10:34 15/01/2008

Cạnh tranh giáo dục sẽ rất quyết liệt

Lý Hà

Chỉ còn chưa đầy một năm nữa, Việt Nam sẽ chính thức đón nhận làn sóng đầu tư của các trường đại học nước ngoài

Sau 5 năm tốt nghiệp, sinh viên có thể quên đến 30-50% kiến thức.
Sau 5 năm tốt nghiệp, sinh viên có thể quên đến 30-50% kiến thức.
Chỉ còn chưa đầy một năm nữa, Việt Nam sẽ chính thức đón nhận làn sóng đầu tư của các trường đại học nước ngoài. Cuộc cạnh tranh về chất lượng và giá cả đào tạo cũng chính thức bước sang một trang mới đầy thách thức và quyết liệt.

Một hội nghị toàn quốc diễn ra gần đây bàn về chất lượng giáo dục đại học lại ghi nhận thêm những yêu cầu cấp thiết, nhưng điều đáng chú ý là chính một số tổ chức giáo dục quốc tế và cả doanh nghiệp nước ngoài đã đưa ra những đề xuất để giúp phát triển, hoặc ít nhất cũng duy trì được sự tồn tại không quá thua kém của các trường đại học Việt Nam so với mặt bằng chất lượng đào tạo trên thế giới.

Tập đoàn Intel (đầu tư vào Khu công nghệ cao Tp.HCM) đã nhấn mạnh đến sự khiếm khuyết trong cách đào tạo của phía Việt Nam, bởi một sinh viên “toàn diện” có bảng điểm cao vẫn chưa đủ mà còn phải được đào tạo cả kỹ năng giao tiếp thông qua các hoạt động ngoại khóa bổ sung.

Thực ra, yêu cầu này của phía Intel không gì mới, chỉ có điều trong nhiều năm qua, cách đào tạo nặng về lý thuyết tại các trường đại học Việt Nam đã dẫn đến hậu quả là có đến 60-70% sinh viên tốt nghiệp thiếu kỹ năng và chuyên môn thực tế để làm việc, cũng như có ít nhất 50% sinh viên tốt nghiệp phải thông qua khâu đào tạo lại. Do đó, cũng chẳng có gì ngạc nhiên khi giờ đây đào tạo, huấn luyện lại dần trở thành một ngành dịch vụ chính thức.

Như các chuyên gia nước ngoài đã tổng kết, sau 5 năm tốt nghiệp, sinh viên có thể quên đến 30-50% kiến thức, còn sau 10 năm thì khả năng mai một lên đến 70-80% trong điều kiện khoa học kỹ thuật phát triển mạnh và lượng thông tin tăng vọt. Từ thực tế ấy, nhìn rộng hơn, xu hướng đào tạo lại liên quan mật thiết đến loại hình đào tạo suốt đời mà nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những quốc gia phát triển càng có ý thức, chú tâm đến.

Về mặt thời gian, giáo dục sẽ kéo dài suốt đời người; về mặt không gian, giáo dục sẽ mở rộng đến toàn xã hội. Vì thế, các trường đại học, đặc biệt là trường đại học đào tạo về các chuyên ngành kỹ thuật, cần nâng cao tỷ lệ tiết thực hành, thực tập so với tiết lý thuyết; đồng thời bổ sung cán bộ kỹ thuật hướng dẫn thực hành.

Thực tế hiện nay, số công nhân kỹ thuật mà những trường kỹ thuật đào tạo chỉ đáp ứng được 20-25% nhu cầu của các khu chế xuất, khu công nghiệp; còn đối với ngành kỹ thuật cao có khi chỉ đáp ứng được 2-5%.

Hơn nữa, vấn đề kỹ năng giao tiếp mà doanh nghiệp nước ngoài yêu cầu đối với sinh viên Việt Nam cũng liên quan đến cả kiến thức xã hội, lịch sử, địa lý, chính trị. Để làm được điều này, phương pháp đào tạo cần phải được đổi mới và cập nhật thường xuyên. Hiện nay, một trong những phương pháp hiện đại mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng là phương pháp giáo dục mới và kỹ thuật giảng dạy đa phương tiện (Multimedia).

Nếu máy tính chỉ có thể xử lí đơn cực là văn tự và chữ số, cùng lắm là hình họa, gây cảm giác đơn điệu, cứng nhắc, khô khan, dễ nhàm chán thì kỹ thuật đa phương tiện là xử lý tổng hợp kiểu trao đổi trên máy vi tính cả về chữ viết, hình ảnh, âm thanh,... thiết lập mối liên kết logic, tập hợp thành một hệ thống hết sức sinh động. Cùng với sự phát triển của kỹ thuật đa phương tiện, một hình thức giảng dạy mới được hình thành là hệ thống giảng dạy máy tính đa phương tiện.

Và tất nhiên, phương pháp mới dẫn đến yêu cầu về cải thiện, đổi mới con người giảng dạy. Đó là yêu cầu phát triển trình độ đối với giáo viên Việt Nam trong tương lai gần (2-3 năm) để dần thay thế chuyên gia, giáo viên nước ngoài, chứ không thể mang tư tưởng ỷ lại vào ngoại lực.

Để đáp ứng được yêu cầu này, giáo viên Việt Nam cần phải được đào tạo và bổ sung thường xuyên những kiến thức mới và các chương trình đào tạo của nền giáo dục quốc tế. Mặt khác, khả năng tự nghiên cứu và nghiên cứu theo nhóm là một yếu tố rất quan trọng để “nâng cấp” trình độ tổng hợp và phân tích.

Theo một số tài liệu đánh giá thì phần lớn số thạc sỹ và tiến sĩ ở Việt Nam bị hạn chế khả năng tự nghiên cứu, cũng như hạn chế trong các sản phẩm nghiên cứu (thiếu tính ứng dụng). Trong khi đó, đối với nhiều viện, trường nước ngoài (như Viện AIT của Thái Lan), phương pháp tổ chức nghiên cứu theo nhóm đã trở nên phổ biến và đem lại tác dụng lớn từ nhiều năm nay.

Đồng thời, giáo viên Việt Nam phải được trau dồi về ngoại ngữ, chủ yếu là tiếng Anh, vì không thể chấp nhận tình trạng có những trường đại học mang danh nghĩa “chất lượng cao” hay “quốc tế” mà giáo viên Việt Nam lại thiếu khả năng trung bình để truyền đạt bài giảng bằng tiếng Anh.