16:55 02/12/2021

Cảnh báo áp lực lạm phát bùng lên trong năm tới

Trâm Anh

Mặc dù CPI của 11 tháng tăng thấp nhất 5 năm qua nhưng giới phân tích nhận định lạm phát năm 2022 sẽ tăng đột biến do "nhập khẩu lạm phát" và cầu kéo...

 Nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán.
Nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán.

Chiều ngày 2/12, Bộ Tài chính thông báo một số thông tin mới, trong đó, bộ này nhận định: dù giá gas, giá xăng dầu cùng nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng mạnh nhưng căn cứ diễn biến CPI từ đầu năm đến nay, mức lạm phát năm 2021 sẽ thấp hơn 4%. Đây là thành công trong điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ và các bộ, ngành.

GIÁ CẢ SẼ BIẾN ĐỘNG MẠNH TRONG NĂM 2020

Nhận định trên của Bộ tài chính diễn ra trong bối cảnh trước đó, Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng trong 11 tháng tăng 1,84% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng thấp nhất 5 năm qua.

Mức tăng thấp của CPI từ đầu năm và giá cả hàng hóa, thực phẩm hạ nhiệt gần đây nhờ việc nối lại các chuỗi ứng ứng bị đứt gãy trong giai đoạn giãn cách.

 
Áp lực lạm phát trong năm 2022 là rất lớn, nhất là khi xu hướng các nước đầu cơ, tích trữ các mặt hàng chiến lược khiến giá cả nguyên liệu tăng cao. Đặc biệt, trong thời điểm đầu năm 2022 khi nhu cầu tiêu dùng theo quy luật tăng trong dịp Tết Nguyên đán cũng như tổng cầu nền kinh tế sẽ có những hồi phục khi dịch bệnh được kiểm soát.
Ban chỉ đạo điều hành giá.

Còn tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá ngày 26/10, theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo các bộ, ngành quyết tâm kiểm soát lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tối đa cho khu vực sản xuất. Phó Thủ tướng cũng nêu quyết tâm giữ lạm phát khoảng 2%, trong trường hợp bất thường dự kiến không vượt quá 2,5%, đảm bảo thực hiện mục tiêu do Quốc hội và Chính phủ đề ra.

Tuy nhiên, đó là câu chuyện của năm 2021. Bước sang năm 2022, nhiều chuyên gia cho rằng, dù giá nguyên vật liệu tăng cao chưa tạo áp lực lớn lên việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm 2021 nhưng chắc chắn, áp lực lạm phát trong năm tới sẽ đè nặng nền kinh tế.

Theo phân tích của Bộ Tài chính, diễn biến tăng giá nguyên liệu trên thế giới có những tác động trực tiếp và gián tiếp đến mặt bằng giá trong nước, nhất là đối với những mặt hàng có mức giá được tham chiếu từ giá thế giới hoặc chịu tác động từ giá nhập khẩu.

"Đà tăng của giá xăng dầu cùng một số mặt hàng thiết yếu dịp cuối năm có thể trở thành tác nhân đẩy lạm phát lên cao, đòi hỏi phải có các giải pháp khống chế", Bộ Tài chính nhấn mạnh.

KIỂM SOÁT GIÁ CHẶT CHẼ, TRÁNH TĂNG ĐỘT BIẾN

Trước tình hình trên, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa có chỉ đạo công tác quản lý, điều hành giá các tháng còn lại năm 2021 và ngay trong thời gian đầu năm 2022 theo hướng thận trọng, linh hoạt và chủ động, bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, thường xuyên có đánh giá, dự báo cụ thể để có giải pháp ứng phó phù hợp, kịp thời.

Đồng thời, tập trung vào việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu và hỗ trợ thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ là vừa giữ bình ổn mặt bằng giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.

Các Bộ quản lý ngành lĩnh vực theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu.

Chủ động tháo gỡ khó khăn và có phương án điều tiết nguồn hàng để tăng lượng cung ứng cho các địa phương có dịch bệnh cần cách ly hoặc giãn cách xã hội, bảo đảm cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân, nhất là dịp lễ, Tết nguyên đán 2022.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đẩy mạnh thực hiện công tác giám sát việc thực hiện kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá. Kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công.

 
"Các Bộ quản lý ngành lĩnh vực theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu. Chủ động tháo gỡ khó khăn và có phương án điều tiết nguồn hàng để tăng lượng cung ứng cho các địa phương có dịch bệnh cần cách ly hoặc giãn cách xã hội, bảo đảm cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân, nhất là dịp lễ, Tết nguyên đán 2022".
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái

Tăng cường chỉ đạo các cơ quan chức năng chủ động có kế hoạch hoặc lồng ghép vào các kế hoạch, nhiệm vụ chuyên môn để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Đối với giải pháp cụ thể về quản lý, điều hành giá các mặt hàng thiết yếu, Bộ Tài chính nhấn mạnh, các Bộ, ngành cần tiếp tục phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp cụ thể.

Thứ nhất, điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới. Đồng thời, tính toán mức trích lập và chi sử dụng quỹ BOG phù hợp để tạo dư địa cho công tác điều hành giá trong các tháng cuối năm.

Thứ hai, theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, cung cầu mặt hàng thịt lợn, đặc biệt là trong các thời điểm cuối năm, cận Tết Nguyên đán để có các biện pháp điều tiết cung cầu phù hợp, tránh tình trạng giá có biến động đột biến khi nguồn cung gián đoạn từ việc tái đàn.

Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc kê khai, niêm yết giá và việc bán vé đúng giá niêm yết đối với các đơn vị kinh doanh vận tải, đặc biệt là trong thời điểm Tết dương lịch, Tết Nguyên đán.

Thứ tư, đối với các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá tiếp tục giữ ổn định giá để đảm bảo công tác kiểm soát lạm phát chung cũng như góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân. Tuy nhiên, cần chủ động các phương án để có thể điều chỉnh được một số hàng hóa, dịch vụ khi điều kiện cho phép.