CEO hãng tàu biển hàng đầu thế giới lạc quan hơn về kinh tế toàn cầu
“Chúng tôi cũng nhận thấy rằng lượng hàng hoá tồn trữ đang giảm ở nhiều nơi. Đến nay, chúng tôi đã chứng kiến sự phục hồi tốt sau dịp Tết cổ truyền của Trung Quốc"...
CEO Rolf Habben Jansen của hãng vận tải biển lớn thứ 5 thế giới Hapag-Lloyd cho biết ông nhận thấy triển vọng thương mại toàn cầu trong thời gian còn lại của năm 2024 đã có sự khởi sắc.
Trao đổi với hãng tin CNBC, ông Jansen tiết lộ rằng các cuộc trò chuyện gần đây với khách hàng và đối tác tại các công ty logistics khác đã mang lại cho một một cái nhìn lạc quan hơn về nửa sau của năm nay nếu so với những dự báo trước.
“Chúng tôi cũng nhận thấy rằng lượng hàng hoá tồn trữ đang giảm ở nhiều nơi. Đến nay, chúng tôi đã chứng kiến sự phục hồi tốt sau dịp Tết cổ truyền của Trung Quốc. Bởi vậy, chúng tôi khá hài lòng”, vị CEO nói.
Tuần vừa rồi, Hapag-Lloyd báo cáo lợi nhuận ròng năm 2023 giảm mạnh, đồng thời cắt giảm mạnh cổ tức trả cho cổ đông. Báo cáo tài chính cho thấy hãng tàu Đức lãi ròng 3 tỷ euro, tương đương gần 3,3 tỷ USD, giảm 83% so với năm 2022 nhưng vẫn là mức lãi lớn thứ ba trong lịch sử hãng nhờ giá cước vận tải biển tăng cao. Đưa ra lý do cho việc giảm cổ tức 85% so với năm trước, Hapag-Lloyd nói rằng công ty đang ở trong một môi trường kinh doanh đầy thách thức.
Các cuộc tấn công của phiến quân Houthi nhằm vào tàu chở hàng đi qua Biển Đỏ đã dẫn tới giá cước vận tải biển tăng vọt. Tuy nhiên, Hapag-Lloyd dự báo lợi nhuận của hãng năm nay tiếp tục giảm do chi phí gia tăng liên quan tới việc thay đổi hải trình của các chuyến tàu vốn đi qua Biển Đỏ.
Theo dữ liệu từ công ty SONAR, giá cước vận tải vận tải container từ châu Á tới Mỹ đã tăng từ ngưỡng 3.063-3.763 USD vào hôm 3/1 lên mức đỉnh điểm 5.353-7.329 USD vào hôm 9/2. Đến nay, giá cước đã giảm xuống, nhưng các công ty nhập khẩu hàng hoá của Mỹ vẫn đang phải trả mức cước cao hơn: giá cước vận tải container từ châu Á tới các hải cảng ở Bờ Tây hiện tăng 155% so với cùng kỳ năm ngoái; giá cước từ châu Á tới Bờ Đông tăng 129%; và giá cước từ châu Á tớ Bờ Vịnh Mexico tăng 71,2%.
Nói về các cuộc tấn công tàu chở hàng vẫn diễn ra ở Biển Đỏ, ông Jansen nói: “Đây là một vấn đề đáng lo ngại. Chúng ta đều hy vọng vấn đề sẽ được giải quyết sau một vài tháng nữa. Nhưng tôi thấy là bất chấp nỗ lực của nhiều quốc gia, cuộc khủng hoảng này có thể kéo dài thêm một chút”.
Để tránh phải đi qua Biển Đỏ, nhiều tàu chở hàng đã chọn cách đi qua Mũi Hảo Vọng, đồng nghĩa với hành trình dài hơn và tốn nhiều nhiên liệu hơn. Ngoài chi phí gia tăng, việc chuyển hướng các chuyến tàu từ Biển Đỏ còn làm gia tăng mức phát thải carbon dioxide của các chuyến tàu như vậy thêm 260-345%, theo dữ liệu từ công ty Sea Intelligence. Vì lý do này, các hãng tàu biển có tàu chở hàng tới châu Âu sẽ phải nộp phí phát thải cao hơn theo quy định của Hệ thống Giao dịch phát thải Liên minh châu Âu.
Ngoài vấn đề ở Biển Đỏ và việc đi lại qua kênh đào Panama trở nên khó khăn hơn do tình trạng hạn hán, ông Hansen cho rằng nhiều công ty Mỹ, chủ yếu là các doanh nghiệp bán lẻ, sẽ lên kế hoạch vận chuyển hàng hoá cho năm nay sớm hơn so với mọi năm, nhằm đề phòng các cuộc đình công có thể xảy ra ở các hải cảng ở Bờ Đông và Bờ Vịnh Mexico.
“Tôi cho rằng mùa cao điểm năm nay sẽ khởi động sớm hơn một chút. Tôi cũng cho rằng sẽ có nhiều công ty vận chuyển hàng cho mùa mua sắm cuối năm ngay từ tháng 6 đến tháng 8”, ông Hansen nói.