Vì sao cần đề phòng dịch sốt rét xuất hiện trở lại?
Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá rất cao trong hoạt động phòng chống sốt rét. Đến nay, nhiều tỉnh thành đã chuyển sang giai đoạn loại trừ được bệnh và phòng chống sốt rét quay trở lại…
Ngày 6/1 vừa qua, Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới T.Ư thông tin về trường hợp một nữ bệnh nhân 39 tuổi ở Vĩnh Phúc nhập viện trong tình trạng sốt cao rét run, tụt huyết áp, rối loạn ý thức, suy đa tạng và tan máu, rối loạn đông máu nặng. Khai thác thông tin dịch tễ cho thấy, người bệnh đã đi nhiều nước, đặc biệt là mới có chuyến công tác 2 tháng tại Sierra Leone (một nước Tây Phi). Lúc về nước, chị quá cảnh ở Ethiopia 2 giờ và tại Thái Lan 7 giờ.
Bác sĩ Phan Văn Mạnh, Khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư, cho biết sau khi xét nghiệm, người bệnh có kết quả khẳng định dương tính với ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum (chủng sốt rét phổ biến ở châu Phi hiện nay) với mật độ ký sinh trùng trong máu rất cao. Mặc dù được dùng thuốc chống ký sinh trùng sốt rét sớm, đến ngày thứ 16, bệnh nhân vẫn phải thở máy và điều trị các biến chứng suy tạng khác.
VIRUS ĐƯỢC “NHẬP KHẨU”
Theo bác sĩ Phan Văn Mạnh, bệnh sốt rét là bệnh truyền nhiễm do ký sinh trùng Plasmodium spp ở người gây nên, thường gặp ở các quốc gia nhiệt đới. Plasmodium spp lây truyền qua trung gian muỗi Anopheles. Bệnh biểu hiện điển hình bằng cơn sốt với 3 giai đoạn: rét run, sốt nóng, vã mồ hôi. Trong những thể lâm sàng nặng với biến chứng não, sốc, suy tạng... các triệu chứng bệnh thường chồng chéo và gây khó khăn trong chẩn đoán, trong khi tỷ lệ tử vong rất cao nếu không được điều trị kịp thời.
Mới đây, theo thông tin từ Bộ Y tế Congo, dịch bệnh "bí ẩn" khiến hàng trăm người nhiễm, nhiều ca tử vong đang diễn ra tại vùng Panzi, tỉnh Kwango, thực chất là một dạng sốt rét nặng. Năm 2024 cũng đã ghi nhận nhiều ca sốt rét từ các quốc gia Lào, Campuchia và nhiều nhất là ở châu Phi. Tại Việt Nam, mặc dù hiện nay, số ca mắc và số ca tử vong đã giảm, nhưng cũng vẫn còn một số điểm nóng, như Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa) hay Mường Tè (tỉnh Lai Châu).
TS.BS Ngô Đức Thắng, Trưởng khoa Dịch tễ, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương, cho hay sốt rét hiện nay đã khu trú ở những vùng núi, vùng khó khăn. Bên cạnh đó, cũng có thay đổi về ký sinh trùng, xuất hiện nhiều loại mới. “Đặc biệt là sốt rét ngoại lai - tức là sốt rét mang mầm bệnh về từ nước ngoài - đang có xu hướng gia tăng, chiếm 1/3 số ca mắc sốt rét chung,” BS Ngô Đức Thắng nói.
Đại diện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận 20 ca sốt rét từ nước ngoài về, đa phần là các bệnh nhân trở về từ châu Phi. Trong đó, có các ca bị sốt rét ác tính, biến chứng nặng. Gần nhất là trường hợp của một bệnh nhân từ Bờ Biển Ngà về cách đây khoảng 1 tháng. Do bệnh không còn lưu hành phổ biến nên người dân và cán bộ y tế còn chủ quản, không nghĩ đến bệnh sốt rét dẫn đến chẩn đoán không chính xác, người dân đến muộn dẫn đến khó khăn trong điều trị.
Tiến sĩ, bác sĩ Hồ Đặng Trung Nghĩa, Trưởng khoa Nhiễm Việt - Anh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết sau đại dịch Covid-19, dịch tễ sốt rét tại Việt Nam có sự thay đổi, khi các ca bệnh ghi nhận hầu hết có yếu tố nước ngoài. Năm nay, bệnh nhân sốt rét chủ yếu về từ các nước châu Phi, như Nigeria, Bờ Biển Ngà, Cameroon, Angola… Bác sĩ cảnh báo, sốt rét ác tính có nhiều thể, như thể não, thể vàng da, thể suy thận, thể thiếu máu, thể tiểu huyết sắc tố (tiểu đen)... Nếu điều trị trễ, bệnh nhân sẽ biến chứng suy thận, nhiễm toan, sốc tụt huyết áp...
