10:32 31/05/2023

CEO PAN Nguyễn Trà My: “Bền vững là xu hướng tất yếu của nông nghiệp hiện đại”

Khánh Huyền

Theo Tổng giám đốc Tập đoàn PAN - bà Nguyễn Thị Trà My, giảm phát thải, đặc biệt phát thải khí nhà kính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã được đưa vào mục tiêu phát triển bền vững của Tập đoàn...

Bà Nguyễn Thị Trà My - Tổng giám đốc Tập đoàn PAN.
Bà Nguyễn Thị Trà My - Tổng giám đốc Tập đoàn PAN.

Phát thải khí nhà kính tại Việt Nam đã tăng lên đáng kể trong những năm qua theo sự phát triển của nền kinh tế và gia tăng dân số. Không nằm ngoài xu hướng của thế giới, Chính phủ Việt Nam đã và đang tiến hành các biện pháp để giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của Chính phủ đòi hỏi các doanh nghiệp cùng chung vai, đồng thời cũng đặt họ trước thách thức mang tên “bền vững”. Bà Nguyễn Thị Trà My - Tổng giám đốc Tập đoàn PAN đã có những chia sẻ về thách thức này.

Năm 2022, sau COP 26, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP và Quyết định 01/2022/TTg, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện Kiểm kê khí nhà kính và Thẩm định kiểm kê; cùng Kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính và thẩm định giảm phát thải khí nhà kính. Theo đó, doanh nghiệp nông nghiệp là một trong những đối tượng tượng được yêu cầu kiểm kê và thực hiện lộ trình giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Tập đoàn PAN sẽ cần giải quyết những vấn đề gì, thưa bà?

Một cách cụ thể, Nghị định 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ đã đưa ra yêu cầu về kiểm kê, báo cáo phát thải khí nhà kính và giảm phát thải khí nhà kính với các doanh nghiệp. Kèm theo đó, Quyết định 01/2022/QĐ-TTg đưa ra danh sách các đơn vị cần thực hiện nghĩa vụ này.

Cũng theo Quyết định 01/2022, hơn 1.900 cơ sở có mức phát thải hàng năm từ 3.000 tấn CO2 trở lên phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính trong năm 2023. Các kết quả kiểm kê sẽ được thẩm định từ 2024 đến 2026, và các cơ sở này cần đưa ra báo cáo lộ trình giảm nhẹ phát thải khí nhà kính từ năm 2026.

Một số doanh nghiệp, cơ sở trong lĩnh vực nông nghiệp - thực phẩm có tên trong Quyết định 01/2022 và danh mục này sẽ được cập nhật lần tiếp theo được dự kiến ban hành vào năm 2024 và có thể sẽ bao gồm cả các cơ sở có mức phát thải thấp hơn 3.000 tấn CO2.

Tập đoàn PAN hiện chưa có doanh nghiệp thuộc diện phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính nhưng là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, PAN chắc chắn không bỏ qua mối quan tâm đối với các vấn đề môi trường, xã hội. Chúng tôi đã có kế hoạch và đang trong quá trình xây dựng lộ trình giảm phát thải khí nhà kính từ năm 2024.

Có sản phẩm xuất khẩu tới nhiều thị trường trên thế giới, ngoài quy định từ Chính phủ Việt Nam, các thành viên của Tập đoàn PAN có phải chịu “sức ép” từ phía khách hàng quốc tế?

Điều này là không tránh khỏi. Các khách hàng quốc tế, đặc biệt từ những thị trường cao cấp như EU, đang yêu cầu công bố Carbon Footprint hay dấu khí hậu trên từng sản phẩm hải sản. Họ ngày càng gia tăng nhận thức và nâng cao tầm quan trọng của việc công bố Carbon Footprint, thông qua một số yêu cầu cụ thể như Quy định kiểm soát đánh bắt, yêu cầu chứng nhận đánh bắt hoặc tái xuất các sản phẩm hải sản nhập khẩu và khuyến khích thông báo Carbon Footprint trên sản phẩm.

Ví dụ, chuỗi siêu thị Tesco của Anh cam kết tiết lộ Carbon Footprint của tất cả các sản phẩm hải sản bán, bao gồm cả sản phẩm nhập khẩu. Điều này đòi hỏi các thành viên của chúng tôi như FMC và KAF - nhà cung ứng của Tesco - phải đáp ứng yêu cầu và thực hiện kiểm kê Carbon Footprint cho các sản phẩm xuất khẩu.

Nói riêng về vấn đề giảm phát thải khí nhà kính, theo bà doanh nghiệp có vai trò thế nào trong việc đưa những nỗ lực này thành hành động thực tiễn?

Tôi cho rằng doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp đầu ngành, phải đóng vai trò tiên phong và là nhân tố quan trọng nhất trong việc giảm phát thải khí nhà kính để giảm tác động của biến đổi khí hậu. Các giải pháp đổi mới công nghệ, chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, quản lý chuỗi cung ứng, khuyến khích tiêu dùng bền vững cần được nỗ lực thực hiện.

Không chỉ bởi quy định từ Chính phủ hay do yêu cầu từ khách hàng chúng ta mới thực hiện phát triển bền vững. Nói riêng ở PAN, đó là định hướng chiến lược từ những ngày đầu tiên và luôn được cập nhật theo những xu hướng mới nhất, mối quan tâm nóng hổi nhất từ thị trường trong nước và quốc tế. Tôi tin rằng bền vững, thân thiện với môi trường là xu hướng tất yếu của nông nghiệp hiện đại.

Cụ thể tại PAN, lộ trình giảm phát thải khí nhà kính sẽ được tiến hành ra sao?

