Mỹ sắp công bố danh sách thao túng tỷ giá, Trung Quốc có "thoát"?
Báo cáo tiền tệ mỗi năm 2 lần của Bộ Tài chính Mỹ dự kiến sẽ hoàn tất vào ngày thứ Năm tuần này
Bà Janet Yellen sẽ không đưa Trung Quốc vào danh sách thao túng tỷ giá trong báo cáo tiền tệ đầu tiên kể từ khi bà trở thành Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ - nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Bloomberg. Điều này sẽ giúp Washington tránh được sự đụng độ mới với Bắc Kinh, trong bối cảnh mối quan hệ song phương vốn dĩ đã rơi xuống mức thấp.
Báo cáo tiền tệ mỗi năm 2 lần của Bộ Tài chính Mỹ dự kiến sẽ hoàn tất vào ngày thứ Năm tuần này, nhưng chưa rõ tới khi nào mới được công bố.
Thời Tổng thống Donald Trump, Bộ Tài chính Mỹ bị cáo buộc chính trị hóa báo cáo này sau khi bất ngờ đưa Trung Quốc vào danh sách những nền kinh tế thao túng tỷ giá hối đoái hồi giữa năm 2019 - bản báo cáo công bố vào một thời điểm không theo thông lệ. Tuy nhiên, chỉ 5 tháng sau đó, Mỹ gỡ nhãn tháo túng tỷ giá đối với Trung Quốc để có được sự nhượng bộ của đối phương trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa hai nước.
Nguồn tin đề nghị không tiết lộ danh tính nói rằng ê-kíp của bà Yellen đã thảo luận về khả năng đảo ngược động thái của chính quyền tiền nhiệm trong việc đưa ra tiêu chuẩn để xác định một nền kinh tế có thao túng tỷ giá đồng nội tệ nhằm giành lợi thế cạnh tranh hay không. Thời ông Trump, Mỹ hạ thấp những tiêu chuẩn này, khiến nguy cơ một quốc gia bị đưa vào danh sách tăng cao hơn. Hiện nay, Bộ Tài chính Mỹ muốn nâng tiêu chuẩn lên, đồng nghĩa với nguy cơ một quốc gia bị dán nhãn thao túng tỷ giá giảm xuống.
Nguồn tin nói rằng nếu Bộ Tài chính Mỹ hành động theo hướng này, số quốc gia bị Mỹ giám sát về tỷ giá có thể giảm một nửa.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang giữ một lập trường cứng rắn với Trung Quốc trong các vấn đề thương mại, nhân quyền, Đài Loan, Hồng Kông… trong khi tiến hành rà soát để xác định cần làm gì tiếp theo với thuế quan trừng phạt mà ông Trump đã áp lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa Mỹ.
Việc một quốc gia bị Mỹ đưa vào danh sách thao túng tỷ giá không dẫn tới một biện pháp trừng phạt tức thì nào từ Washington, nhưng có thể gây xáo trộn trên thị trường tài chính. Theo quy định của Mỹ, Chính phủ ở Washington phải phối hợp với các quốc gia bị dán nhãn thao túng tỷ giá để giải quyết mất cân đối. Các chế tài, bao gồm việc loại bỏ khỏi các hợp đồng với Chính phủ Mỹ, có thể được áp dụng 1 năm sau đó trừ phi nhãn thao túng tỷ giá được gõ bỏ.
Dù Trung Quốc có thể thoát danh sách thao túng tỷ giá trong báo cáo sắp tới, các quan chức Bộ Tài chính Mỹ lo ngại rằng Bắc Kinh đang che giấu việc can thiệp tỷ giá thông qua hoạt động tại các ngân hàng quốc doanh, theo nguồn tin.
Phát biểu trước Thượng viện Mỹ hồi tháng 1, bà Yell nói rằng Mỹ "cần phản đối" nỗ lực can thiệp tỷ giá của các quốc gia khác. Bà cũng phát tín hiệu về thay đổi tiêu chuẩn dán nhãn thao túng tỷ giá, nói rằng thâm hụt thương mại không nên được nhìn nhận như một thông số duy nhất để làm căn cứ cho việc ra quyết định.
Trong báo cáo tiền tệ cuối cùng của chính quyền ông Trump, Mỹ dán nhãn thao túng tỷ giá lên Thụy Sỹ và đưa Ấn Độ vào danh sách theo dõi. Nhưng sau đó, hai nước này gần như phớt lờ và tiếp tục có những động thái can thiệp mạnh vào thị trường ngoại hối - một dấu hiệu cho thấy bản báo cáo của Mỹ không còn có sức ảnh hưởng lớn như trước kia.
Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ vẫn được xem là có sức nặng ở châu Á - khu vực có 8/10 nền kinh tế nằm trong danh sách theo dõi của bản báo cáo tháng 12, bên cạnh Việt Nam nằm trong danh sách thao túng tỷ giá. Nhiều nước ở châu Á đang đối mặt sức ép lớn từ căng thẳng Mỹ-Trung, phải cố gắng cân bằng quan hệ giữa một bên là đối tác an ninh và đầu tư quan trọng, với một một bên là đối tác kinh tế lớn nhất.