11:40 21/05/2019

Cẩn trọng khi vào mùa viêm não Nhật Bản

Hoài Phương

Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong tuần vừa qua, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc viêm não Nhật Bản trong năm 2019.


Bệnh nhi là một em bé 4 tuổi ở xã Hồng Phong (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) nhập Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng sốt cao, li bì, co giật… Hiện sức khoẻ đã tiến triển khả quan. Theo các chuyên gia, so với năm 2018, năm nay Hà Nội ghi nhận ca bệnh viêm não Nhật Bản sớm hơn.Sở Y tế Hà Nội cho biết, thông thường từ tháng 5 đến tháng 8 hằng năm là giai đoạn cao điểm của bệnh viêm não Nhật Bản. Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây qua muỗi đốt. Bệnh thường gây viêm não, màng não ở trẻ em, có tỷ lệ tử vong và di chứng cao (từ 25 - 35%).Trẻ em hay mắc bệnh viêm não Nhật Bản B nhưng tỷ lệ mắc bệnh theo lứa tuổi thay đổi từ năm này sang năm khác. Trong phần lớn các vụ dịch, trẻ nam mắc bệnh nhiều hơn trẻ nữ. Lứa tuổi mắc bệnh thường từ 2 - 7 tuổi.Điều đáng chú ý là bệnh viêm não Nhật Bản thường khó phát hiện sớm do các triệu chứng ban đầu rất giống với những viêm nhiễm khác, diễn tiến của bệnh lại rất nhanh, thậm chí chỉ sau 1 ngày bệnh nhân đã có biểu hiện co giật, rơi vào hôn mê.
Cẩn trọng khi vào mùa viêm não Nhật Bản - Ảnh 1.
Viêm não Nhật Bản thường khởi phát rất đột ngột với sốt cao 39 độ C - 40 độ C hoặc hơn. Triệu chứng khởi phát: đau đầu, đau bụng, buồn nôn và nôn. Ngay trong 1-2 ngày đầu của bệnh đã xuất hiện cứng gáy, rối loạn sự vận động nhãn cầu; có thể xuất hiện lú lẫn hoặc mất ý thức. Ở một số trẻ nhỏ, ngoài sốt cao có thể thấy đi lỏng, đau bụng, nôn. Cha mẹ cần hết sức chú ý các dấu hiệu bất thường ở trẻ.Để phòng bệnh, tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp quan trọng và hiệu quả nhất. Mới đây, hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC (Công ty cổ phần Vắc xin Việt Nam) đã chính thức ra mắt và tiêm vắc xin Imojev ngừa viêm não Nhật Bản do Sanofi Pasteur (Pháp) sản xuất tại Thái Lan. Vắc xin này dành tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi và tiêm nhắc khi trẻ lên 1 - 2 tuổi. Đây là vắc xin thế hệ mới nhất.
Như vậy, hiện nay tại Việt Nam đang lưu hành 2 loại vắc xin ngừa viêm não Nhật Bản. Trong đó, có một loại trong chương trình tiêm chủng mở rộng do Việt Nam sản xuất tiêm cho trẻ 12 tháng tuổi, tiêm nhắc mũi 2 lúc 1- 2 tuần và tiêm nhắc mũi 3 là 1 năm sau.
Cẩn trọng khi vào mùa viêm não Nhật Bản - Ảnh 2.
Vì con đường lây nhiễm phổ biến nhất của viêm não Nhật Bản là: muỗi hút máu của lợn, trâu, bò, ngựa, dê… sau đó đốt sang người sẽ truyền virus sang người. Do đó, người dân cần chú ý xây dựng chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy và tiêu diệt muỗi. Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở, chuồng gia súc sạch sẽ để muỗi không có nơi trú đậu. Ngủ màn, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc đề phòng muỗi đốt. Các hộ gia đình thường xuyên sử dụng các biện pháp thông thường để xua, diệt muỗi.Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương cần phải đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Ngoài ra, trẻ nhỏ và cả người lớn sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh hơn nếu bạn đang lập kế hoạch đến du lịch ở các khu vực nông thôn, tham gia các hoạt động dã ngoại hoặc cắm trại.