14:38 12/12/2023

Cấp tập triển khai nhiều dự án "giải cứu" tình trạng quá tải cho các sân bay cửa ngõ

Ánh Tuyết

Nhiều dự án mở rộng, nâng cấp các sân bay quốc tế đang cấp tập triển khai để "giải cứu" tình trạng quả tải kéo dài nhiều năm. Bên cạnh đó, theo Bộ Giao thông vận tải, một số cảng hàng không trong khu vực cũng đã và đang được đầu tư để giảm tải, chia sẻ công suất đối với các cảng hàng không lớn...

Tư vấn quốc tế đang thực hiện rà soát quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, dự kiến hoàn thành trong quý 1/2024.
Tư vấn quốc tế đang thực hiện rà soát quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, dự kiến hoàn thành trong quý 1/2024.

Bộ Giao thông vận tải nhận được Phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội Lê Hoàng Hải, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai được chuyển đến cuối tháng 11/2023.

Theo phản ánh của đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, hiện nay đa số các sân bay quốc tế quy hoạch đang đi chậm hơn thực tiễn, đặc biệt là các sân bay quốc tế cửa ngõ đang bị quá tải công suất như sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Đà Nẵng, sân bay Nội Bài. Tình trạng quá tải trong nhiều năm sẽ dẫn đến hệ lụy về chất lượng dịch vụ, mất an toàn an ninh, gây hình ảnh xấu cho quốc gia trong khi từ bước quy hoạch đến bước thực hiện dự án mất rất nhiều thời gian. 

NHIỀU HỆ LỤY DO QUÁ TẢI HẠ TẦNG

Việt Nam hiện có 22 cảng hàng không đang khai thác gồm 9 cảng hàng không quốc tế và 13 cảng hàng không nội địa. Tuy nhiên, hầu như sản lượng hành khách tập trung ở 4 cảng hàng không quốc tế quan trọng là Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng và Cam Ranh, khiến nhiều thời điểm cả nhà ga hành khách và hàng hoá đều quá tải cục bộ.

Theo chia sẻ của lãnh đạo Bamboo Airways, hiện tượng ùn tắc thường xuyên diễn ra, đặc biệt tại các sân bay lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng. Do hạn chế về đường băng, năng lực điều phối cất hạ cánh, bãi đỗ nên phần nào ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số khai thác đúng giờ của các hãng hàng không, gây tiêu hao nhiều chi phí về nhiên liệu. Do tình trạng chậm chuyến gia tăng nên ảnh hưởng không nhỏ đến thời gian đi lại của hành khách.

"Cùng với sự phục hồi của du lịch, tình trạng quá tải hạ tầng sân bay được dự báo sẽ tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dịch hàng không và hoạt động của cả dây chuyền hàng không nói chung", lãnh đạo Bamboo Airways nhìn nhận.

 

"Nguyên nhân chủ yếu do: hệ thống đường cất hạ cánh xuống cấp; nhà ga hành khách chưa đáp ứng công suất khai thác; hệ thống giao thông kết nối ngoại cảng chưa đáp ứng, gây ùn tắc tại cửa ngõ cảng hàng không", Bộ Giao thông vận tải chỉ rõ.

Trước những bất cập, hệ luỵ do tình trạng sân bay quá tải kéo dài nhiều năm, Bộ Giao thông vận tải cho biết đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ một số giải pháp để khắc phục những vấn đề này.

Cụ thể, cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và đưa vào sử dụng từ tháng 04/2022, bảo đảm tần suất khai thác của tàu bay tại hai cảng hàng không này.

Bên cạnh đó, xây dựng nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất với công suất 20 triệu hành khách/năm dự kiến hoàn thành năm 2024, nâng tổng công suất của cảng lên 50 triệu hành khách/năm.

Với dự án mở rộng nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài với công suất 5 triệu hành khách/năm, cũng dự kiến hoàn thành năm 2024, nâng tổng công suất của cảng lên 30 triệu hành khách/năm.

Đối với Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cũng chuẩn bị nguồn lực trong kế hoạch đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025 để nghiên cứu, đầu tư xây dựng mở rộng nhà ga hành khách T1, xây dựng nhà ga hành khách T3 sau khi quy hoạch được phê duyệt.

