18:27 15/01/2025

Cẩn trọng với nguy cơ sốc nhiệt khi tập thể thao trong mùa lạnh

Hoài Phương

Thời tiết lạnh không chỉ gây co thắt mạch máu làm tăng huyết áp, mà còn làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. So với năm ngoái, mùa đông năm nay số ca đột quỵ nhập viện tại các tỉnh miền Bắc đang gia tăng…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thời tiết chuyển lạnh làm gia tăng các ca cấp cứu tại nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội vì đột quỵ, phổi tắc nghẽn mạn tính, các bệnh đường hô hấp và tiêu hóa… Đặc biệt, số bệnh nhân được đưa vào Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai tăng đột biến khoảng 20 - 25% khi thời tiết chuyển lạnh. Trong đó có nhiều trường hợp bệnh nhân trẻ.

Tương tự, tại Khoa cấp cứu, BV E Hà Nội những ngày thời tiết lạnh, số bệnh nhân đột quỵ cũng gia tăng. Có bệnh nhân chưa đến 50 tuổi nhưng đã phải nhập viện do đột quỵ lần 2. Lần thứ nhất, bệnh nhân này đột quỵ cách đây đã vài năm, tuy nhiên do chủ quan nên ông không giữ gìn chế độ ăn uống và sinh hoạt. 

Đáng lưu ý, các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội liên tục tiếp nhận những trường hợp nhập viện do luyện tập thể dục, thể thao quá sức, không đúng cách. Đơn cử, Bệnh viện E mới đây vừa can thiệp cấp cứu cho một nam thanh niên (32 tuổi ở tỉnh Vĩnh Phúc) nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở, vã mồ hôi… do nhồi máu cơ tim cấp. Bệnh nhân vốn là huấn luyện viên thể hình, thường xuyên tập luyện với cường độ cao.

Màu lạnh, người dân dễ bị sốc choáng, giảm khối lượng tuần hoàn do hoạt động thể lực gắng sức.
Màu lạnh, người dân dễ bị sốc choáng, giảm khối lượng tuần hoàn do hoạt động thể lực gắng sức.

Trước đó, BV này cũng tiếp nhận bệnh nhân (37 tuổi ở thành phố Hà Nội) nhập viện trong tình trạng kích thích vật vã, mất nước, mạch nhanh, huyết áp tụt... Theo đó, trong khi đang tham gia giải chạy bộ phong trào, bệnh nhân thấy chóng mặt, choáng váng và ngất xỉu. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân bị sốc choáng, giảm khối lượng tuần hoàn do hoạt động thể lực gắng sức.

Bác sĩ CKII Nguyễn Thái Cường, Chủ nhiệm Khoa Cấp cứu BV T.Ư Quân đội 108 cho biết, vài năm gần đây, tình trạng sốc nhiệt khi tham gia các giải chạy marathon và thể thao đường dài gia tăng. Sốc nhiệt do gắng sức hay gặp ở những người trẻ, khỏe mạnh, đặc biệt là những vận động viên không chuyên khi tham gia các giải chạy marathon. Tình trạng này không chỉ xảy ra sau phơi nhiễm với nhiệt độ môi trường tăng cao mà còn do tình trạng sinh nhiệt lúc luyện tập gắng sức.

Với nhiều người dân, việc dậy sớm tập thể dục là một thói quen được duy trì khá thường xuyên. Trong điều kiện thời tiết bình thường, đây là một thói quen tốt, giúp mọi người có điều kiện vận động nhẹ, chuẩn bị cho một ngày làm việc mới. Thế nhưng, nếu thực hiện thói quen này vào mùa Đông, nhất là vào những ngày giá rét, nhiệt độ ngoài trời xuống thấp thì lại rất dễ dẫn đến nguy cơ đột quỵ; ảnh hưởng đến sức khỏe.

Ths.BS Đoàn Dư Mạnh, Thành viên Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm tim mạch và đột quỵ, Bệnh viện đa khoa Phương Đông, cho biết mùa lạnh là thời điểm tỉ lệ đột quỵ tăng từ 20 - 30% so với các mùa khác. Đặc biệt ở người cao tuổi và những người có bệnh nền như cao huyết áp, tiểu đường hoặc bệnh tim mạch. Do vậy, mùa lạnh vẫn luôn được các bác sĩ cảnh báo là mùa dễ xảy ra đột quỵ.

Mùa lạnh là thời điểm tỉ lệ đột quỵ tăng từ 20 - 30% so với các mùa khác.
Mùa lạnh là thời điểm tỉ lệ đột quỵ tăng từ 20 - 30% so với các mùa khác.

