượng xấu. Không nên làm theo những tuyên truyền không lành mạnh và trong mọi việc hãy kiểm chứng cẩn thận trước khi hành động. Nếu bất ổn phải báo ngay cơ quan chính quyền, công an địa phương.