Căng thẳng Mỹ-Nga gia tăng, ông Biden đề nghị gặp ông Putin
Nhà Trắng cho biết ông Biden đề nghị tiến hành thượng đỉnh Mỹ-Nga tại một nước thứ ba “trong vài tháng tới đây”
Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất một cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong cuộc điện đàm ngày 13/4 giữa hai nhà lãnh đạo.
Tuyên bố từ Nhà Trắng cho biết ông Biden đề nghị tiến hành thượng đỉnh Mỹ-Nga tại một nước thứ ba "trong vài tháng tới đây".
Đây là cuộc điện đàm được công bố thứ hai giữa ông Biden và ông Putin kể từ khi ông Biden nhậm chức hồi tháng 1, diễn ra trong bối cảnh các nước phương Tây lo ngại về sự gia tăng hiện diện của lực lượng Nga tại biên giới giữa nước này với Ukraine.
Theo tuyên bố vắn tắt của Nhà Trắng, trong cuộc điện đàm nói trên, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận "một số vấn đề khu vực và toàn cầu" và ông Biden đề nghị gặp ông chủ điện Kremlin "để thảo luận đầy đủ về các vấn đề" mà hai nước đang đối mặt.
Trong một tuyên bố sau đó, phủ Tổng thống Nga nói ông Biden "đề nghị xem xét khả năng tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh cá nhân trong tương lai gần".
"Cả hai Tổng thống bày tỏ sẵn sàng tiếp tục đối thoại trong những vấn đề quan trọng gồm đảm bảo an ninh toàn cầu, vì lợi ích không chỉ của Nga và Mỹ mà còn của toàn thể cộng đồng quốc tế", tuyên bố từ phía Nga có đoạn. "Ngoài ra, ông Joseph Biden bày tỏ mong muốn bình thường hóa tình trạng quan hệ song phương và thiết lập sự tương tác ổn định và dễ đoán trong những vấn đề cấp bách như đảm bảo ổn định chiến lược và kiểm soát vũ khí, chương trình hạt nhân của Iran, tình hình Afghanistan, và biến đổi khí hậu toàn cầu".
Cả tuyên bố của Nga và của Mỹ không nói gì đến việc ông Putin có nhất trí gặp ông Biden hay không, hay việc ông đón nhận đề xuất của người đồng cấp Mỹ như thế nào.
Trong cuộc điện đàm, ông Biden cũng đề cập đến vấn đề cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ và tiến hành các cuộc tấn công mạng nhằm vào các cơ quan, tổ chức Mỹ. Ông Biden còn bày tỏ lo ngại về việc quân đội Nga gần đây gia tăng hiện diện gần Ukraine và Crimea - bán đảo mà Nga xem là lãnh thổ của mình, nhưng Mỹ và Ukraine xem là lãnh thổ bị chiếm đóng.
"Tổng thống Biden nhấn mạnh cam kết không lay chuyển của Mỹ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine", tuyên bố của Nhà Trắng viết.
Trong khi đó, tuyên bố của điện Kremlin viết: "Khi trao đổi quan điểm về cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin đã vạch ra cách tiếp cận một giải pháp chính trị dựa trên thỏa thuận Minsk".
Trong những tuần gần đây, việc lực lượng Nga gia tăng hiện diện dọc biên giới Ukraine đã làm dấy lên quan ngại của các nước phương Tây về nguy cơ xảy ra xung đột quân sự giữa hai nước láng giềng.
Người phát ngôn Dmitry Peskov của điện Kremlin hôm thứ Sáu nói rằng Moscow sẽ di chuyển lực lượng Nga trên lãnh thổ Nga theo ý muốn của mình, đồng thời nói rằng căng thẳng đang leo thang là "chưa từng có tiền lệ". Ông Peskov cũng ám chỉ rằng Ukraine đang có nguy cơ xảy ra nội chiến, đe dọa an ninh Nga.
"Điện Kremlin lo ngại rằng một cuộc nội chiến có thể lại xảy ra ở Ukraine. Nếu như vậy thì an ninh của Nga sẽ bị đe dọa", hãng tin AP dẫn lời ông Peskov. "Căng thẳng đang diễn ra đúng là chưa có tiền lệ".