"Trong điều kiện thời tiết lạnh giá, việc luyện tập thể dục thể thao không đúng cách cũng có thể gây ra đột quỵ ở tất cả các nhóm tuổi", BS.Mạnh nói. Vị bác sĩ phân tích, vào buổi sáng sớm, cơ thể đang ở trong chăn ấm nhưng mọi người lại ra ngoài trời lạnh ngay để tập thể dục thì có thể khiến cho mạch máu co lại đột ngột, gây tăng huyết áp. Đặc biệt, sáng sớm cũng là thời điểm cơ thể đang trong trạng thái nghỉ ngơi, máu cô đặc, nếu lúc này bị tăng huyết áp do tiếp xúc với không khí lạnh thì sẽ tăng nguy cơ vỡ mạch máu não (xuất huyết não) hoặc tắc mạch do huyết khối…

Do đó, vào thời tiết lạnh, mọi người không nên rời giường và tập thể dục trước 6 giờ sáng, ngay cả những người khỏe mạnh. Người có bệnh lý nền, người già chỉ nên đi tập thể dục khi đã có ánh nắng mặt trời đã vì lúc này không khí đã ấm áp hơn. Chuyên gia cũng lưu ý với những người có thói quen tập thể dục vào buổi sáng, khi thức dậy, mọi người không nên đột ngột rời giường ngay mà nên làm ấm cơ thể tại giường trước khi dậy. Ngoài ra, trước khi tập luyện, mọi người cần phải khởi động kỹ cơ thể để đảm bảo an toàn.

‏BS. Nguyễn Ngọc Định, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, nhận định mùa lạnh mọi người đều lười uống nước hơn, ít có cảm giác khát nước hơn mùa nóng. Tuy nhiên, việc cung cấp đủ nước cho cơ thể đặc biệt quan trọng trong thời tiết lạnh giá. ‏Người dân nên uống nước trước, trong và sau khi tập luyện để bổ sung thêm nước cho cơ thể, tránh nguy cơ mất nước, ảnh hưởng đến hiệu suất luyện tập. Ngoài ra, uống nhiều nước cũng giúp môi và da không nứt nẻ trong mùa hanh khô.

Khi trời lạnh, để tránh bị hạ thân nhiệt đồng thời phòng ngừa viêm đường hô hấp, cảm cúm, không nên mặc trang phục có chất liệu 100% cotton vì mồ hôi không thể bay hơi khiến cơ thể nhiễm lạnh. Tốt nhất hãy dùng chất liệu cotton pha với polyester để giữ ấm và tạo cảm giác thoải mái khi tập luyện. ‏Trong quá trình tập luyện, luôn lắng nghe cơ thể, tránh chủ quan, tập quá sức. Nếu có bất thường phải ngừng tập và nghỉ ngơi.

Sốc nhiệt mùa lạnh vừa dễ hình thành cục máu đông , vừa gây áp lực lên tim.
Sốc nhiệt mùa lạnh vừa dễ hình thành cục máu đông , vừa gây áp lực lên tim.

Theo các bác sỹ y học cổ truyền, để đảm bảo sức khỏe, người dân cần thay đổi nếp sinh hoạt để thích ứng với mùa đông với nguyên tắc “2 không”. Đầu tiên, không tắm nước quá nóng, không để thân nhiệt lúc tắm và khi kết thúc quá chênh lệch. Các bác sĩ cảnh báo, ngay cả với những người khỏe mạnh, nếu chênh lệch nhiệt độ trước và sau khi tắm lớn hơn 5 độ, nguy cơ bất ổn tim mạch có thể xảy ra. Nếu có điều kiện, các gia đình nên trang bị thiết bị sưởi trong phòng tắm để giữ thân nhiệt lúc tắm và khi mặc quần áo không chênh lệch quá nhiều. 

Nếu nhiệt độ nước quá cao, cơ thể sẽ khó thích nghi, mạch máu co lại, làm tăng gánh nặng cho tim. Các chuyên gia còn gợi ý, bạn nên rửa tay chân bằng nước nóng trước, đợi đến khi cơ thể thích nghi với nhiệt độ rồi mới tắm toàn thân. Sau khi tắm, lau khô cơ thể và không bước chân trần ra khỏi phòng tắm. 

Thứ hai, không tập thể dục quá sức trong mùa đông lạnh giá. Đối với những người chưa được rèn luyện thời gian dài, chẳng hạn như đột ngột tham gia chạy marathon hoặc leo núi, ngay lập tức sẽ gây gánh nặng đáng kể cho tim và phổi, dễ gây ngừng tim. Thậm chí, ngay cả những người đã tập thể dục cường độ cao thời gian dài cũng không an toàn tuyệt đối trong mùa đông.