Hiện tại, chúng tôi đang theo dõi thực trạng kiểm kê và báo cáo phát thải khí nhà kính tại các doanh nghiệp thành viên, đánh giá khả năng tự xây dựng hệ thống kiểm kê và báo cáo, và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cần thiết. Việc thực hiện đúng yêu cầu này không chỉ đảm bảo tuân thủ quy định mà còn tạo điều kiện để duy trì mối quan hệ với khách hàng và đạt được sự phát triển bền vững.

Chúng tôi đã xây dựng được 1 hệ thống quản trị phát triển bền vững (PTBV) nhất quán và có hệ thống xuyên suốt từ HĐQT đến các công ty thành viên. Trong đó Tiểu ban PTBV trực thuộc sự giám sát trực tiếp của HĐQT và tôi là trưởng Tiểu ban. Tôi cũng tin rằng PAN là 1 trong số ít doanh nghiệp có bộ phận PTBV độc lập.

Với đặc thù hệ sinh thái gồm nhiều thành viên, hoạt động ở các mảng khác nhau, để có thể triển khai một cách nhất quán chiến lược PTBV từ Tập đoàn đến từng công ty, PAN đã xây dựng hệ thống đào tạo và giám sát tuân thủ chặt chẽ. Hàng năm Tập đoàn đều tổ chức chương trình đánh giá môi trường - xã hội thường niên nhằm thúc đẩy sự tuân thủ, cải thiện hệ thống hướng đến sự phù hợp ngày càng đầy đủ với những chuẩn mực quốc tế.

Giảm phát thải khí nhà kính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã được đưa vào chiến lược PTBV của Tập đoàn. Hiện tại, chúng tôi đang trong quá trình xây dựng lộ trình kiểm kê và tiến tới giảm phát thải tại từng công ty thành viên. Theo đó mỗi đơn vị sẽ có lộ trình riêng phù hợp với đặc thù sản xuất kinh doanh và điều kiện áp dụng tại đơn vị mình. Tập đoàn sẽ không áp dụng khung chung cho toàn hệ thống mà có cơ chế linh hoạt cho từng thành viên.

Thực tế từ 2020 trước khi có quy định cụ thể về giảm phát thải khí nhà kính, PAN đã khởi động dự án “Nguồn sống lâm sinh”, theo đó đặt mục tiêu trồng được 1 triệu cây xanh đến 2030 nhằm tăng diện tích che phủ, bảo vệ môi trường đất và tạo nhiều cơ hội sinh kế cho người dân địa phương. Đến nay, dự án đã trồng được gần 400.000 cây trên tổng diện tích hơn 1.200 ha tại 8 tỉnh thành trên khắp cả nước.

Chúng tôi cũng đang từng bước chuyển đổi việc sử dụng năng lượng mặt trời tại các nhà máy, cơ sở sản xuất và đặc biệt là triển khai nghiêm túc từng bước mô hình kinh tế tuần hoàn.

Nói đến kinh tế tuần hoàn, có quan điểm cho rằng 45% mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính có thể được thực hiện nhờ các giải pháp KTTH *, Tập đoàn đã triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn như thế nào? (* Quỹ Ellen Macarthur)?

Chúng tôi tận dụng tối đa nguồn lực và tối thiểu hóa tác động đến môi trường. Ví dụ, phụ phẩm cá tra dùng để chiết xuất dầu và làm thức ăn chăn nuôi, nước thải từ nhà máy được xử lý và tái sử dụng tại chỗ.

Hay vỏ và đầu tôm được dùng để sản xuất chitin, chitosan là đầu vào quan trọng của cả nông nghiệp, thực phẩm và y tế. Vỏ hạt điều của Lafooco vừa được tái sử dụng làm nguyên liệu đốt lò sấy, vừa được ép lấy tinh dầu để làm chất đốt và làm chất tạo màng để sản xuất sơn tàu biển hay các loại vật liệu ép, chịu nhiệt.

Vỏ và đầu tôm được dùng để sản xuất chitin, chitosan là đầu vào quan trọng của cả nông nghiệp, thực phẩm và y tế.
Vỏ và đầu tôm được dùng để sản xuất chitin, chitosan là đầu vào quan trọng của cả nông nghiệp, thực phẩm và y tế.

Thậm chí, bã mắm được tái sử dụng làm phân bón. Phụ phẩm từ nhà máy gạo như vỏ trấu cũng được tái sử dụng tại chỗ làm chất đốt lò sấy, tấm và cám gạo được bán cho các đơn vị làm thực phẩm, nấu cồn.

Ngay cả phụ phẩm sản xuất bánh kẹo cũng được tái sử dụng cho thức ăn chăn nuôi, bao bì được thiết kế để người dùng có thể tái sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như đồ dùng trong nhà, đồ chơi trẻ em...

Ngoài ra, toàn bộ nước thải, khí thải từ các nhà máy và cơ sở sản xuất của Tập đoàn đều được xử lý để hoặc tái sử dụng tại chỗ, hoặc trở lại an toàn với môi trường.

Với chiến lược tăng cường sử dụng năng lượng xanh, các công ty thành viên như Vinaseed, PAN Food, Bibica đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái cho các nhà máy tại khu vực có bức xạ cao. Hệ thống này giúp giảm đáng kể chi phí điện và góp phần giảm lượng CO2 thải ra môi trường.

Tôi có thể khẳng định rằng, kinh tế tuần hoàn không phải là điều gì xa xỉ mà thực tế đã và đang mang lại những lợi ích thiết thực cho chính chúng ta hàng ngày.

Cảm ơn bà về những chia sẻ này!