Ngược lại, các ca bệnh nếu được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ khỏi hoàn toàn. Do đó, người dân nếu đến những khu vực có lưu hành sốt rét trên thế giới (như châu Phi, Đông Nam Á) cũng như những vùng giáp biên giới, vùng rừng núi, nước lợ ven biển Việt Nam…, nếu có triệu chứng sốt phải nhanh chóng đến cơ sở y tế để khám và can thiệp bệnh sớm.
NGUY CƠ TỪ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Trên thực tế, muỗi làm lây truyền các bệnh như sốt rét và sốt xuất huyết, tỷ lệ lưu hành bệnh đã gia tăng lên rất nhiều trong 80 năm qua do hiện tượng ấm lên toàn cầu kết hợp khí hậu ẩm ướt tạo điều kiện cho muỗi phát triển mạnh. Ngoài ra, hạn hán và lũ lụt liên quan đến biến đổi khí hậu có thể dẫn đến sự lây truyền virus nhiều hơn, với lượng nước tích trữ sẽ tạo thêm nơi sinh sản cho muỗi.
Giáo sư Rachel Lowe, người đứng đầu nhóm phục hồi sức khỏe toàn cầu tại Barcelona, Tây Ban Nha, đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ bùng phát dịch bệnh do muỗi truyền sẽ lan rộng khắp nơi, ngay cả những khu vực không bị ảnh hưởng như Bắc Âu, châu Á, Bắc Mỹ và Australia trong vài thập kỷ tới, thế giới cần chuẩn bị cho sự gia tăng mạnh mẽ của các căn bệnh này.
Sự nóng lên toàn cầu do biến đổi khí hậu đồng nghĩa với việc các vectơ gây bệnh sốt rét và sốt xuất huyết có thể tìm thấy nơi cư trú ở nhiều khu vực hơn, với các đợt bùng phát dịch xảy ra ở những nơi mà người dân có khả năng miễn dịch kém, hệ thống y tế công cộng và công tác dự phòng chưa tốt. Ngày nay, do mùa nóng kéo dài hơn và sương giá ít hơn, các yếu tố gây bệnh do virus lây truyền qua muỗi đang lan rộng ở cả châu Âu.
Giáo sư Lowe cho biết thêm nếu quá trình thải khí carbon tăng cao và tăng trưởng dân số tiếp tục gia tăng như hiện nay, số người sinh sống ở những khu vực có bệnh do muỗi truyền sẽ tăng gấp đôi lên tới 4,7 tỷ vào cuối thế kỷ này. Giáo sư Sabiha Essack tại Đại học KwaZulu-Natal ở Nam Phi thì nhận định biến đổi khí hậu là "mối đe dọa cấp số nhân" đối với tình trạng kháng thuốc: "Biến đổi khí hậu làm tổn hại đến tính toàn vẹn sinh thái và môi trường, hệ thống nước, tạo điều kiện cho mầm bệnh ngày càng gia tăng".
Giáo sư Lowe bổ sung: "Với tình hình biến đổi khí hậu cùng những diễn biến khó lường như hiện nay dường như rất khó giải quyết vấn đề. Chúng ta có thể sẽ thấy nhiều trường hợp mắc bệnh hơn thậm chí là tử vong do các bệnh như sốt xuất huyết và sốt rét trên khắp lục địa châu Âu. Chúng ta cần phải lường trước các đợt dịch bùng phát cũng như đưa ra các biện pháp can thiệp sớm để ngăn chặn dịch bệnh".
Riêng với Việt Nam, tại tọa đàm "Dồn tổng lực về đích để loại trừ sốt rét ở Việt Nam", TS.BS Ngô Đức Thắng cho rằng đầu tư cho phòng chống sốt rét là đầu tư về con người, về kinh phí và hạ tầng y tế cho sốt rét. “Nâng cao trình độ của cán bộ y tế, do sốt rét đã giảm, nếu không được tập huấn nâng cao, kiến thức sẽ mai một và ảnh hưởng đến kết quả phòng chống bệnh. Người dân cần được truyền thông, hiểu biết về bệnh, biết được cách thức bảo vệ bản thân".
Ngoài ra, muốn loại trừ sốt rét, không thể thiếu được sự vào cuộc của các ban ngành, đoàn thể. "Về mặt chuyên môn chúng ta cũng cần tăng cường các biện pháp phòng chống sốt rét mới, hiệu quả, các kết quả nghiên cứu.. Như vậy, chúng ta sẽ có kết quả tốt hơn, loại trừ sốt rét nhanh hơn", TS Thắng nói.