Cấp báo ngộ độc rượu bia
Nhiều người sai lầm khi cho rằng uống rượu, bia "xịn" không hại gan, nhưng thực chất vẫn là gánh nặng cho gan, chưa kể nhiều loại rượu, bia giả trôi nổi trên thị trường
Thời điểm trước và sau Tết, số bệnh nhân nhập viện liên quan đến rượu bia tăng cao, chủ yếu là xuất huyết tiêu hóa, men gan tăng, viêm gan, xơ gan, viêm tụy... Hầu hết bệnh nhân trong tình trạng lạm dụng rượu kéo dài nhiều năm. Cá biệt có nhiều bệnh nhân ra vào viện 9-13 lần do xuất huyết tiêu hóa.
Theo ông Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, rượu được xác định có liên quan đến gần 200 loại bệnh, là chất gây ra nhiều bệnh nhất trong các chất nguy hại cho sức khỏe. Riêng trong ngày 2/2, tại trung tâm có gần 10 bệnh nhân điều trị liên quan đến rượu bia.
Tỷ lệ điều trị tâm thần chiếm 5 – 6%
Một bệnh nhân 47 tuổi ở Mê Linh, Hà Nội làm thợ xây, nhập viện trong tình trạng ngộ độc, nôn nhiều và được chẩn đoán suy thận cấp, xơ gan, tiền sử đái tháo đường. Sau 17 ngày điều trị, bệnh nhân đã qua giai đoạn nguy kịch nhưng vẫn cần tiếp tục điều trị lâu dài.
Có rất nhiều lý do để người ta uống rượu, vui có, buồn có. Bệnh nhân: P. T. T, 46 tuổi ở Tp.Vinh, Nghệ An, nhập viện do uống rượu liên tục nhân dịp cổ vũ đội tuyển U23 Việt Nam. Khi bị ngộ độc, nhập viện thì phát hiện tụy bị hỏng một phần, viêm gan, gan hơi to.
Một bệnh nhân nữ 31 tuổi tại Bắc Giang do buồn chuyện gia đình nên đã tìm đến rượu và phải nhập viện cấp cứu. Gia đình cho hay, sau khi uống khá nhiều rượu bệnh nhân lâm vào hôn mê, bất tỉnh, huyết áp tụt. Bác sĩ phải đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp. Sau một ngày điều trị, ý thức của bệnh nhân vẫn không được cải thiện.
Bệnh nhân nam khác nhập viện trong tình trạng mê sảng, chân tay luôn giật và miệng vẫn không ngừng lảm nhảm. Bác sĩ cho hay, bệnh nhân này được người nhà đưa đến sau những ngày uống rượu triền miên, hôn mê, men gan tăng cao.
Bệnh nhân nam sinh năm 1985, nhập viện sau khi uống rượu triền miên và các cuộc nhậu nhẹt cuối năm, vào viện trong tình trạng suy tụy đặc biệt là tổn thương gan, men gan rất cao.
Phân tích về tác hại của rượu bia, ông Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc cho biết, lạm dụng rượu bia lâu ngày sẽ gây các bệnh về gan, thần kinh và làm giảm miễn dịch của cơ thể.
Đáng lưu ý, nhiều người vẫn sai lầm cho rằng, uống rượu "xịn", uống bia không hại gan, nhưng thực chất dù rượu bia "xịn" thì cũng vẫn là gánh nặng cho gan.
Ông Nguyên nhấn mạnh: "rượu được xác định có liên quan đến 200 loại bệnh, là chất gây nhiều bệnh nhất trong các chất nguy hại cho sức khỏe. Sử dụng rượu lâu ngày làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm sức chống đỡ của cơ thể.
Người uống rượu lâu ngày khi bị viêm phổi và bị nhiễm trùng rất dễ trở nặng, tăng nguy cơ tử vong so với bệnh nhân không dùng rượu ở cùng một bệnh.
Rượu giả, rượu lậu trôi nổi trên thị trường
Theo ông Hoàng Nam, Khoa Tiêu hóa - Bệnh viện Bạch Mai, thời điểm trước và sau Tết, số bệnh nhân nhập viện liên quan đến rượu bia tăng cao, trong số chủ yếu là xuất huyết tiêu hóa, men gan tăng, viêm gan, xơ gan, viêm tụy...
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, rượu bia là một trong những nguyên nhân chính gây ra các hành vi thiếu chuẩn mực trong xã hội, gây ra tai nạn giao thông và 60 loại bệnh khác nhau liên quan đến thói quen sử dụng rượu bia như gan, dạ dày, tim mạch.
Thống kê tại Viện Sức khỏe tâm thần Trung ương cho thấy, tỷ lệ điều trị tâm thần do rượu chiếm 5 - 6% số bệnh nhân tâm thần và vẫn đang có xu hướng gia tăng. Ngộ độc do uống rượu ở Việt Nam trong những năm gần đây được ghi nhận từ 1-7 vụ/năm (chiếm 1,5-2,1% số vụ ngộ độc thực phẩm/năm).
Số người mắc chỉ chiếm khoảng 0,5 - 1% tổng số người mắc nhưng số người chết chiếm 6,8-7,7% tổng số người tử vong do ngộ độc. Trong đó, nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc do rượu trắng cao nhất là 42,9%, rượu ngâm thuốc là 36,0%, rượu ngâm củ ấu là 16,0%, rượu ngâm động vật (ong đất, tắc kè, mật lợn) là 10,7%...
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế thừa nhận, trong thời gian qua, việc lạm dụng rượu về số lượng, chủng loại rượu. Đặc biệt có nhiều loại rượu giả, rượu lậu, rượu tự pha chế, không có nguồn gốc xuất xứ, rượu không nhãn mác, nhất là rượu sản xuất từ những nguyên liệu độc hại, bị cấm (cồn Methanol)... đang gây ngộ độc cấp ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng và an sinh xã hội.
Ông Nam khuyến cáo, rượu là tác nhân hàng đầu gây viêm gan, (biểu hiện tăng men gan), gan nhiễm mỡ lâu ngày dẫn đến xơ gan, rồi biến chứng hôn mê gan. Không có rượu bổ, đã là rượu thì đều nguy hại cho sức khỏe, đặc biệt là chức năng gan.
Theo ông, mỗi ngày một người chỉ dùng 1-2 chén rượu nhỏ, tương đương 1-2 cốc bia, không lạm dụng và ỉ vào các thuốc giải rượu bia chưa được chứng minh tác dụng rõ rệt. Những người thường xuyên tiếp khách, phải uống rượu bia nên khám sức khoẻ định kỳ, chú ý kiểm tra men gan.