07:55 09/11/2024

Cần xây dựng Luật bảo vệ Dữ liệu cá nhân hài hoà với thông lệ quốc tế 

Hạ Chi

Chiều 8/11, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - Asean phối hợp cùng các đơn vị Vietnam Startup Ecosystem, Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển và Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức Hội thảo “Chiến lược Dữ liệu Quốc gia – Góp ý Xây dựng Luật bảo vệ Dữ liệu cá nhân”...

Trong khuôn khổ Hội thảo “Chiến lược Dữ liệu Quốc gia – Góp ý Xây dựng Luật bảo vệ Dữ liệu cá nhân”, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng xung quanh dự thảo Luật bảo vệ Dữ liệu cá nhân.
Trong khuôn khổ Hội thảo “Chiến lược Dữ liệu Quốc gia – Góp ý Xây dựng Luật bảo vệ Dữ liệu cá nhân”, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng xung quanh dự thảo Luật bảo vệ Dữ liệu cá nhân.

Hội thảo có sự tham gia của đại diện của tổ chức/tập đoàn quốc tế cùng một số tập đoàn doanh nghiệp trong nước. Các chuyên gia đã thẳng thắn trao đổi, đóng góp ý kiến, xây dựng Chính sách Chiến lược Dữ liệu Quốc gia, đảm bảo mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp, người dân.

Phát biểu khai mạc, ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực, Trưởng đại diện tại Việt Nam, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho biết: “Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới thay đỏi nhanh chóng, động lực để Việt Nam phát triển theo kịp xu hướng của thế giới là phát triển kinh tế số, trong quá trình đó, hài hoà với các thông lệ quốc tế và có sự sáng tạo là yếu tố cần thiết”.

Theo GS.TS  Nguyễn Hồng Quân, Cố vấn Chiến lược Dữ liệu Quốc gia & Vòng tròn Chính sách, Nguyên Phó Cục trưởng, Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng, dữ liệu là tài nguyên giàu mỏ, đóng vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chất lượng cuộc sống người dân. Cách đây nhiều năm Đảng và Nhà nước đã nhận ra tầm quan trọng. Nghị quyết 52 là một trong những chủ trương chính sách tiêu biểu, xác định tầm quan trọng dữ liệu quốc gia để làm nền tảng cho kinh tế số, chính phủ số, xã hội số.

Ông Quân cho rằng Chiến lược Dữ liệu Quốc gia không chỉ phù hợp với nhu cầu chiến lược kinh tế mà còn cải cách bộ máy quản lý của Nhà nước trong từng ngành nghề…

Chỉ ra những điểm nghẽn chính sách dữ liệu quốc gia, bà Lê Nguyễn Thiên Nga, Viện trưởng Viện quản trị chính sách và Chiến lược phát triển – Chủ nhiệm đề án Từ chính sách ra cuộc sống, Nghiên cứu trưởng chính sách dữ liệu Quốc gia, cho rằng Luật bảo vệ Dữ liệu cá nhân cần phải đặt trong mục tiêu vĩ mô là nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đảm bảo hài hoà với các hiệp ước quốc tế và tạo ra môi trường thu hút đầu tư thuận lợi.

Theo Báo cáo “Mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam” (MPI 2023), 98% doanh nghiệp kỳ vọng có sự thay đổi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh khi thực hiện chuyển đổi số. Chưa kể, kinh tế tư nhân đóng góp quan trọng trong việc tạo ra việc làm, giảm nghèo, tăng trưởng bền vững và toàn diện ở Việt Nam. Trong khi đó, Luật bảo vệ Dữ liệu cá nhân có thể sẽ ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của các doanh nghiệp.

Do đó, theo bà Lê Nguyễn Thiên Nga, cần tạo cơ chế cho doanh nghiệp tham xây dựng góp ý môi trường kinh doanh, tạo chính sách thuận lợi, đồng thời liên kết cộng đồng khoa học - doanh nhân để các doanh nghiệp đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ, liên thông dữ liệu, chuyển đổi số.

Đối với người dân, cần xây dựng khung chế tài cho phép người dùng lên tiếng khi có vi phạm quyền riêng tư và dữ liệu; hướng dẫn, quy định thực hiện cụ thể nhằm đảm bảo tiến trình chuyển đổi số trong các cơ quan công quyền luôn gắn với việc bảo vệ tốt nhất dữ liệu công dân nhưng cũng không làm mất đi quyền được chia sẻ dữ liệu.

Nêu ý kiến về những tồn đọng của Luật bảo vệ Dữ liệu cá nhân, GS.TS Trần Thọ Đạt, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng các nhà hoạch định chính sách cần nghiên cứu thấu đáo, tránh để chồng chéo giữa Luật dữ liệu và luật Luật bảo vệ Dữ liệu cá nhân, đồng thời quy định cần phù hợp với cả thực trạng Việt Nam và thông lệ quốc tế. 

Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân vẫn diễn ra phổ biến trên không gian mạng. Người sử dụng chưa có ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân, đăng tải công khai hoặc lộ trong quá trình chuyển giao, lưu trữ, trao đổi phục vụ hoạt động kinh doanh hoặc do biện pháp bảo vệ không tương xứng dẫn tới bị chiếm đoạt và đăng tải công khai.

Vì vậy, việc xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là vô cùng quan trọng nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, tạo hành lang pháp lý cho công tác nà, đồng thời nâng cao năng lực bảo vệ dữ liệu cá nhân cho các tổ chức, cá nhân trong nước tiếp cận trình độ quốc tế, khu vực; đẩy mạnh sử dụng dữ liệu cá nhân đúng pháp luật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.