Ngoài ra, dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa và cải tạo đường Cộng Hòa cũng nhằm mục đích giảm ùn tắc khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, dự kiến hoàn thành năm 2024 cùng với việc đưa vào khai thác nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Cũng theo Bộ Giao thông vận tải, một số cảng hàng không trong khu vực cũng đã và đang được đầu tư phát triển để giảm tải, chia sẻ công suất đối với các cảng hàng không lớn.

Có thể kể đến như dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 với công suất 25 triệu hành khách/năm để giảm tải cho Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; hay việc đưa vào khai thác nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Phú Bài với công suất 5,0 triệu hành khách/năm (tháng 04/2023); hoàn thành dự án mở rộng Cảng hàng không Điện Biên và đưa vào khai thác từ 02/12/2023; triển khai đầu tư dự án xây dựng nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Cát Bi với công suất 5 triệu hành khách/năm…

Với các giải pháp đồng bộ nêu trên, Bộ Giao thông vận tải cho rằng tình trạng quá tải tại các cảng hàng không lớn đang từng bước được cải thiện đáng kể.

QUY HOẠCH ĐI TRƯỚC ĐỂ MỞ ĐƯỜNG ĐẦU TƯ

Về những bất cập trong quy hoạch, theo lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, triển khai Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày 08/01/2009 phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Kết quả nghiên cứu dự báo nhu cầu vận tải và quy hoạch một số cảng hàng không lớn tương đối phù hợp với tốc độ phát triển và đây là cơ sở quan trọng để Chính phủ chỉ đạo, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.

"Tuy nhiên, do khó khăn trong bố trí nguồn lực nên việc đầu tư nâng cấp, mở rộng kết cấu hạ tầng tại một số cảng hàng không lớn còn chậm, chưa đạt được mục tiêu quy hoạch, dẫn tới khai thác vượt công suất thiết kế, đặc biệt là nhà ga hành khách", Bộ Giao thông vận tải thừa nhận vướng mắc.

Nội dung này đã được Bộ Giao thông vận tải nhận diện đầy đủ trong quá trình tổng kết, tổ chức lập và trình phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch này đã được thông qua tại Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 7/6/2023.

 

Bộ Giao thông vận tải cũng đang chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam nghiên cứu, tổ chức lập quy hoạch hoặc tiếp nhận tài trợ sản phẩm quy hoạch một số cảng hàng không cho thời kỳ này.

Triển khai quy hoạch hệ thống cảng hàng không, Bộ Giao thông vận tải đang tổ chức lập kế hoạch, cơ chế chính sách, giải pháp thực hiện quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt làm cơ sở triển khai thực hiện. 

Trong đó, bao gồm kế hoạch tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết các cảng hàng không cho thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thông tin về quy hoạch một số cảng hàng không lớn, Bộ Giao thông vận tải nêu rõ quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài được Bộ Giao thông vận tải tổ chức lập từ năm 2020 do tư vấn quốc tế (ADPi) thực hiện thông qua nguồn vốn tài trợ của Chính phủ Pháp, đến nay đã cơ bản hoàn thành.

Bộ Giao thông vận tải đang phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội để rà soát, thống nhất phương án quy hoạch và sẽ triển khai các thủ tục thẩm định, phê duyệt trong năm 2024.

Còn quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng do tư vấn trong nước thực hiện đã cơ bản hoàn thành.

Để nâng cao chất lượng quy hoạch, bảo đảm tầm nhìn dài hạn, phù hợp với kinh nghiệm phát triển trên thế giới, Bộ Giao thông vận tải đã đề nghị Chính phủ Australia tài trợ, lựa chọn đơn vị tư vấn quốc tế rà soát, đánh giá, khuyến nghị về kết quả quy hoạch của Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng để hoàn thiện quy hoạch.

Hiện nay, tư vấn quốc tế đang thực hiện rà soát quy hoạch, dự kiến hoàn thành trong quý 1/2024 làm cơ sở triển khai các thủ tục thẩm định, phê duyệt trong năm 2024.